Thủ tướng: 19 tập đoàn, tổng công ty nắm 65% tổng tài sản nhưng đóng góp chưa tương xứng

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, bên cạnh những kết quả rất quan trọng, cơ bản, đóng góp của 19 tập đoàn, tổng công ty chưa thực sự tương xứng với nguồn lực nắm giữ và dư địa phát triển còn rất lớn...
Chủ tịch Tập đoàn IPPG hé mở kế hoạch đầu tư mới tại Phú Quốc và Đà Nẵng Bộ trưởng Bộ Công thương giao 6 nhiệm vụ cho 3 tập đoàn Nhà nước PVN, EVN và TKV

Sáng 18/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị làm việc với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước trực thuộc Ủy ban.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, hội nghị được tổ chức nhằm thực hiện kết luận của Bộ Chính trị để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động, sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty, phục vụ phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội, tiếp tục triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 - năm bản lề có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Theo Thủ tướng, năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. An sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng-an ninh được củng cố, đối ngoại và hội nhập tiếp tục được mở rộng, tăng cường…

Trong thành tích chung của cả nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của Nhân dân, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, có vai trò đóng góp rất quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, nộp ngân sách, tạo việc làm, trong đó có 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban.

Thủ tướng: 19 tập đoàn, tổng công ty nắm 65% tổng tài sản nhưng đóng góp chưa tương xứng
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP.

Lãnh đạo Chính phủ cho biết, đến cuối năm 2022, 19 tập đoàn, tổng công ty nắm giữ khoảng 63% tổng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước trong cả nước và nắm giữ khoảng 65% tổng tài sản của doanh nghiệp nhà nước trong cả nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả rất quan trọng, cơ bản, đóng góp của các tập đoàn, tổng công ty chưa thực sự tương xứng với nguồn lực nắm giữ và dư địa phát triển còn rất lớn.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá kỹ lưỡng về những thành tựu, kết quả đã đạt được để tiếp tục phát huy, chỉ ra những việc chưa làm được, những tồn tại, hạn chế cần khắc phục, rút ra các bài học kinh nghiệm, dự báo các khó khăn cần giải quyết, những thách thức cần vượt qua, xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động, sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty.

Trong đó, tập trung vào một số nội dung như mô hình, tổ chức hoạt động của Ủy ban; cơ chế, chính sách với các doanh nghiệp; sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với các doanh nghiệp; các vấn đề quản trị, đào tạo nhân lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu…

Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng cho biết, thời gian qua, Ủy ban đã thực hiện cơ bản đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước theo quy định tại Nghị định số 131/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ.

Thủ tướng: 19 tập đoàn, tổng công ty nắm 65% tổng tài sản nhưng đóng góp chưa tương xứng
Phó Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng báo cáo tại Hội nghị. Ảnh: VGP.

Trong đó, có một số thay đổi tích cực như: Cơ bản khắc phục tình trạng một số công việc chưa được thực hiện đầy đủ, tồn đọng nhiều năm (trước khi Uỷ ban được thành lập); tích cực, chủ động cùng các cơ quan quản lý nhà nước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đầu tư; quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước; đề cao nguyên tắc tuân thủ pháp luật và bảo toàn, phát triển vốn nhà nước; chủ động đề nghị hướng dẫn, làm rõ những vấn đề pháp luật chưa quy định hoặc quy định chưa rõ làm cơ sở pháp lý trong triển khai, thực hiện; ban hành và triển khai thực hiện nghiêm túc, có kết quả kế hoạch kiểm tra, giám sát về tài chính doanh nghiệp, các dự án đầu tư, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, công tác cán bộ đối với các tập đoàn, tổng công ty.

Đồng thời, Uỷ ban đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật để triển khai thực hiện nhiều dự án đầu tư. Nổi bật trong số đó là 10 dự án lớn, quan trọng, cấp thiết đã chậm tiến độ từ nhiều năm, với tổng mức đầu tư khoảng 259.000 tỷ đồng .

Cũng theo lãnh đạo Uỷ ban, một điểm sáng nữa là thực hiện đầy đủ và có kết quả nhiệm vụ cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương. Đến nay, đã báo cáo, đề xuất, được cấp có thẩm quyền đồng ý phương án xử lý đối với 8/12 dự án, giao doanh nghiệp chịu trách nhiệm thực hiện.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch Ủy ban cũng thẳng thắn nêu tồn tại, hạn chế, như: Một số công việc tuy không còn tồn đọng kéo dài như trước đây nhưng cũng chưa bảo đảm thời hạn giải quyết theo quy định; chưa tập trung nhiều cho việc định hướng chiến lược, kế hoạch phát triển để thúc đẩy, định hướng doanh nghiệp phát huy nguồn lực hiện có; chưa có cơ chế phối hợp hiệu quả với các bộ quản lý ngành liên quan trực tiếp và ảnh hưởng dẫn đến hoạt động của doanh nghiệp.

Chia sẻ về tình hình hoạt động và đầu tư phát triển của doanh nghiệp trực thuộc, ông Hồ Sỹ Hùng cho biết, cơ bản các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh đạt được hằng năm đều tăng trưởng. Riêng trong năm 2022, tổng doanh thu đạt 1 triệu 598 nghìn tỷ đồng (năm 2021 đạt 1 triệu 319 nghìn tỷ đồng); tổng lợi nhuận trước thuế đạt 83.167 tỷ đồng (năm 2021 đạt 67.478 tỷ đồng) và tổng nộp ngân sách nhà nước đạt 191.781 tỷ đồng (năm 2021 đạt 177.211 tỷ đồng).

"Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã thể hiện rõ vị trí, vai trò nòng cốt trong nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng; bảo đảm các cân đối lớn cho nền kinh tế và nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước, là công cụ để Nhà nước ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện chính sách an sinh xã hội", Phó Chủ tịch Ủy ban nhấn mạnh.

Cùng với đó, hoạt động đầu tư được các tập đoàn, tổng công ty đẩy mạnh thực hiện; trong đó có nhiều dự án đầu tư lớn, quan trọng có tính kết nối, lan tỏa, tạo tiền đề và động lực quan trọng cho phát triển các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; đặc biệt là trong các lĩnh vực năng lượng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, viễn thông, công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Ngoài ra, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, các doanh nghiệp trực thuộc Uỷ ban đã kết hợp sản xuất, kinh doanh với góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và chủ quyền quốc gia; điển hình như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam,...

Tuy nhiên, đại diện Ủy ban cũng chỉ ra một số điểm cần tập trung khắc phục trong hoạt động đầu tư, kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty. Đơn cư như: Chưa phát huy hết nguồn lực vốn, tài sản được Nhà nước giao trong việc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư; phân bổ nguồn vốn đầu tư chưa tập trung vào các ngành, lĩnh vực có tính dẫn dắt; năng lực quản trị và triển khai dự án còn yếu; một số dự án đầu tư ra nước ngoài có vốn đầu tư lớn nhưng không thành công, rủi ro cao như dự án tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, khai thác khoáng sản hoặc các dự án đầu tư tại các quốc gia bất ổn về chính trị,… dẫn đến thua lỗ trong nhiều năm, tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý.

Hậu Lộc
Phiên bản di động