Bộ trưởng Bộ Công thương giao 6 nhiệm vụ cho 3 tập đoàn Nhà nước PVN, EVN và TKV

Trong mọi tình huống, các tập đoàn phải bảo đảm đủ nguồn cung về năng lượng (than, điện, xăng dầu), phục vụ phát triển kinh tế đất nước và sinh hoạt của người dân, không được để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung (kể cả việc thiếu hụt, đứt gãy cục bộ)...
Bộ Công thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước họp tìm giải pháp cân đối tài chính cho EVN Agribank cho EVN vay 2.400 tỷ đồng làm dự án Nhà máy thuỷ điện Ialy mở rộng

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên và Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh vừa có buổi làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) về các giải pháp tháo gỡ khó khăn và tăng cường hợp tác giữa ba tập đoàn.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã chỉ đạo các tập đoàn EVN, PVN, TKV cần chú trọng hơn nữa đến việc tăng năng suất lao động, đổi mới sáng tạo, giải quyết tốt mối quan hệ giữa giá nguyên/nhiên liệu đầu vào với giá sản phẩm đầu ra phù hợp với quy luật thị trường và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Bên cạnh đó, các tập đoàn cần nêu cao tinh thần tất cả vì mục tiêu chung để tăng cường cơ chế phối hợp nhằm giải quyết kịp thời và hiệu quả các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là trong việc hợp tác tiêu thụ sản phẩm của nhau; phối hợp thực hiện minh bạch, hiệu quả các hợp đồng đã ký kết để cùng đồng hành phát triển, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa các tập đoàn kinh tế nhà nước và đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã giao 6 nhiệm vụ cụ thể cho các tập đoàn.

Bộ trưởng Bộ Công thương giao 6 nhiệm vụ cho 3 tập đoàn Nhà nước PVN, EVN và TKV
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên và Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh chủ trì buổi làm việc với EVN, PVN, TKV.

Thứ nhất, trong mọi tình huống các tập đoàn phải bảo đảm đủ nguồn cung về năng lượng (than, điện, xăng dầu), phục vụ phát triển kinh tế đất nước và sinh hoạt của người dân, không được để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung (kể cả việc thiếu hụt, đứt gãy cục bộ). Để làm được điều đó các tập đoàn cần nghiên cứu kỹ để báo cáo, đề xuất với các cấp có thẩm quyền để có chỉ đạo giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn.

Thứ hai, mỗi tập đoàn cần tập trung rà soát, đánh giá những vấn đề còn tồn đọng thuộc thẩm quyền của mình, hoặc của Bộ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để tham mưu đề xuất với lãnh đạo hai cơ quan kịp thời chỉ đạo, giải quyết. Đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền của mình cần có giải pháp xử lý kịp thời, dứt điểm và có kiểm tra, giám sát thường xuyên.

Trong quá trình hoạt động cần có sự phối hợp, chia sẻ trách nhiệm giữa các Tập đoàn với nhau một cách chân thành, thực chất; đồng thời, cần phải thực hiện nghiêm túc, hiệu quả những chỉ đạo, khuyến nghị của các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công thương và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Thứ ba, mỗi tập đoàn cần bám sát đề án, chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh đã được Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước phê duyệt, đẩy nhanh triển khai thực hiện các dự án trọng điểm. Tiếp tục chú trọng tiết kiệm chi thường xuyên, tối ưu hóa dòng tiền, vận hành tối đa hiệu quả các công trình, dự án có tiềm năng.

Thứ tư, các tập đoàn phải nghiêm túc và quyết liệt triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành chức năng (đặc biệt là Bộ Công thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp) đã chỉ ra trong các thông báo, kết luận, văn bản chỉ đạo và trả lời các kiến nghị; đồng thời, nghiêm túc triển khai thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp nêu trong kết luận tại hội nghị này. Trong quá trình thực hiện nếu phát hiện những khó khăn, vướng mắc phát sinh thì cần kịp thời phản ánh, đề xuất đến hai cơ quan để xem xét, chỉ đạo giải quyết theo thẩm quyền.

Thứ năm, từ hoạt động thực tiễn của mình, mỗi tập đoàn cần chủ động phát hiện những bất cập để kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật có liên quan; đồng thời, với những việc khó, việc mới cũng cần mạnh dạn đề xuất cơ chế thí điểm nhưng lại có kinh nghiệm thực tiễn của các đối tác.

Thứ sáu, các tập đoàn cũng phải chú trọng, làm thật tốt công tác truyền thông, cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các thông tin cho các cơ quan truyền thông chính thống, tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị các tập đoàn, các cơ quan chức năng thuộc Bộ Công thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sẽ phối hợp với nhau tốt hơn, nhuần nhuyễn hơn để cùng thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ và trên hết là vượt khó để thực hiện được các mục tiêu mà mỗi tập đoàn đề ra cũng như thực hiện các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao.

Hậu Lộc
Phiên bản di động