Thống đốc: Ngân hàng Việt Nam vẫn ổn định dù một số nhà băng trên thế giới sụp đổ
Thủ tướng yêu cầu xử lý hiệu quả các vấn đề liên quan ngân hàng yếu kém Công đoàn Ngân hàng Việt Nam tròn 30 tuổi! Chính phủ yêu cầu xử lý kịp thời các tiêu cực, vi phạm lĩnh vực ngân hàng |
Ngày 3/4, phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, sự bất ổn tài chính toàn cầu và sự sụp đổ của một số ngân hàng trên thế giới, trước mắt chưa tác động lớn đến tài chính tiền tệ Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn phải theo dõi sát vì thị trường biến động sẽ tác động đến dịch chuyển vốn giữa các nền kinh tế.
Thống đốc đánh giá, lạm phát các nước đã qua đỉnh nhưng vẫn còn ở mức cao và mặc dù chính sách tiền tệ của các quốc gia đã điều chỉnh giảm bớt sự thận trọng, nhưng vẫn đang theo hướng kiểm soát lạm phát. Điều này làm ảnh hưởng đến cầu tiêu dùng và đầu tư của các nước đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Về kinh tế trong nước, những khó khăn của nền kinh tế Việt Nam cũng là khó khăn chung của các nước trên thế giới, tăng trưởng thấp. Song điểm tích cực là lạm phát ở Việt Nam được kiểm soát ở mức 4,18%. Đây là thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân không gặp khó khăn trong vấn đề giá cả.
Theo Thống đốc, ở trong nước, hệ thống ngân hàng của Việt Nam vẫn giữ được sự ổn định dù thị trường tài chính biến động, tình trạng một số ngân hàng trên thế giới sụp đổ. Trong quý I/2023 có một diễn biến đáng chú ý, Tập đoàn SMBC – một trong những tập đoàn tài chính hàng đầu của Nhật Bản đã có giao dịch trị giá 1,5 tỷ USD mua 15% vốn của một ngân hàng của Việt Nam.
"Sự kiện này cho thấy nhà đầu tư vẫn rất tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam và những khó khăn chỉ là tạm thời trước mắt", bà Hồng đánh giá.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: SBV. |
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong bối cảnh khó khăn, Ngân hàng Nhà nước đang phải đối mặt và chịu rất nhiều áp lực, vừa điều hành thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, nhưng vẫn phải đảm bảo ổn định hệ thống ngân hàng, thị trường tiền tệ, ngoại hối…
Cũng trong quý I/2023, Ngân hàng Nhà nước đã điều tiết, mua 4 tỷ USD đồng nghĩa bơm tiền ra, giúp hệ thống hiện nay dồi dào thanh khoản. Sau Tết, tiền gửi tại hệ thống ngân hàng tăng khá cao trở lại.
Qua sự kiện rút tiền hàng loạt của Ngân hàng Sài Gòn (SCB) tháng 10 năm ngoái cũng như sự sụp đổ của một số ngân hàng ở Mỹ với bài học quản trị thanh khoản, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng tập trung hơn vào ổn định, an toàn, cũng như đáp ứng thanh khoản cho người dân.
Tính hết quý I/2023, tín dụng tăng 2,06%, đây là mức tăng thấp hơn so với cùng kỳ của một số năm trước, ngoại trừ năm ngoái. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện một số giải pháp hỗ trợ tăng trưởng tín dụng thông qua giải pháp điều tiết tiền tệ, cũng như đánh giá để đề xuất giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, nhóm nợ.
Chia sẻ về định hướng giải pháp trong thời gian tới, Thống đốc cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp với các bộ, ngành, để sửa đổi Thông tư số 16/2021/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp để làm sao tháo gỡ khó khăn nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng, tránh rủi ro từ bài học của các ngân hàng Mỹ; đánh giá để có giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ.
Đối với chương trình hỗ trợ lãi suất, theo Thống đốc, Ngân hàng Nhà nước cũng đã họp với các bộ, ngành liên quan và thống nhất không sửa Nghị định 31 bởi các quy định về đối tượng được quy định tại các nghị quyết của Quốc hội và hiện nay các bộ, ngành đang xem xét đề xuất vấn đề chuyển nguồn.
Nêu một số kiến nghị, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, để giải quyết khó khăn của nền kinh tế, phải thực hiện đồng bộ các giải pháp theo nguyên tắc vướng mắc ở đâu thì tháo gỡ ở đó, và khi xử lý cần cân nhắc thận trọng các rủi ro.
Đối với hai thị trường đang gặp khó khăn là bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp, Thống đốc cho biết trong quá trình trao đổi, Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) có một số khuyến nghị mà Ngân hàng Nhà nước cho rằng các bộ, ngành có thể cân nhắc.
Theo đó, khi đánh giá các dự án bất động sản, doanh nghiệp bất động sản, IMF khuyến nghị nên có bên thứ ba tham gia, như kiểm toán, để xem các dự án nào khó khăn tạm thời thì có giải pháp hỗ trợ.
Đồng thời, IMF cũng có quan điểm khi thực hiện các giải pháp cần tránh những rủi ro đối với bảng cân đối tài sản của hệ thống các tổ chức tín dụng; nhất là từ bài học của Mỹ vừa qua cho thấy phải kiểm soát rủi ro kỳ hạn bởi thị trường trái phiếu, bất động sản có kỳ hạn dài, khối lượng tiền lớn.