Thầy giáo 14 năm dạy trẻ mầm non giữa Sài Gòn

Ngay từ khi học lớp 11, cậu học trò Nguyễn Phương Bình đã xác định mình sẽ theo nghề giáo viên mầm non. Đến nay, đã gần 14 năm, thầy Bình là "mẹ hiền" của trẻ mầm non.
Cô giáo đem tình yêu cho những em bé Dao Ngày nhập ngàn vai, cô giáo mầm non được phụ huynh phong ‘siêu nhân’ Miễn phí bình nước cho trường mầm non, thêm đường dây nóng hỗ trợ cấp nước sạch

Mới đây, thầy Nguyễn Phương Bình - giáo viên mầm non Trường Mầm non 1, quận 5 là một trong những gương mặt giáo viên tiêu biểu của TPHCM nhận giải thưởng Võ Trường Toản năm 2019.

Thầy Nguyễn Phương Bình là giáo viên mầm non Trường Mầm non 1, quận 5, TPHCM.

Gia đình "choáng", bạn bè bất ngờ

Lý do thầy Bình chọn nghề rất giản dị: trước đây thầy hay chơi với các cháu, với các bé hàng xóm và thật sự bị thu hút trước sự hồn nhiên, ngây thơ và thông minh của trẻ nhỏ. Tự đánh giá thấy mình có khả năng chăm sóc và dạy các cháu nên thầy xác định sẽ trở thành giáo viên mầm non.

Gia đình chưa kịp mừng khi con theo Sư phạm thì "choáng" khi nghe con chọn Mầm non. Rồi đến bạn bè cũng bất ngờ, cũng can ngăn không chỉ vì những lý do thông thường như giáo viên mầm non vất vả, thu nhập thấp mà chủ yếu cho rằng đó là nghề dành cho nữ giới.

Cho đến khi đi học Sư phạm, thầy Bình cũng là "độc đinh" trong lớp, thậm chí trong khối. Ai gặp cũng hỏi, sao thầy chọn nghề này.

Rồi đến khi thầy ra trường đi dạy, nhiều phụ huynh vừa tò mò lẫn lo lắng khi "mẹ hiền" của con mình lại một nam thanh niên, trong khi công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo, nhẹ nhàng...

Nghe những điều đó, thầy Bình chỉ cười và "giải đáp" bằng chính sự tận tụy, lòng yêu trẻ và sự gắn bó với nghề của mình bao nhiêu năm qua.

Lãnh đạo Trường mầm non 1 đánh giá, thầy Nguyễn Phương Bình là người thầy làm việc có trách nhiệm. Thầy sáng tạo, sắp xếp, tổ chức công việc rất khoa học và đặc biệt, thầy rất biết chia sẻ và lắng nghe không chỉ với học trò mà với đồng nghiệp.

Khó khăn nhiều nhưng cũng lắm lợi thế

Thời gian đầu khi thầy Bình mới ra trường, lại nhận lớp nhà trẻ, việc chăm sóc phức tạp, khó khăn hơn do các cháu chưa biết tự làm vệ sinh cá nhân. Lên lớp vài hôm, thầy Bình cũng... hết hồn, trong lòng nghĩ hay thôi mình nghỉ. Nhưng rồi, tiếp xúc với trẻ, các em rất tình cảm, nhanh quý mến người khác nên đã tiếp thêm "sức đề kháng" cho thầy.

So với đồng nghiệp nữ, thầy cũng gặp những trở ngại nhất định. Có trẻ ban đầu còn lạ lẫm, cô giáo đón không sao nhưng thấy thầy là khóc thét đòi mẹ; rồi nhiều công việc như tết tóc cho các bé gái thì thầy luống cuống hơn. Rồi ngay cả phụ huynh, chủ yếu là các bà mẹ đưa đón con, lúc đầu cũng ngại trao đổi với thầy về những vấn đề của trẻ.

Nhưng "ông thầy" dạy mầm non cũng có những lợi thế nhất định. Trong lớp, trong trường, những việc cần sức "đàn ông" như bê bàn ghế, lau dọn, tháo cánh quạt, sửa đồ này nọ đã có "thầy Bình ơi". Dần dần, thầy không còn nề hà bất cứ công việc nào, những công việc tỉ mỉ như lau dọn đồ chơi, cọ nhà vệ sinh, làm vệ sinh cho trẻ, trang điểm, múa hát cho các bé... thầy Bình bắt nhịp hết.

Khi thật tâm yêu nghề, gắn bó với nghề, yêu trẻ thì không còn sự phân biệt giới tính. Thậm chí "ông thầy" còn có ưu điểm vừa làm mẹ nhưng cũng vừa làm người cha.

Đối với trẻ nhỏ, nhất là các bé trai, việc hiện diện vai trò của một người đàn ông mạnh mẽ, hào hiệp, gánh vác những việc nặng và không ngại những việc tỉ mỉ... hình thành cho các em một hình mẫu đẹp.

Sự yêu nghề luôn thôi thúc thầy tìm tòi, sáng tạo hướng đến những điều tốt đẹp cho trẻ. Thầy Bình sáng tạo trong các bài dạy, các hoạt động, thậm chí là "phá cách", không đi theo những lối mòn trong giáo dục trẻ từ cách chọn đồ chơi, vật dụng làm minh họa trực quan sinh động.

Thầy Bình từng giành giải Ba cấp thành phố trong hội thi triển lãm đồ dùng đồ chơi sáng tạo khối mầm non; giải Nhất giáo viên giỏi cấp thành phố; đạt danh hiệu “Lao động giỏi”, "Lao động sáng tạo” do Công đoàn giáo dục thành phố trao tặng.

Nhưng thành quả lớn nhất với thầy không phải là các danh hiệu. Thầy tâm sự nếu cho phép quay ngược thời gian hay có cuộc đời thứ hai, thầy vẫn sẽ chọn nghề giáo viên mầm non.

Nguồn: Dân trí
dantri.com.vn
Phiên bản di động