"Thắt lưng buộc bụng" trong giãn cách xã hội

Tiểu thương lấy tiền tích cóp ra tiêu, bữa ăn của nhiều lao động nghèo chỉ còn cơm trắng chờ hết cách ly xã hội. 
Chủ tịch tỉnh Bắc Giang ban hành công văn "hỏa tốc" về giãn cách xã hội sau ngày 15/4 Đà Nẵng: Bán hàng online và bán mang về được phép hoạt động trở lại Kiến nghị Thủ tướng tiếp tục cách ly xã hội theo 3 nhóm Thủ tướng yêu cầu không để tái diễn việc tụ tập đông người, mở cửa bán hàng mùa dịch Covid-19

Hai ngày trước khi lệnh giãn cách xã hội dự kiến hết hiệu lực, trời nắng ấm, người Hà Nội đổ ra vỉa hè tập thể dục, xe cộ kín đường. Hàng quán rục rịch chuẩn bị mở cửa buôn bán trở lại. Người dân nóng lòng trở lại sinh hoạt bình thường. Nhưng chiều 15/4, Chính phủ xếp Hà Nội đứng đầu nhóm có nguy cơ cao, tiếp tục giãn cách xã hội đến hết 22/4 cùng 11 tỉnh thành. Nhiều kế hoạch buôn bán, đi làm trở lại bị thay đổi.

"Tôi ủng hộ chủ trương giãn cách thêm để khống chế hoàn toàn dịch bệnh", ông Hoàng Hải, sống ở Hàng Buồm nêu ý kiến. Dù việc buôn bán đình trệ và cả gia đình đều ngán những ngày hạn chế bước chân ra khỏi cửa. Ông thèm đứng quầy pha cà phê cho khách, vợ muốn được ra ngoài tập thể dục. Con trai cả mong sớm trở lại công ty vì "làm việc ở nhà không hiệu quả", còn cậu con út học cấp ba ngóng ngày trở lại trường gặp thầy cô, bạn bè.

Đường dành riêng cho xe bus trên phố Yên Phụ biến thành làn đi bộ thể dục của người dân, chiều 13/4. Ảnh: Tất Định.
Quán cà phê của vợ chồng ông Hải nằm trên phố Hàng Giầy, con phố dài hơn hai trăm mét gần chợ Đồng Xuân, hay có khách nước ngoài ghé qua. Cũng như những người dân phố cổ lấy vỉa hè buôn bán, quán ông Hải rộng chừng 4 m2, đủ kê một kệ gỗ bày đủ loại cà phê đóng gói tự rang, xay. Mỗi ngày, quán chỉ bán dăm chục cốc cho khách uống. 80% doanh thu đến từ những gói cà phê hạt, cà phê bột bán mang đi.

Cuối tháng 3, khi Hà Nội bùng phát ổ dịch mới, chính quyền khuyến cáo người dân hạn chế ra đường. Hàng phở, quán bia lần lượt đóng cửa, tiệm cà phê nhà ông Hải mỗi ngày đón không nổi chục khách. Những tiểu thương phố cổ như ông chưa bao giờ thấy Hà Nội vắng vẻ đến thế, cho dù là mùng 1 Tết.

Tối 25/3, vợ chồng ông đóng quán ra về sớm. Chiều hôm đó trong cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 của Hà Nội, Chủ tịch thành phố yêu cầu đóng cửa tất cả cơ sở kinh doanh mặt hàng không thiết yếu để ngăn sự lây lan của virus, khi xuất hiện ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai. Cà phê nằm trong số mặt hàng không thiết yếu. Đó là lần đầu tiên, quán của ông Hải đóng cửa sau 17 năm mở hàng.

Buổi sáng đầu tiên giãn cách xã hội, ông Hải tỉnh dậy trên căn gác gia đình ở tầng hai, nghe tiếng líp xe đạp lạch tạch giữa phố phường, thay vì tiếng còi ôtô, xe máy, tiếng người lao xao đi lại. Âm thanh gợi cho người đàn ông 53 tuổi nhớ về cuộc sống bao cấp những năm 1980, khi vẫn còn là cậu thiếu niên phụ giúp bố mẹ gia công cà phê giao cho các nhà hàng quốc doanh. Nhưng ông biết sự tĩnh lặng ấy không phải là dấu hiệu của bình yên.

Ông Hải mang máy xay cà phê về nhà. Thi thoảng những vị khách quen hàng chục năm nhớ cà phê quá, gọi điện đặt, ông mới rang xay một mẻ, pha vào cái chai nửa lít, gọi người giao hàng cho khách uống cả tuần. "Lúc này không phải buôn bán vì lợi nhuận nữa, làm cho đỡ nhớ nghề", ông nói. Căn gác trên tầng hai phố Hàng Buồm 40 năm qua, luôn thơm lừng mùi cà phê tự tay ông rang.

Tiểu thương phố cổ cảm thấy còn may khi làm ăn nhỏ, dễ thích nghi trong đại dịch. Nếu bỏ tiền tỷ ra kinh doanh, thuê nhân viên như người khác, có lẽ bây giờ sẽ lo đến mất ngủ, bạc đầu. Những đồng lãi bán cà phê thu được từ đầu năm giò bỏ ra trả tiền thuê mặt bằng trong tháng đóng cửa.

Ông Hải không xin bớt, bởi người chủ cho thuê là cụ bà gần trăm tuổi quen biết đã nhiều năm. Thi thoảng, vợ ông vẫn sang xem bà cụ cơm nước thế nào, thiếu gì thì mua giúp. "Mình chắt bóp vẫn đủ ăn mà, dù không giàu", ông nói, nhẩm tính đã bắt đầu mang những đồng tích cóp ra chi tiêu, nhưng vẫn đủ cầm cự nếu giãn cách xã hội đến hết tháng 4, còn vài ba tháng thì "rất khó nói".

Mẹ con bà Dung trước cửa phòng trọ trong xóm lao động, chiều 15/4. Ảnh: Hoàng Phương.

Tiểu thương lâu năm như ông Hải còn đủ sức chống đỡ, với những lao động "ráo mồ hôi hết tiền", giãn cách xã hội kéo dài sẽ là chuỗi ngày tiếp tục thắt lưng buộc bụng khi không thể ra đường mưu sinh.

Cách căn gác nhỏ trên phố Hàng Buồm 2 km về phía bãi sông Hồng, 10 ngày nay mẹ con bà Nguyễn Thị Dung sống qua ngày bằng gạo cứu tế và đồ ăn thừa của hàng xóm. Xóm trọ nằm trong một vườn bưởi, nơi người ngụ cư tứ xứ thuê những chái nhà vài mét vuông sau chợ Long Biên, kiếm ăn bằng nhiều việc tay chân, người kéo xe, bốc vác, người bán bánh mì, nước chè, lượm rác, ve chai.

Buổi chiều, tiếng cọ xoong nồi và mùi xào nấu lan khắp các góc bếp. Căn nhà cuối xóm của bà Dung không nổi lửa. Đứa con gái 15 tuổi ôm chân mẹ trông ra cửa, hít hít, nhận ra mùi trứng rán bên nhà hàng xóm, đòi ăn. Bà Dung kéo con vào nhà, đóng cửa tránh ngửi mùi thức ăn.

Cuối tháng 3, xe hàng ít về, chợ Long Biên vắng hoe. Việc ít, người ta cũng ưu tiên thuê những người khỏe, làm nhanh. Người đàn bà hơn 50 tuổi và đứa con tâm thần được một xe chở dứa quen thương tình thuê ba chuyến. 50.000 đồng tiền công, bà Dung san ra, mẹ con ăn ba ngày, sáu bữa trứng gà công nghiệp dầm nước mắm thật đẫm.

Đầu tháng 4, đến hạn trả tiền thuê nhà, bà Dung lôi những đồng bạc lẻ ra đếm đi đếm lại được 200.000 đồng, phải chạy sang nhà hàng xóm vay thêm một triệu để đóng. Khi chưa dịch và còn nhiều việc, mỗi lần vay tiền, bà Dung khất mươi ngày sẽ trả. Nhưng hôm ấy bà không dám hứa, người hàng xóm cũng không nỡ hỏi.

Người phụ nữ quê Bình Lục, Hà Nam theo bốn chị gái lên Long Biên kiếm ăn từ năm 18 tuổi bằng đôi quang gánh. Hơn nửa đời người mưu sinh ở Hà Nội, bà Dung hiểu ai nhiều sức thì khá. Thời con gái, có đêm bà gánh hơn hai chục chuyến hàng, mỗi chuyến 80 kg, đi xa hàng cây số, kiếm dăm chục nghìn. Đi làm về, bà ăn nắm cơm muối vừng, tu ca nước rồi ngủ đến tối lại dậy đi gánh hàng.

Người lao động nhận gạo miễn phí tại "ATM gạo" Nghĩa Tân. Ảnh: Giang Huy.

37 tuổi, bà lấy chồng qua mai mối của bà cụ hàng xôi trên Hàng Mắm. Một người đàn ông tứ tuần, không cha không mẹ, đi bộ lang thang bốc vác thuê từ Thanh Hóa ra Hà Nội, chấp nhận bỏ thủ đô, về Hà Nam ở rể, cùng bà Dung nuôi mẹ già. Lấy nhau về, bà Dung mới biết chồng bị tâm thần, dăm bữa nửa tháng lại sùi bọt mép, nằm giãy giữa nhà, được hai năm thì chết vì ung thư phổi. Bà Dung ở lại với món nợ chữa bệnh gần trăm triệu đồng và cái thai 3 tháng. Đứa con gái đẻ ra giống bố, bị tâm thần, đến lớp chỉ đánh bạn, không trường lớp nào nhận.

Năm 2012, mẹ mất, bà Dung lục lại đôi quang gánh chục năm để xó nhà, lần thứ hai trong đời lên thủ đô mưu sinh, lần này dắt thêm con gái. Từ đấy tối nào ở Long Biên, người ta cũng thấy người đàn bà tóc bạc nửa đầu cùng đứa con gái 7 tuổi bám chặt sau quang gánh. Mỗi gánh hàng 60 kg từ chợ vào phố, tiền công 10.000 đồng, có người thương tình, dúi thêm đôi ba nghìn cho đứa trẻ con ăn quà. Bà Dung ép nó uống nước chè đặc để thức đêm, ngày ngủ.

Bốn năm nay, bà Dung bắt đầu quãng đời nằm viện nhiều hơn chạy chợ. Nằm nghỉ dăm ngày bà mới dậy làm được một tối. Giờ vai bà chỉ gánh được 20 kg, đêm bốn chuyến, có bận đang gánh quả qua đường thì ngã ra bất tỉnh. Nhưng đấy là lúc chưa có dịch. Giờ có dịch, Hà Nội xuất hiện "ATM gạo" miễn phí, siêu thị 0 đồng cho lao động nghèo không còn việc. Bà Dung không biết thông tin, cũng không còn sức đi bộ hàng chục cây số nhận đồ.

Theo lịch ngày 15/4, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội trình Chính phủ dự thảo về các nhóm được hưởng gói trợ cấp 62.000 tỷ đồng. Người gánh hàng thuê như bà Dung có cơ hội được xem xét hỗ trợ. Trong khi chờ cứu trợ và đợi ngày Long Biên có việc, mẹ con bà Dung sẽ qua bữa bằng hai yến gạo tẻ và chai dầu ăn. Túi đồ nhu yếu phẩm mấy hôm trước công an phường Phúc Xá mang tặng cho hai hộ nghèo nhất xóm trọ. Nhưng có dầu ăn, bà Dung cũng chẳng biết dùng để xào rán với cái gì.

Nguồn: VnExpress
vnexpress.net
Phiên bản di động