Techcombank miễn nhiệm Phó Tổng giám đốc Lê Bá Dũng
Ông Hồ Hùng Anh và Chủ tịch Masan giữ 2 vị trí cao nhất tại Techcombank Lãi hơn 10.600 tỷ đồng, Techcombank vẫn để cổ đông ''nhịn'' cổ tức |
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, mã CK: TCB) vừa thông báo miễn nhiệm chức vụ Phó Tổng giám đốc đối với ông Lê Bá Dũng, kể từ ngày 5/5/2019. Trước đó, ông Lê Bá Dũng đã có đơn xin thôi đảm nhận cương vị Phó Tổng giám đốc và Giám đốc Khối Quản trị Rủi ro Techcombank.
Được biết, sau khi rời khỏi vị trí Phó Tổng giám đốc, ông Lê Bá Dũng sẽ làm cố vấn chiến lược và song hành cùng Ban điều hành của Techcombank thực thi thành công những dự án chiến lược, phù hợp với thời gian và nguyện vọng cá nhân.
Ông Lê Bá Dũng bắt đầu làm việc tại Techcombank từ tháng 9/2015 trên cương vị Giám đốc Khối Quản trị Rủi ro, được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Quản trị rủi ro từ ngày 7/1/2019. Trước khi gia nhập Techcombank, ông Dũng đã đảm nhận nhiều vị trí quan trọng tại các tập đoàn tài chính lớn trên thế giới, như 17 năm làm việc tại GE và GE Capital văn phòng Mỹ và châu Á...
Ông Lê Bá Dũng. |
Như vậy, với việc miễn nhiệm ông Lê Bá Dũng, hiện Ban điều hành Techcombank hiện chỉ còn 3 thành viên gồm Tổng giám đốc Nguyễn Lê Quốc Anh và hai Phó Tổng giám đốc là ông Đỗ Tuấn Anh, ông Phạm Quang Thắng.
Trước đó, ngày 13/4, Techcombank đã tổ chứ Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) 2019, toàn bộ các tờ trình và kế hoạch chiến lược của Hội đồng Quản trị (HĐQT) đã được các cổ đông thông qua với đa số phiếu tán thành.
Tại Đại hội đồng cổ đông, các cổ đông cũng đã nhất trí bầu chọn 8 thành viên mới của Hội đồng quản trị và 3 thành viên mới của Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2019-2024. Trong đó, ông Hồ Hùng Anh tái đắc cử Chủ tịch Hội đồng quản trị nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp.
Được biết, ông Hồ Hùng Anh trở thành cổ đông của Techcombank năm 1995 và là thành viên HĐQT từ năm 2004. Ông ngồi vào ghế Phó Chủ tịch HĐQT thứ nhất từ năm 2006, sau đó 2 năm thì chính thức tiếp quản ghế Chủ tịch ngân hàng cho đến nay. Hiện ông Hồ Hùng Anh là một trong những cổ đông lớn nhất của Techcombank với tỷ lệ sở hữu hơn 17%.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Masan đã đầu tư vào Techcombank từ năm 1993. Sau vài năm làm Phó tổng giám đốc Techcombank, năm 1999 ông Quang trở thành thành viên Hội đồng quản trị của ngân hàng này. Ông là Phó Chủ tịch thứ nhất HĐQT Techcombank từ 5/2008 tới nay.
Cũng tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông Techcombank 2019 vừa qua, các cổ đông đã nhất trí với kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua việc phát hành 10 triệu cổ phiếu cho cán bộ nhân viên qua chương trình ESOP.
Năm 2019, Techcombank đặt mục tiêu lợi nhuận dự kiến trước thuế là 11.750 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng trưởng 10%; tăng tổng tài sản lên 375.821 tỷ đồng và số dư tín dụng là 245.366 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng lần lượt là 17% và 13% so với 2018. Đồng thời, ngân hàng cũng lên kế hoạch để đảm bảo giữ tỷ lệ nợ xấu nhóm 3-5 ở mức dưới 2,5%.
Đáng nói, dù năm 2018 đạt mức lợi nhuận tới hơn 10.000 tỷ đồng nhưng Ban lãnh đạo Techcombank quyết định giữ lại lợi nhuận, không chia cổ tức để phục vụ hoạt động kinh doanh, trong đó nhằm tăng vốn chủ sở hữu, đảm bảo các yêu cầu về vốn của Ngân hàng Nhà nước như Basel II và tăng cạnh tranh trên thị trường.
Cũng tại Đại hội, lãnh đạo nhà băng đã tiết lộ, năm nay, ngân hàng có kế hoạch xây dựng 2 trụ sở tại Lý Thường Kiệt (Hà Nội) và khu đất 23 Lê Duẩn (TP HCM), dự kiến hoàn thành năm 2021.