Tập trung đầu tư phát triển du lịch thành phố Thanh Hóa
Đẩy mạnh phát triển du lịch Thanh Hóa Biển Sầm Sơn đón gần 40.000 lượt khách |
Theo báo cáo, trong 3 năm 2018 – 2020, TP Thanh Hóa đón được 4.950.000 lượt khách du lịch, trong đó khách nội địa 4.793.000 lượt, khách quốc tế 157.000 lượt với tổng doanh thu đạt 5.300 tỷ đồng.
Trong đó, năm 2019 số lượt khách tăng so với với năm 2018 là 11%. Năm 2020, số lượt khách giảm so với năm 2019: 32% (do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19). Tổng số cơ sở lưu trú đến nay là 210 cơ sở lưu trú du lịch với 3.945 phòng, so với năm 2018 tăng 30 cơ sở (với 1.588 phòng), trong đó có 7 cơ sở từ 3-5 sao (với 1.353 phòng).
Cầu Hàm Rồng |
Năm 2018, Đề án phát triển du lịch thành phố đến năm 2025, tầm nhìn 2030 được UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, đề án đã đặt ra 10 nhóm giải pháp và 36 nhiệm vụ với kinh phí dự kiến giai đoạn 2018 - 2030 là 32.000 tỷ đồng (vốn Trung ương và UBND tỉnh là 1.840 tỷ đồng, thành phố là 1.415,5 tỷ đồng, xã hội hóa là 28.744,5 tỷ đồng).
Năm 2021, TP Thanh Hóa đặt ra 3 nhiệm vụ trọng tâm trong việc phát triển du lịch, gồm: Đầu tư cơ sở hạ tầng; Đầu tư phát triển du lịch tại khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng bao gồm Cầu Hàm Rồng, Động Long Quang, Nhà máy điện Hàm Rồng, Trận địa pháo Cao xạ đồi C4, Làng cổ Đông Sơn, Quảng trường Hàm Rồng; Phát triển sản phẩm du lịch bao gồm Không gian văn hóa Hội An tại TP Thanh Hóa, Du lịch về làng cổ Đông Sơn, Lễ hội hoa đăng trên sông Mã, Sản phẩm đường hoa, cánh đồng hoa theo mùa, Xây dựng, nâng cao chất lượng sản phẩm tour du lịch “Ngược xuôi sông Mã”, Sản phẩm Phố đi bộ Phan Chu Trinh.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo TP.Thanh Hóa cũng đề xuất với UBND tỉnh 7 đề nghị trọng tâm về phát triển du lịch.
Trong đó, TP Thanh Hóa sẽ chú trọng đến việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng về phát triển du lịch khu vực Hàm Rồng, như: Đầu tư bảo tàng Hàm Rồng chiến thắng trên cơ sở cải tạo, nâng cấp trung tâm Hội nghị Hàm Rồng; Xây dựng cột cờ trên đỉnh núi Ngọc và hệ thống đường dạo, tạo cảnh quan thu hút khách du lịch; Bổ sung kinh phí xây dựng đường hoa (từ cầu Hàm Rồng đến động Tiên Sơn) và mua xe điện phục vụ khách tham quan; Tăng tỷ lệ tự chủ cho Ban Quản lý di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng; Nghiên cứu xây dựng Công viên khảo cổ học Đông Sơn, tại khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng…
Trong thời gian tới, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa nêu một số vấn đề trọng tâm về phát triển du lịch tại TP Thanh Hóa, gồm: Cần phải quy hoạch lại hệ thống mạng lưới phát triển du lịch của địa phương, nên xem xét mời những chuyên gia hàng đầu về phát triển du lịch trong nước hoặc nước ngoài về xây dựng quy hoạch phát triển du lịch. Việc phát triển du lịch phải được định hướng đúng đắn và có chiều sâu; trong đó cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề nguồn nhân lực, nâng tầm sản phẩm du lịch dựa trên tiềm năng, lợi thế sẵn có; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về du lịch, quản lý điểm đến; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá…
Bên cạnh đó, TP Thanh Hoá cần phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch sớm áp dụng số hoá, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động du lịch, hướng tới phát triển trở thành đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, là điểm đến hấp dẫn, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của cả tỉnh.
Về 7 đề xuất kiến nghị của địa phương, Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa đồng thuận về mặt chủ trương và giao TP Thanh Hóa làm báo cáo gửi về UBND tỉnh xem xét, giao nhiệm vụ cho các ngành liên quan tham mưu thực hiện.