Tạo cơ chế, chính sách nhằm tăng “sức đề kháng” cho các hợp tác xã

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, kinh doanh của 90% số hợp tác xã trên cả nước. Trong đó, từ 30 - 40% bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, vẫn có khoảng 10% số hợp tác xã hoạt động ổn định và phát triển, trở thành điểm sáng cần nhân rộng trên cả nước.
Cách mạng 4.0 mang lại nhiều cơ hội cho làng nghề Việt Nam Bắt quả tang Hợp tác xã Xuân Dương đang xả thải ra sông Mã Sai phạm nghiêm trọng của Saigon Co.op: Có dấu hiệu thâu tóm, chiếm đoạt vốn

Hợp tác xã phải đối mặt với nhiều khó khăn

Hợp tác xã có vai trò rất quan trọng trong quá trình thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp. Với đặc thù sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ như hiện nay, các hợp tác xã chính là “cánh tay nối dài” giữa các hộ nông dân với các doanh nghiệp; Đồng thời giúp cung cấp các vật tư đầu vào, hướng dẫn người dân sản xuất theo quy trình, đảm bảo đầu ra cho các nông sản.

Chính vì vậy, việc tháo gỡ các khó khăn nội tại hiện có của hợp tác xã là điều cần thiết để đưa sản xuất của ngành nông nghiệp ngày càng có hiệu quả, gia tăng và ổn định thu nhập cho người nông dân. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như tác động của dịch COVID-19 đang đòi hỏi các hợp tác xã cần có nhiều thay đổi để thích ứng, phù hợp với tình hình, bắt nhịp với thời cuộc.

Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến nay, cả nước có 26.040 hợp tác xã, thu hút hơn 8,1 triệu thành viên. Trong đó, chủ yếu là đại diện hộ cá thể, cá nhân ở địa bàn nông thôn tham gia hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác (chiếm 31% tổng số hộ cá thể, cá nhân của cả nước).

Khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã đóng góp trực tiếp khoảng 4,8% GDP cả nước và gián tiếp hơn 30% GDP thông qua giá trị gia tăng của kinh tế hộ thành viên.

Tạo cơ chế, chính sách nhằm tăng “sức đề kháng” cho các hợp tác xã
Hợp tác xã có vai trò rất quan trọng trong quá trình thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp

Tuy nhiên, qua đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, hoạt động của hợp tác xã vẫn còn rất nhiều khó khăn tồn tại. Thực tế còn nhiều hợp tác xã có quy mô sản xuất, kinh doanh nhỏ, số lượng thành viên ít. Quá trình mở rộng số lượng thành viên, quy mô kinh doanh, tích lũy vốn, tài sản diễn ra chậm.

Tổng số vốn, tài sản của hợp tác xã nông nghiệp khoảng 15.200 tỷ đồng, trung bình một hợp tác xã nông nghiệp chỉ có tổng số vốn, tài sản 871 triệu đồng. Nếu so với số vốn hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp năm 2013 khoảng 702 triệu đồng/hợp tác xã thì thấy quá trình tích lũy vốn của hợp tác xã nông nghiệp diễn ra còn chậm.

Bên cạnh đó, số lượng thành viên trung bình của một hợp tác xã nông nghiệp nhỏ và có xu hướng giảm dần. Chính việc quy mô nhỏ, vốn thấp gây nhiều khó khăn cho hợp tác xã trong việc mở rộng hoạt động và phát triển hoạt động mới và trong việc đối ứng để tiếp cận nguồn hỗ trợ của nhà nước. Vốn ít và tích lũy vốn chậm cũng ảnh hưởng tiêu cực đến tiếp cận vốn tín dụng của hợp tác xã nông nghiệp.

Điểm đáng chú ý, mặc dù trong những năm qua, tỷ lệ hợp tác xã tham gia vào chuỗi giá trị tăng đều hàng năm nhưng còn ở mức thấp. Nhiều hợp tác xã có liên kết chuỗi giá trị nhưng tỷ lệ sản phẩm tham gia liên kết rất thấp, tỷ lệ hợp tác xã có hoạt động sau thu hoạch như sơ chế, chế biến và thương mại sản phẩm còn thấp. Chưa đến 10% hợp tác xã nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao.

Trong khi đó, tham gia chuỗi giá trị và ứng dụng khoa học công nghệ là những hoạt động quan trọng để hợp tác xã thu hút thành viên, tạo giá trị giá tăng cho thành viên và hợp tác xã và đảm bảo sự phát triển bền vững của hợp tác xã nông nghiệp.

Tạo cơ chế, chính sách nhằm tăng “sức đề kháng” cho các hợp tác xã
Hiện nay, các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã hoạt động hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế bền vững

Tìm giải pháp tăng nguồn nội lực cho hợp tác xã

Theo Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Lê Đức Thịnh, để hỗ trợ các hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp có thể “chống chọi” và vững vàng trước đại dịch cũng như những rủi ro trong quá trình sản xuất, kinh doanh, Bộ đã xây dựng và đưa ra 9 nhiệm vụ trọng tâm trước mắt và lâu dài.

Trong đó, đề xuất xây dựng Quỹ bảo hiểm nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị và vay vốn tín dụng; Bảo hiểm nông nghiệp gắn với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long; Triển khai thực hiện bảo hiểm nông nghiệp cho các cây trồng thuộc đề án vùng nguyên liệu chủ lực của quốc gia trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, sản phẩm chủ lực của địa phương để giúp cho việc sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu được bền vững, giảm rủi ro cho nông dân, doanh nghiệp và toàn ngành Nông nghiệp…

Về phía Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cũng đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương thực hiện gói tín dụng từ chính sách tiền tệ hoặc bảo lãnh của Nhà nước từ chính sách tài khóa với lãi suất thấp (3%/năm); Trong đó, chú trọng tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã tiếp cận gói tín dụng ưu đãi để trả lương ngưng việc đối với người lao động làm việc trong hợp tác xã; Vay để xây dựng kho bãi, nhà xưởng chế biến, bảo quản nông sản, tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp, hình thành các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị ngay sau khi khôi phục sản xuất trong trạng thái bình thường mới… Đây chính là giải pháp nhằm tăng nguồn nội lực cho hợp tác xã vừa giúp giảm thiểu rủi ro cho xã viên, nông dân.

Tạo cơ chế, chính sách nhằm tăng “sức đề kháng” cho các hợp tác xã
Việc xây dựng cơ chế, chính sách mang tính hỗ trợ đặc thù trước, trong và sau khi dịch bệnh được đẩy lùi nhằm giúp các hợp tác xã tháo gỡ khó khăn

Trong khi chờ gói bảo hiểm nông nghiệp và những giải pháp tháo gỡ khó khăn của Chính phủ đi vào thực tiễn, tỉnh Hưng Yên - một trong những tỉnh tiên phong đã triển khai nhiều giải pháp trong đó có hỗ trợ một phần kinh phí cho các tăng nguồn nội lực cho hợp tác xã thực hiện xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh; Chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ mới; Thuê lao động có trình độ, tay nghề về làm việc có thời hạn trong hợp tác xã.

Đồng thời, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để hợp tác xã liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư với các tổ chức, cá nhân và thành viên hợp tác xã nhằm huy động nguồn vốn để xây dựng nhà kho, xưởng sơ chế, bảo quản nông sản, từng bước giải quyết dứt điểm bài toán “được mùa mất giá”.

Còn tại tỉnh Sơn La, ông Lê Tiến Lợi, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh cho biết, để gỡ khó cho các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn, ngoài chính sách chung của Nhà nước, tỉnh còn có cơ chế riêng thu hút cán bộ trẻ, được đào tạo bài bản về làm việc lâu dài tại hợp tác xã. Đồng thời, tỉnh bố trí ngân sách, lồng ghép các chương trình mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội một cách hợp lý theo hướng quan tâm ưu tiên hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Tỉnh cũng hình thành mạng lưới liên kết và kênh tiêu thụ sản phẩm của các hợp tác xã trong tỉnh tới các vùng, miền trong cả nước. Tỉnh cũng cần tạo điều kiện cho các hợp tác xã được tiếp cận những chính sách từ các quỹ, các chương trình hỗ trợ theo chuỗi giá trị và mô hình hợp tác xã kiểu mới từ nguồn kinh phí của Trung ương…

Trước tình hình dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có các hợp tác xã nông nghiệp, việc xây dựng cơ chế, chính sách mang tính hỗ trợ đặc thù trước, trong và sau khi dịch bệnh được đẩy lùi nhằm giúp các hợp tác xã tháo gỡ khó khăn, phát triển vững chắc là việc làm hết sức cần thiết.

Sự hỗ trợ về chính sách, cơ chế không chỉ tăng “sức đề kháng” cho các hợp tác xã mà còn giúp các hợp tác xã linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp.

TTTĐ
Phiên bản di động