Tại sao trẻ em ít bị ảnh hưởng bởi Covid-19?
WHO quan ngại không đủ vaccine ngăn số ca mắc COVID-19 trong 3-6 tháng tới |
Theo số liệu thu thập từ nhiều nguồn trong gần một năm xảy ra đại dịch COVID-19, trẻ em chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong các ca lây nhiễm. Thậm chí nếu trẻ bị nhiễm virus thì hầu hết là chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc hoàn toàn không có triệu chứng. Đến nay, ngày càng nhiều bằng chứng khoa học cho thấy hệ thống miễn dịch của "trẻ em" có vẻ được trang bị tốt hơn để loại bỏ virus SARS-CoV-2 (nCoV) so với người lớn.
Một trong những lời giải thích khá thú vị đó là trẻ em có hệ thống miễn dịch phản ứng rất nhanh dựa trên kết quả của một số nghiên cứu sau:
Trong nghiên cứu có ba trẻ em dưới mười tuổi trong cùng một gia đình mắc bệnh COVID-19 và cả nhà đã được phát hiện có kháng thể kháng lại virus, hai trong số chúng chỉ có các triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, không có đứa trẻ nào cho kết quả dương tính với virus bằng phương pháp RT-PCR (kiểm tra sự hiện diện của virus), mặc dù đã được xét nghiệm 11 lần trong 28 ngày, dù rằng chúng vẫn tiếp xúc gần gũi với cha mẹ là những người đã có kết quả xét nghiệm dương tính trong suốt thời gian đó.
Trong một nghiên cứu khác trên 32 người lớn và 47 trẻ em từ 18 tuổi trở xuống, phát hiện ra rằng trẻ em hầu hết chỉ tạo ra kháng thể nhắm vào protein S (Spike) trên màng tế bào virus trong khi người lớn tạo ra cả kháng thể nhắm vào protein S và protein N (nucleocapsid) của virus. Chúng ta nên biết rằng protein S trên màng virus có chức năng xâm nhiễm tế bào và protein N nằm trong virus cần thiết cho sự nhân lên của virus. Protein N chỉ được tạo ra nhiều khi sự xâm nhiễm của virus lan rộng ra trong cơ thể.
Điều này cho thấy cơ thể của của trẻ em đã tạo ra kháng thể rất sớm để tấn công virus ngay trước khi chúng có thể tấn công tế bào và nhân lên. Vì bị bất hoạt/tiêu diệt quá sớm nên virus không kịp sinh sản, tạo ra đủ số lượng để có thể phát hiện được bằng phương pháp RT-PCR.
Ngoài ra, cũng có một số lời giải thích khác cho câu hỏi trên như:
- Tế bào miễn dịch T của trẻ em hầu hết chưa qua “huấn luyện” nên có lẽ chúng có thể có khả năng phản ứng với vi rút mới nhanh hơn và mạnh hơn.
- Việc trẻ dễ nhiễm coronavirus theo mùa có thể tạo ra một số biện pháp bảo vệ chống lại virus nCoV.
- Mũi của trẻ chứa ít thụ thể ACE2, cửa ngõ xâm nhập của virus nCoV, nên virus khó tấn công hơn.
Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu thêm để hiểu rõ hơn vấn đề này. Tuy nhiên, đây cũng là một điểm sáng trong mùa dịch COVID-19 là trẻ nhỏ có vẻ chống chọi với virus nCoV tốt hơn người lớn rất nhiều.