Sọ người 7.000 năm sẽ trưng bày tại bảo tàng ngoài trời Đắk Nông
Các nhà khoa học Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đang thảo luận xây dựng mô hình bảo tàng ngoài trời, bảo tồn tại chỗ hang động núi lửa ở Krông Nô, Đắk Nông để trưng bày các mẫu vật gồm xương người, di tích cư trú, các mẫu vật.
Có ít nhất 3 di cốt người tiền sử hang động núi lửa được các nhà khoa học phát hiện ở Việt Nam và công bố hồi tháng 9/2018. Đây cũng là lần đầu tiên hang động núi lửa được tiếp cận nghiên cứu toàn diện bằng nhiều phương pháp, xác lập đầy đủ các giá trị di sản tự nhiên (địa chất, đa dạng sinh học) và văn hóa (khảo cổ học).
Hố khai quật sẽ được bảo tồn tại chỗ, nguyên trạng. Ảnh: Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam.
Thông qua bảo tàng ngoài trời, toàn bộ nội dung trưng bày sẽ được thể hiện số hóa 3D. Khách tham quan, tìm hiểu lịch sử tại đây sẽ được tận mắt chứng kiến xương sọ người tiền sử, các loại hình di tích (cư trú, công xưởng, mộ táng và trại săn), các hiện vật. Toàn bộ hoạt động sản xuất, sinh hoạt, chế tác công cụ được tái hiện sinh động, thu hút công chúng nhằm tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và phát triển du lịch.
Các mẫu vật, hố khai quật, di tích được bảo tồn tại chỗ, chống trượt lở vách hố, mưa dột, côn trùng đào khoét, rêu mốc...
Các di vật được xác định thuộc Trung kỳ Đá mới cách đây 7.000 -5.000 năm, diễn biến liên tục đến Hậu kỳ Đá mới - sơ kỳ Kim khí cách đây 5.000-4.000 năm và khi con người rời khỏi hang.
TS La Thế Phúc - Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), Chủ nhiệm đề tài cho biết, đây là di sản hỗn hợp được đánh giá là độc đáo duy nhất ở Việt Nam và Đông Nam Á, rất hiếm gặp trong hang động núi lửa trên thế giới. Kết quả này mở ra một hướng nghiên cứu mới cho ngành khảo cổ và nhân chủng học của Việt Nam.
Dự kiến năm 2020 bảo tàng sẽ hoàn thành và bàn giao cho địa phương.