“Sở hữu kỳ nghỉ du lịch”: Cẩn thận tránh tiền mất tật mang
Blackpink đến Việt Nam: Cơ hội cho du lịch Thủ đô và cả nước Hà Nội: Khai thác và phát huy tiềm năng để phát triển nền kinh tế ban đêm Hà Nội: Phát triển du lịch nông thôn gắn với chương trình OCOP |
Kỳ nghỉ “giả”, nỗi đau thật
Liên quan đến vấn đề hiện nay nhiều đối tượng lợi dụng hoạt động sở hữu kỳ nghỉ du lịch để lừa đảo, luật sư Nguyễn Đức Hùng (luatvietnam) cho biết, trước tiên, cần phải khẳng định rằng mô hình sở hữu kỳ nghỉ du lịch về bản chất không phải là lừa đảo.
Hiểu một cách đơn giản, mô hình du lịch này cung cấp quyền lưu trú cho người mua tại khu nghỉ dưỡng cao cấp 4 - 5 sao trong một khoảng thời gian xác định hằng năm ở một số năm nhất định. Mô hình này khá được ưa chuộng tại Đông Nam Á những năm gần đây.
Ảnh minh hoạ (nguồn IT) |
Tại Việt Nam đã xuất hiện nhiều mô hình kỳ nghỉ du lịch và được nhiều người lựa chọn bởi những ưu đãi, tiện ích của mô hình này đem lại. Tuy nhiên, nắm bắt được nhu cầu người dân, kẻ xấu đã biến tướng mô hình kỳ nghỉ du lịch thành chiêu trò lừa đảo.
Thực tế phản ánh của nhiều khách hàng cho thấy, người mua kỳ nghỉ dưỡng không có quyền các quyền sử dụng kỳ nghỉ như lời giới thiệu ban đầu. Một số trường hợp khác lại phản ánh về chất lượng dịch vụ của loại hình này cũng không đáp ứng được cam kết và không tương xứng với số tiền mà họ bỏ ra.
Nhiều trường hợp, sau khi đã thanh toán cho phía doanh nghiệp với trị giá lên tới hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng nhưng khách hàng vẫn chưa được sử dụng dịch vụ kỳ nghỉ như cam kết. Trường hợp không hài lòng hay cảm thấy là mình đã bị lừa và muốn chấm dứt hợp đồng, yêu cầu hoàn trả lại tiền thì thường bị gây khó dễ và tìm cách trì hoãn.
Một số chiêu trò thường được sử dụng để lừa đảo khách hàng ký hợp đồng như: Đưa ra lời mời chào đi du lịch miễn phí 1 tuần, được ở những khách sạn hạng sang trọn đời…
Những lưu ý quan trọng để không mất tiền oan
Để tránh mắc bẫy lừa đảo, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã đưa ra một số khuyến cáo cho khách hàng.
Trước khi ký hợp đồng “sở hữu kỳ nghỉ” cần tìm hiểu thông tin về loại hình sản phẩm, dịch vụ được giới thiệu tại sự kiện cũng như bên cung cấp dịch vụ.
Người dân cần yêu cầu cung cấp đầy đủ bộ hợp đồng và nghiên cứu kỹ các vấn đề: Thông tin được quảng cáo, chào bán hoặc “cam kết miệng” của doanh nghiệp có được khi nhận tại các điều khoản quy định chính thức trong hợp đồng hay không? Nhu cầu của bản thân, gia đình trong thời gian dài có phù hợp với dịch vụ đó hay không?..
Bên cạnh đó, người dân cũng cần đọc kỹ các điều khoản về quyền và nghĩa vụ của khách hàng, của doanh nghiệp; điều khoản về giá trị hợp đồng và các loại chi phí; điều khoản về chấm dứt hợp đồng; điều khoản về xử lý vi phạm…
Ngoài ra, người dân cũng cần xác định rõ toàn bộ các chi phí phải đóng trong thời hạn hợp đồng, bên cạnh khoản phí cố định người tiêu dùng sẽ còn phải đóng thêm nhiều khoản phí khác phát sinh trong quá trình thực hiện như phí duy trì, phí quản lý, phí vận hành, phí thực hiện quyền trao đổi các địa điểm nghỉ dưỡng... không?
Cùng đó, người dân cũng cần tìm hiểu kỹ về các quy định liên quan đến quyền của khách hàng như: Thời điểm bắt đầu được thực hiện quyền nghỉ dưỡng; dịch vụ này có được chuyển nhượng cho người khác không và có kèm điều kiện gì không?...
Khi phát hiện bị lừa đảo hoặc quyền lợi không được đảm bảo theo như cam kết trong hợp đồng, người mua gói kỳ nghỉ du lịch có thể nhờ tới cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để được giải quyết kịp thời.