SEA Games 2019 và sự mạo hiểm với HLV Park Hang-seo
Kể từ khi SEA Games chuyển sang độ tuổi U23 vào năm 2001, sáu HLV của Việt Nam đã bị sa thải vì không thành công. Lần lượt là Dido (2001), Alfred Riedl (2007), Falko Goezt (2011), Hoàng Văn Phúc (2013), Toshiya Miura (2016) và Nguyễn Hữu Thắng (2017). Một lần khác là sự chủ động nghỉ việc của HLV Riedl sau SEA Games 2003. Chỉ hai lần các HLV tại vị dù không hoàn thành "giấc mơ vàng", đó là Riedl (2005) và Henrique Calisto (2009). Có ngoại lệ này vì những nhà cầm quân kể trên trước đó đã lập công rất lớn với bóng đá Việt Nam và họ đều chỉ thất bại trong trận chung kết.
Cùng thời gian đó, ở cấp độ đội tuyển quốc gia, chỉ hai lần các HLV bị mất việc khi không hoàn thành nhiệm vụ. Đó là Edson Tavares (Tiger Cup 2004) và Phan Thanh Hùng (2012).
Những con số nói trên phần nào cho thấy áp lực dành cho các HLV khi cầm quân tại SEA Games. Thậm chí, có thể ví giải đấu đó như "một cái lò thiêu HLV".
Nguyễn Hữu Thắng là HLV gần nhất phải ra đi sau thất bại của Việt Nam ở SEA Games.
Sẽ có người đặt câu hỏi: SEA Games là... cái gì mà ghê gớm thế? Thắc mắc như vậy cũng đúng, vì ở các cường quốc bóng đá, thành tích ở lứa U23 không được xem là thước đo trình độ đội tuyển. Chín kỳ Asiad gần nhất, Hàn Quốc và Iran tổng cộng 6 lần đoạt HC vàng môn bóng đá nam, nhưng đội tuyển quốc gia của họ đều không thể vô địch Asian Cup.
Nhà vô địch U23 châu Á 2018 là Uzbekistan đã dừng chân ngay vòng 1/8 của Asian Cup 2019, trong khi hai đội bóng vào chung kết là Nhật Bản và Qatar được đánh giá là đã thất bại ở lứa U23. Ở tầm vóc lớn hơn là Olympic, Brazil - từng năm lần vô địch thế giới - phải đến Đại hội tổ chức trên sân nhà năm 2016 mới lần đầu giành HC vàng. Nhưng cũng đội ngũ đó, hai năm sau đã thất bại tại World Cup 2018.
Tại Đông Nam Á cũng thế. Singapore đã bốn lần vô địch AFF Cup nhưng các đội trẻ của họ chưa lần nào vào đến chung kết SEA Games, xét theo cùng thời điểm. Thái Lan thống trị SEA Games nhưng cũng chỉ hơn Singapore đúng một chức vô địch AFF Cup. Ngay như Việt Nam, chưa một lần chạm đến HC vàng SEA Games, nhưng đã hai lần vô địch Đông Nam Á.
Vì thế, Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á mới đề nghị giảm lứa tuổi đá SEA Games xuống còn U22 kể từ năm 2017. Điều này cho thấy giá trị của chiếc HC vàng đã không còn như trước, nếu không muốn nói là không đáng để giới chuyên môn quan tâm.
Một HLV giàu kinh nghiệm và nhiều khát khao như Park Hang-seo lại càng không thể bận tâm đến SEA Games, trong một năm mà ông đang dồn toàn bộ tâm trí cho "chiến dịch đời người" ở vòng loại World Cup 2022 - giải đấu rất có thể sẽ được tăng từ 32 lên 48 đội. Sau những phát biểu trên truyền thông, ông đã họp với Liên đoàn bóng đá Việt Nam VFF và được chấp thuận rút lui, thay vào đó là trợ lý số một của ông hiện tại Lee Young-jin.
Như vậy, ngay từ đầu thầy Park đã không muốn làm việc ở SEA Games. Quan điểm của ông cũng được đa số ủng hộ, bởi đó là đấu trường không đặc thù độ tuổi. Các HLV khó nắm bắt được thực lực của đối thủ, trong khi các cầu thủ còn trẻ và non kinh nghiệm. Đạt được thành công, cũng khó có thể vui mừng hơn chức vô địch AFF Cup. Ngược lại, thất bại sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý của ông Park và các cầu thủ - những người sẽ tiếp tục tham gia vòng loại World Cup.
Sau một năm đầy thành công với bóng đá Việt Nam, HLV Park sẽ tiếp tục đối diện với những mục tiêu vô cùng thách thức.
Nhưng theo thông tin từ VFF, HLV Park Hang-seo sẽ nhận lại nhiệm vụ dẫn dắt đội U22 tham dự SEA Games diễn ra vào cuối năm nay ở Philippines. Vậy đâu là lý do để ông "nhảy vào lửa"?
Trong cuộc họp hôm qua với VFF và HLV Park Hang-seo, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã đưa SEA Games 30 vào mục tiêu của bóng đá Việt Nam năm 2019. Lý do là HC vàng môn bóng đá vẫn là yếu tố quyết định sự thành công của đoàn thể thao Việt Nam.
Năm nay, khả năng cao là Việt Nam sẽ lần đầu tiên văng khỏi top 3 toàn đoàn kể từ sau năm 2003, bởi rất nhiều môn thế mạnh không được đưa vào thi đấu. Thực tế, ba kỳ Đại hội gần nhất, vẫn duy trì vị trí thứ 3 nhưng phải đến giờ chót đoàn thể thao Việt Nam mới hoàn thành mục tiêu. Chính vì vậy, tấm HC vàng bóng đá là giải pháp cuối cùng, bảo đảm sự thành công cho Việt Nam nếu không trụ được trong top 3. Ngoài ra, quyết tâm đoạt HC vàng cũng vì bóng đá là môn thể thao chính thức duy nhất cho đến nay Việt Nam chưa từng chiến thắng, kể từ khi trở lại tham dự SEA Games năm 1991.
Có thể xem hành động của thầy Park đã thể hiện tính trách nhiệm của một HLV chuyên nghiệp, nhưng sự thay đổi bất ngờ này rõ ràng lợi ít mà hại nhiều. Đã nhận nhiệm vụ, nghĩa là ông cũng chấp nhận áp lực đoạt HC vàng đến từ các nhà quản lý. Mà để có thể bảo đảm chiến thắng, nhiều khả năng một số tuyển thủ quốc gia còn trong độ tuổi U22 như Nguyễn Quang Hải, Đoàn Văn Hậu... cũng phải tham chiến dù đều đang trong tình trạng báo động về thể lực, phong độ và cảm hứng chơi bóng.
Cầu thủ luôn là người quyết định thành tích thi đấu trên sân. Khi họ mỏi mệt và ít động lực, việc bổ sung bao nhiêu trợ lý chăng nữa cũng rất thách thức với thầy Park.