Sẽ khởi công lắp dựng rào chắn đường cao tốc Hà Nội – Bắc Giang trong tháng 6/2020
Cao tốc Hà Nội – Bắc Giang có chiều dài khoảng 45,8 km, điểm đầu tại lý trình Km113+985, Quốc lộ 1 cũ (nút giao Quốc lộ 31) thuộc địa phận TP. Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang và điểm cuối dự án tại lý trình Km159+100, Quốc lộ 1 (vị trí trạm thu phí Phù Đồng cũ) thuộc địa phận Huyện Gia Lâm, Hà Nội. Chủ đầu tư ban đầu là liên danh: Công ty cổ phần đầu tư Văn Phú - Invest, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương, Tổng công ty Cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam, Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại 319. Hiện, Công ty CP Đầu tư BOT Hà Nội – Bắc Giang là đơn vị quản lý, vận hành.
Kể từ khi đi vào hoạt động, tháng 1/2016 và chính thức thu phí tháng 5/2016, Cao tốc Hà Nội – Bắc Giang đã giải quyết được bài toán kết nối về giao thông để thúc đẩy phát triển công nghiệp, du lịch, đô thị cho tỉnh Bắc Giang. Tuy nhiên, không hiểu vì lí do gì mà cả tuyến đường cao tốc dài 45,8 km này lại không hề có 1 mét hàng rào chắn cao tốc nào, chưa kể vì nhiều lí do khác nhau mà cho tới thời điểm này, đoạn đi qua địa phận tỉnh Bắc Ninh, xe ô tô và xe máy vẫn đi chung trên đường vì chưa giải phóng xong mặt bằng để Chủ đầu tư làm đường gom dành cho xe máy.
Đã có hàng chục vụ tai nạn giao thông thương tâm xảy ra khi công nhân thường xuyên đi bộ sang đường trên cao tốc Hà Nội - Bắc Giang như thế này. |
Cũng chính vì thiết kế không có hàng rào chắn cao tốc cho nên kể từ năm 2016 cho tới nay, theo một con số thống kê chưa đầy đủ, chỉ riêng địa phận tỉnh Bắc Giang, đoạn qua KCN Đình Trám, KCN Vân Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang đã xảy ra hàng chục vụ TNGT thảm khốc giữa xe ô tô với ô tô (dừng đỗ đón trả khách) và giữa ô tô với người đi bộ (công nhân tan giờ làm từ các KCN 2 bên đường ùa ra chạy qua cao tốc để về nhà trọ). Đó thực sự là “khiếm khuyết” còn thiếu lớn nhất của cao tốc này.
Nhận thấy đây là điểm đen giao thông chỉ có thể giải quyết được bằng cách dựng hàng rào chắn cao tốc với đường gom. Sau khi chuyên trang Tuổi trẻ và Pháp luật của Báo Tuổi trẻ Thủ đô điện tử phản ánh về vấn đề này. Ngày 9/4/2020, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) là ông Nguyễn Mạnh Thắng thừa lệnh Tổng cục trưởng ký Công văn số 2086/TCĐBVN-QLBTĐB về việc lắp dựng rào chắn trên tuyến cao tốc Hà Nội – Bắc Giang.
Với lượng xe lưu thông lớn, trong khi công nhân thì nhiều, hàng rào chắn cao tốc lại không có. Tai nạn giao thông là không thể tránh khỏi và nếu cứ kéo dài tình trạng này, sẽ còn nhiều sinh mạng nữa nằm xuống. |
Theo đó, Tổng cục ĐBVN đề nghị Cục Quản lý Đường bộ I (hoặc giao cho Chi cục) phối hợp với Doanh nghiệp dự án (Công ty CP Đầu tư BOT Hà Nội – Bắc Giang) kiểm tra, rà soát các vị trí cần thiết phải lắp đặt hàng rào và bổ sung biển báo hiệu; báo cáo Tổng cục ĐBVN (qua Vụ Quản lý, bảo trì đường bộ) trước ngày 13/4/2020.
Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục ĐBVN, sáng ngày 13/4, đại diện Sở GTVT Bắc Giang, Phòng CSGT công an Bắc Giang, Chi cục I.5 (Cục Quản lý đường bộ I – Bộ GTVT) và Công ty CP Đầu tư BOT Hà Nội – Bắc Giang đã phối hợp đi kiểm tra, rà soát các vị trí cần thiết phải lắp dựng hàng rào và biển báo hiệu trên tuyến đường cao tốc Hà Nội – Bắc Giang, đoạn KCN Đình Trám, KCN Vân Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
Ngay sau đó, Phó Giám đốc Sở GTVT Bắc Giang là ông Hoàng Văn Thanh ký công văn số 937/SGTVT-QLKC ngày 13/4 gửi Tổng cục ĐBVN và Công ty CP Đầu tư BOT Hà Nội – Bắc Giang về việc thực hiện một số giải pháp khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông tại KCN Đình Trám, KCN Vân Trung có đề nghị 2 đơn vị trên chấp thuận một số giải pháp, trong đó có nội dung đề nghị cho lắp dựng rào chắn 2 bên và giải phân cách giữa để ngăn chặn tình trạng công nhân vượt qua đường cao tốc gây mất ATGT đoạn từ Km122+00 (nút giao QL1 với QL17) đến Km132+00 đầu cầu Như Nguyệt.
Mỗi một ngày có hàng chục nghìn công nhân làm việc tại KCN Vân Trung, KCN Đình Trám trở về nhà, nhiều người trong số đó vĩnh viễn không còn cơ hội nhìn thấy người thân chỉ vì đi bộ băng qua đường cao tốc. |
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Hồng Điệp, Vụ trưởng vụ Quản lý, bảo trì đường bộ (thuộc Tổng cục ĐBVN) cho biết: Chúng tôi nhận được đề nghị dựng hàng rào chắn đường cao tốc Hà Nội – Bắc Giang của doanh nghiệp và đã có Văn bản trả lời đề nghị Doanh nghiệp rà soát các vị trí cần thiết lắp dựng hàng rào cũng như bổ sung biển báo. Sau khi các đơn vị báo cáo các vị trí cụ thể (trước ngày 13/4/2020 – pv), chúng tôi sẽ xem xét một cách nhanh nhất để chấp thuận bổ sung vào dự án nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho người dân.
Đại diện của Công ty CP Đầu tư BOT Hà Nội – Bắc Giang, ông Ngô Thành Long - TGĐ cho biết: Chúng tôi luôn ủng hộ địa phương trong việc này và ngày hôm qua (13/4 - pv), công ty đã thống nhất được các vị trí lắp dựng rào chắn và cắm biển báo hiệu với Sở GTVT Bắc Giang; Chi cục I.5 (Cục Quản lý Đường bộ I – Bộ GTVT); Phòng CSGT công an tỉnh Bắc Giang.
“Doanh nghiệp sẽ thuê một đơn vị tư vấn chuyên nghiệp đi khảo sát, lên phương án chi tiết để làm sao trong thời gian sớm nhất (dự kiến là tháng 6/2020 – pv) sẽ khởi công lắp dựng hàng rào chắn nếu Tổng cục ĐBVN đồng ý cho triển khai.” – Ông Long chia sẻ thêm.
Trước đó, chuyên trang Tuổi trẻ và Pháp luật của Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có loạt bài phản ánh một số vấn đề phát sinh “ngoài mong muốn” khi tuyến đường cao tốc Hà Nội – Bắc Giang được đưa vào hoạt động, trong đó câu về hàng rào ngăn cách cao tốc với đường gom trên toàn tuyến, đặc biệt đoạn qua địa phận huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang là việc cấp thiết phải làm để ngăn chặn, giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông do công nhân làm việc trong Khu công nghiệp Quang Châu, KCN Vân Trung… “chủ quan” “thiếu ý thức”, thường xuyên trèo qua dải phân cách để băng qua đường về nhà trọ.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.