Sau lùm xùm sai phạm, VEAM vẫn trống ghế Tổng giám đốc
Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP (VEAM, mã CK: VEA) vừa công bố thông tin về việc bổ nhiệm ông Lê Minh Quy - Người phụ trách quản trị, Chánh văn phòng Hội đồng quản trị làm Phó Tổng giám đốc VEAM từ 1/10/2019.
Trước đó, Hội đồng quản trị VEAM đã bãi nhiệm chức danh Phó Tổng giám đốc đối với ông Vũ Từ Công từ ngày 5/8/2019. Ông Vũ Từ Công làm Phó Tổng giám đốc VEAM từ tháng 5/2016 và vừa bị Bộ Công an bắt tạm giam ngày 3/8 vừa qua.
Theo tìm hiểu của phóng viên Tuổi trẻ và Pháp luật, với việc bổ nhiệm ông Lê Minh Quy thì Ban Tổng giám đốc VEAM hiện có 5 người. Trong đó, ông Ngô Văn Tuyển làm Quyền Tổng giám đốc, còn lại 4 người là Phó Tổng giám đốc.
Tòa nhà VEAM. |
Về chức danh Tổng giám đốc, kể từ khi ông Trần Ngọc Hà bị bãi nhiệm Tổng giám đốc vào ngày 29/3/2019 đến nay vẫn chưa có người thay thế. Trước đó, ông Trần Ngọc Hà bị đình chỉ chức danh trên vào tháng 8/2018. Hiện ông Hà đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra VEAM và một số đơn vị thành viên.
Trong khi đó, ông Bùi Quang Chuyện hiện vẫn đang là người nắm giữ vị trí cao nhất, Chủ tịch Hội đồng quản trị VEAM. Ông Chuyện và Quyền Tổng giám đốc Ngô Văn Tuyển cũng bị liên đới trách nhiệm về các sai phạm gây thiệt hại, lãng phí tài sản Nhà nước đã được Bộ Công thương nêu trong kết luận thanh tra mới đây.
Tại kết luận thanh tra số 3202, Bộ Công thương đã yêu cầu VEAM tổ chức làm rõ nguyên nhân, xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức đã để xảy ra các sai phạm trong công tác cán bộ; quản lý vốn, tài sản; đầu tư xây dựng; công nợ và sản xuất kinh doanh, dịch vụ tại Tổng công ty và các đơn vị thành viên.
Bên cạnh đó, tại kết luận thanh tra, Bộ Công thương cũng cho biết đã chuyển một số vụ việc sang Bộ Công an để làm rõ và xử lý trách nhiệm đối với các hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định về quản ký kinh tế.
Cụ thể, việc mua linh kiện phụ tùng ô tô (3.000 bộ linh kiện xe Huyndai Mighty với TCG, 1.500 bộ linh kiện của đơn đặt hàng giữa VEAM và chi nhánh Công ty TNHH MeKong Auto). Trách nhiệm chính thuộc về ông Trần Ngọc Hà (Chủ tịch giai đoạn 2011-2014, Tổng giám đốc 2015-2018), Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc, Người đại diện vốn Nhà nước, Kế toán trưởng, Chủ tịch các đơn vị thành viên, Ban giám đốc các đơn vị thành viên, Trưởng các phòng ban và các cá nhân, đơn vị có liên quan.
Việc chuyển tiền từ VEAM cho Nhà máy ô to VEAM. Trách nhiệm chính thuộc về ông Nguyễn Thành Giang (Tổng giám đốc 2010-2011); ông Lâm Chí Quang (Chủ tịch giai đoạn 2004-2011, Tổng giám đốc 2011-2015); ông Trần Ngọc Hà (Chủ tịch giai đoạn 2011-2014, Tổng giám đốc 2015-2018), ông Bùi Quang Chuyện (Chủ tịch 2015 đến nay), Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc, Người đại diện vốn Nhà nước, Kế toán trưởng, Chủ tịch các đơn vị thành viên, Ban giám đốc các đơn vị thành viên, Trưởng các phòng ban và các cá nhân, đơn vị có liên quan.
Về công tác quản lý vốn và công nợ. Trách nhiệm chính thuộc về ông Nguyễn Thành Giang (Tổng giám đốc 2010-2011); ông Lâm Chí Quang (Chủ tịch giai đoạn 2004-2011, Tổng giám đốc 2011-2015); ông Trần Ngọc Hà (Chủ tịch giai đoạn 2011-2014, Tổng giám đốc 2015-2018), ông Bùi Quang Chuyện (Chủ tịch 2015 đến nay), Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc, Người đại diện vốn Nhà nước, Kế toán trưởng, Chủ tịch các đơn vị thành viên, Ban giám đốc các đơn vị thành viên, Trưởng các phòng ban và các cá nhân, đơn vị có liên quan.
Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng chuyển hồ sơ sang Bộ Công an điều tra việc sử dụng nguồn vốn 112,6 tỷ đồng không đúng mục đích từ nguồn vốn chuyển quyền sử dụng đất tại tại 191 và 193 Bà Triệu - Hà Nội tại Công ty TNHH MTV Cơ khí Trần Hưng Đạo trong Dự án đầu tư di chuyển và xây dựng mới Công ty Cơ khí Trần Hưng Đạo. Trách nhiệm chính thuộc về ông Nguyễn Thành Giang (Tổng giám đốc 2010-2011); ông Lâm Chí Quang (Chủ tịch giai đoạn 2004-2011, Tổng giám đốc 2011-2015); ông Phạm Đình Công Nhân (Giám đốc Công ty giai đoạn 2006-2011), Trưởng các phòng ban và các cá nhân, đơn vị có liên quan.
Đồng thời, vụ việc hệ thống khuôn dập Cabin thiệt hại 26,9 tỷ đồng cũng được Bộ Công thương chuyển sang Bộ Công an làm rõ. Trách nhiệm chính thuộc về ông Hồ Mạnh Tuấn (Giám đốc Công ty VEAM Korea; Phó Tổng giám đốc VEAM từ tháng 4/2016 đến nay) và Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc, Người đại diện vốn Nhà nước, Kế toán trưởng, Chủ tịch các đơn vị thành viên, Ban giám đốc các đơn vị thành viên, Trưởng các phòng ban và các cá nhân, đơn vị có liên quan.
Ngoài ra, Bộ Công thương cũng chuyển Bộ Công an điều tra, làm rõ việc bảo lãnh vay số tiền 75,8 tỷ đồng tại Công ty CP Vận tải và Thương mại VEAM. Trách nhiệm chính thuộc về ông Lâm Chí Quang (Chủ tịch giai đoạn 2004-2011, Tổng giám đốc 2011-2015) và Người đại diện vốn Nhà nước, Kế toán trưởng, Chủ tịch các đơn vị thành viên, Ban giám đốc các đơn vị thành viên, Trưởng các phòng ban và các cá nhân, đơn vị có liên quan.
Một vụ việc nữa cũng được chuyển sang Bộ Công an điều tra là dấu hiệu cố ý làm trái, buông lỏng trong công tác quản lý đất đai tại VEAM và một số đơn vị thành viên gây thiệt hại, lãng phí tài sản Nhà nước. Trách nhiệm chính thuộc về ông Nguyễn Thành Giang (Tổng giám đốc 2010-2011); ông Lâm Chí Quang (Chủ tịch giai đoạn 2004-2011, Tổng giám đốc 2011-2015); ông Trần Ngọc Hà (Chủ tịch giai đoạn 2011-2014, Tổng giám đốc 2015-2018), ông Bùi Quang Chuyện (Chủ tịch 2015 đến nay), Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc, Người đại diện vốn Nhà nước, Kế toán trưởng, Chủ tịch các đơn vị thành viên, Ban giám đốc các đơn vị thành viên, Trưởng các phòng ban và các cá nhân, đơn vị có liên quan.