Sáng 4/10, Thường trực Chính phủ sẽ gặp gỡ giới doanh nhân
Doanh nhân tâm – tài, hết lòng vì dòng họ Khuyến khích và xây dựng tinh thần khởi nghiệp cho doanh nhân trẻ |
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn chỉ đạo về kế hoạch tổ chức Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ giới doanh nhân Việt Nam và các hiệp hội doanh nghiệp nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10.
Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng ý tổ chức buổi gặp mặt của Thường trực Chính phủ gặp gỡ giới doanh nhân Việt Nam vào sáng 4/10, tại trụ sở Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì, phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đề xuất và gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư danh sách doanh nhân Việt Nam tiêu biểu đại diện cho các thành phần, lĩnh vực của nền kinh tế, đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam (ngành hàng, địa phương,…), đại diện doanh nghiệp tham dự buổi gặp mặt với tiêu chí là các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế, xã hội; bảo đảm đúng tiêu chí, công khai, minh bạch, không để phát sinh tiêu cực.
Đồng thời gửi danh sách doanh nghiệp tiêu biểu phát biểu, bảo đảm tiêu chí có sáng kiến, cách làm mới, sáng tạo trong giai đoạn hiện nay, mang tính chia sẻ, tạo cảm hứng, khích lệ, động viên cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các doanh nhân tại cuộc gặp mặt năm 2023. |
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổng hợp tình hình doanh nhân, doanh nghiệp và hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp tại Việt Nam; đề xuất giải pháp hoàn thiện thể chế, nhằm giải phóng nguồn lực, tạo động lực phát triển cho cộng đồng doanh nghiệp.
Trong thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều hoạt động gặp gỡ, làm việc với đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Qua đó, thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với doanh nghiệp, động lực quan trọng của nền kinh tế đất nước, đóng góp hơn 60% GDP, khoảng 30% tổng số lao động đang làm việc.
Bên cạnh đó, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ luôn khẳng định sự cầu thị, lắng nghe, không bỏ qua ý kiến nào của doanh nghiệp, dù doanh nghiệp trong nước hay ngoài nước, doanh nghiệp lớn hay nhỏ.
Mới đây, ngày 21/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ cam kết luôn đồng hành, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp trong bất cứ hoàn cảnh nào; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế; nghiên cứu, bãi bỏ các giấy phép con, xóa bỏ môi trường tạo sách nhiễu, phiền hà, làm tăng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp; luôn lắng nghe, chia sẻ với các khó khăn, vướng mắc và chung tay cùng tháo gỡ để cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức, đặc biệt là trong việc xây dựng và hoàn thiện thể chế để doanh nghiệp hoạt động thuận lợi theo pháp luật, yên tâm sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Thủ tướng đề nghị các Phó Thủ tướng, bộ trưởng, trưởng ngành, nếu được phản ánh về khó khăn của doanh nghiệp thì trực tiếp lắng nghe và giải quyết dứt điểm theo chức năng, thẩm quyền của mình, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng.
"Tháo gỡ cho doanh nghiệp là góp phần tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế đất nước, doanh nghiệp phát triển là đất nước phát triển, tinh thần là vướng ở đâu thì ở đó phải tháo gỡ, mắc ở đâu thì ở đó phải tháo gỡ, không đùn đẩy, không né tránh, không gây phiền hà, sách nhiễu", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng khẳng định các cơ quan tiếp tục lắng nghe ý kiến doanh nghiệp để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hơn nữa theo đúng tinh thần Hội nghị Trung ương 10 và chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".
Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, góp phần đắc lực, hiệu quả trong xây dựng và hoàn thiện thể chế, nhất là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, quản lý và thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.
Thủ tướng nêu rõ quan điểm xác định người dân và doanh nghiệp nghiệp là trung tâm, chủ thể trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật; thể chế không chỉ quản lý hiệu quả mà còn kiến tạo phát triển.