Rám má và cuộc chiến dai dẳng với những gam màu tối
Tin lời cam kết đốt laser chữa rám má, người phụ nữ nhận cái kết đắng Bí quyết phòng tránh rám mà khi mang thai |
Rám má là tình trạng xuất hiện các dát sắc tố màu nâu, xanh đen, hay đen sạm ở các vùng da thường phơi bày dưới ánh sáng như trán, hai bên má, cằm, mũi. Rám má có xu hướng khởi phát và nặng lên vào mùa hè, nhẹ hơn và nhạt màu hơn vào mùa đông (thay đổi theo cường độ ánh sáng).
Dựa trên kết quả thăm khám lâm sàng cũng như vị trí phân bố của rám má, có thể chia thành các thể khác nhau như:
Thể trung tâm mặt: Phân bố ở trán, mũi, hai bên má, quanh miệng và cằm. Đây là kiểu rám phổ biến, chiếm khoảng hơn 60% - 65% số trường hợp bệnh nhân.
Thể má hay còn gọi là thể cánh bướm: Rám xuất hiện ở hai má và lưng mũi, chiếm khoảng hơn 20%.
Thể hàm dưới: Liên quan vùng má cạnh xương dưới hàm, chiếm hơn 15%.
Đặc điểm tổn thương của rám má là các dát sắc tố thường phân bố đối xứng, có khi to nhỏ không đều.
Những yếu tố tác động
Bằng chứng lâm sàng cho thấy, nhiều yếu tố nội sinh lẫn ngoại sinh có tác động đến yếu tố rám má:
- Ánh sáng mặt trời: Thể hiện rõ nét qua mối quan hệ giữa sự tăng nặng vào mùa hè và thuyên giảm vào mùa đông. Đây là một trong những nguyên nhân ngoại sinh chính gây ra và làm nặng thêm rám má.
Thoa chống nắng đúng cách để đạt hiệu quả đó là thoa trước khi ra nắng 20 phút và lặp lại sau mỗi 2-3 tiếng.
- Di truyền: Rám má được xác định có liên quan yếu tố di truyền. Thực tế đã ghi nhận tình trạng rám má xuất hiện ở nhóm người có quan hệ huyết thống như mẹ, chị, em gái, dì, cô… Ngoài ra, các nghiên cứu cũng cho thấy, có khoảng gần 280 gene kích thích và hơn 150 gene ức chế sinh tổng hợp hắc tố melanin, có liên quan mật thiết đến vấn đề rám má.
- Thuốc: Kim loại nặng như arsenic, sắt, đồng, bismuth, bạc, vàng; thuốc chống động kinh, thuốc gây nhạy cảm ánh sáng.
- Mỹ phẩm: Một số hoạt chất trong mỹ phẩm được xem là nguyên nhân gây tăng hắc tố như linoleic acid, salicylate, citrate, acid béo; dầu khoáng lẫn tạp chất gây nhạy cảm ánh sáng, petrolatum, sáp ong, thuốc nhuộm, paraphenylenediamine, chất bảo quản và hương liệu.
- Nội tiết tố: Yếu tố dịch tễ và thống kê lâm sàng cho thấy rám má có liên quan đến yếu tố nội tiết nữ, khi đối tượng rám má chủ yếu là phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, ở phụ nữ mang thai và thường được biết đến dưới thuật nữ “mặt nạ thai kỳ”. Nhiều bằng chứng cho thấy sử dụng thuốc ngừa thai, dùng estrogen cho phụ nữ mãn kinh,… cũng có thể gây tăng rám má.
Rám má còn có thể liên quan đến các vấn đề bệnh lý khác như một số bệnh hệ thống, nhiễm khuẩn toàn thân, u lympho, bệnh gai đen, xơ cứng bì, suy thận…
Phương pháp điều trị thoa ngoài da có chi phí phù hợp, được ứng dụng rộng rãi
Rám má dai dẳng nhưng có thể điều trị
Do chịu sự ảnh hưởng nhiều nguyên nhân nội sinh lẫn ngoại sinh khác nhau, cũng như sự ảnh hưởng của tiến trình lão hóa, nên việc điều trị rám má thường dai dẳng. Cần sự kiên trì của người bệnh cũng như phối hợp nhiều phương thức, phương pháp điều trị khác nhau như thay đổi thói quen sinh hoạt, dùng thuốc… để có thể chữa trị đạt hiệu quả.
Điều trị nguyên nhân: Có nhiều yếu tố, nguyên nhân khác nhau ảnh hưởng đến vấn đề rám má, nên việc xác định đúng nguyên nhân hay nhóm nguyên nhân tác động đến tình trạng rám má ở bệnh nhân là vô cùng quan trọng, ảnh hưởng lớn đến kết quả điều trị. Rám má do ảnh hưởng chủ yếu từ tác động của ánh sáng mặt trời, do vậy cần có biện pháp bảo vệ bằng kem chống nắng, áo dài tay, mũ rộng vành, kính...
Điều trị sớm, lâu dài và liên tục:
Dần theo sự tăng lên của tuổi tác, làn da cũng có sự lão hóa mỗi ngày. Do đó, việc điều trị rám má từ sớm khi mức độ lão hóa của da cũng như khi tình trạng bệnh chưa tiến triển, còn khu trú; giúp việc điều trị hiệu quả và ít tốn kém hơn.
Điều trị rám má hoàn toàn khả thi, nhưng là một thách thức với cả bác sỹ và bệnh nhân. Đây là một quá trình lâu dài, đòi hỏi bệnh nhân tuân thủ phác đồ điều trị. Tùy thuộc vào tình trạng rám, thời gian mắc phải, nguyên nhân gây rám, tính chất công việc, cơ địa, thói quen,... mà khả năng chữa trị cũng khác nhau. Quá trình điều trị thường kéo dài ít nhất vài tháng thể kéo dài vài tháng có thể lên đến 1 năm hoặc lâu hơn. Đơn cử: nếu rám má xảy ra trong thời gian mang thai, bệnh có thể cải thiện và biến mất một vài tháng sau khi sinh mà không cần điều trị. Ngược lại, nếu liên quan đến các vấn đề về gene cũng như các trường hợp bệnh nặng thì cần sự kiên trì của bệnh nhân và bác sĩ.
Phối hợp nhiều phương pháp: Điều trị rám má trên thực tế vẫn còn nhiều hạn chế. Để điều trị rám má có hiệu quả cần sự kết hợp của 3 yếu tố chống nắng - làm sáng da - loại bỏ yếu tố nguy cơ. Một số phương pháp điều trị rám má có thể kể đến như thoa ngoài da (thuốc bôi tẩy rám, thuốc lột da, kem chống nắng…); thuốc uống (vitamin, chống nắng, trắng da…), hay các phương pháp hiện đại laser, peel da, ánh sáng trị liệu, tế bào gốc… cũng mang lại một số kết quả khả quan.
ThS.BS. Trần Ngọc Khánh Nam