Quy hoạch phân khu nội đô lịch sử: Đảm bảo cân bằng giữa bảo tồn và phát triển

TTTĐ - Sáng nay (22/3), TP Hà Nội tổ chức lễ công bố các Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị (nội đô lịch sử) tại các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Đây là bước tiến lớn trong công tác quy hoạch và phát triển đô thị tại Hà Nội, giúp Thủ đô phát triển bền vững; Đồng thời, cụ thể hóa việc triển khai Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011.
Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu phản ánh về nhiệt điện than trong Quy hoạch điện 8 TP HCM gấp rút hoàn thiện đồ án quy hoạch phát triển đô thị Nhiệt điện than bất cập, gây ô nhiễm môi trường vì sao “không thể loại bỏ”?

Bước tiến lớn trong công tác quy hoạch phát triển

Để cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, đến nay Hà Nội có 30/38 đồ án quy hoạch phân khu thuộc đô thị trung tâm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện. Tuy nhiên, trong 8 đồ án còn lại có 6 đồ án quy hoạch phân khu nội đô lịch sử bao phủ diện tích hơn 2.700 ha tại 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng có ký hiệu là: H1-1 (A, B, C), H1-2, H1-3 và H1-4, tỷ lệ 1/2.000. Dự kiến, dân số quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 là 672.000 người.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, để đi đến được quyết định quan trọng này, Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã xem xét kỹ lưỡng, thận trọng. Cụ thể, đã chỉ đạo Văn phòng Thành ủy xin ý kiến của các chuyên gia đầu ngành, các bộ, ngành liên quan, Hội đồng Kiến trúc - Quy hoạch thành phố đánh giá kết quả tiếp thu hoàn thiện các đồ án quy hoạch trên cơ sở ý kiến của các bên liên quan.

Các đồ án này đã được Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội lập; Sở Quy hoạch - Kiến trúc thẩm định tuân thủ trình tự quy định tại Luật Quy hoạch đô thị, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch, các Nghị định của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành cùng các quy định pháp luật có liên quan và nhiệm vụ quy hoạch đã được phê duyệt.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn, Quy hoạch phân khu nội đô lịch sử nhằm cụ thể hóa định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Giai đoạn trước khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được duyệt, việc quản lý quy hoạch xây dựng, đất đai và dự án đều được thực hiện theo quy hoạch chi tiết các quận được thành phố phê duyệt thời điểm năm 2000.

Việc lập, thẩm định và phê duyệt 6 đồ án quy hoạch phân khu nội đô lịch sử là cần thiết, giúp UBND thành phố kiểm soát phát triển và quản lý đô thị, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương; Đồng thời là cơ sở pháp lý quản lý quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai.

Bản đồ Quy hoạch phân khu 4 quận nội đô lịch sử.
Bản đồ Quy hoạch phân khu 4 quận nội đô lịch sử

Về các giải pháp thực hiện quy hoạch, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho biết, cấu trúc không gian kiến trúc - cảnh quan trong quy hoạch được tổ chức theo các tuyến trục và mạng lưới đường vành đai, hướng tâm, tạo thành các ô phố với lõi trung tâm khu ở. Các công trình cao tầng được bố trí dọc các tuyến đường vành đai, tuyến đường hướng tâm và các khu tái thiết đô thị tạo điểm nhấn, phù hợp Quy chế công trình cao tầng được duyệt.

Đối với giải pháp giãn dân khỏi khu vực nội đô lịch sử, ông Huy cho hay, khi thành phố triển khai đồng bộ các dự án sẽ dần thu hút dân số dịch chuyển ra, khi đó cần kiểm soát quy mô dân số tại các khu vực theo đúng quy hoạch được duyệt.

Ngoài giải pháp di dân ra bên ngoài khu vực nội đô lịch sử, khi thực hiện các dự án giải phóng mặt bằng để mở đường, đầu tư phát triển các dự án công cộng, hạ tầng xã hội của thành phố và địa phương, cần triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm giãn dân cơ học. Cụ thể là triển khai đồng bộ các chủ trương di dời trường đại học, bệnh viện, trụ sở Bộ, ngành… ra khỏi khu vực nội đô lịch sử.

Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cũng cho biết, Quy hoạch phân khu nội đô lịch sử cũng đặt ra các giải pháp về không gian ngầm, theo đó không gian xây dựng ngầm đô thị được xác định thực hiện theo Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm thành phố Hà Nội và các dự án đầu tư được cấp thẩm quyền phê duyệt; Phát triển đô thị theo mô hình TOD (phát triển đô thị gắn với hệ thống giao thông công cộng). Riêng đối với khu phố cổ cho phép xây dựng tầng hầm với yêu cầu đảm bảo các điều kiện kỹ thuật, công nghệ, an toàn, PCCC… khi khai thác sử dụng.

Đối với các khu chung cư cũ (tập trung) cơ bản cập nhật ranh giới phạm vi khu vực nghiên cứu, quy mô dân số, chức năng sử dụng đất và chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc. Đối với các nhà ở chung cư cũ riêng lẻ nằm xen cài trong các khu dân cư hiện có, khi cải tạo xây dựng lại, nghiên cứu theo hướng giảm mật độ xây dựng, tăng diện tích cây xanh và chỗ đỗ xe, đảm bảo không gia tăng dân số...

Cũng theo ông Lưu Quang Huy, trong các đồ án quy hoạch phân khu phần lớn được nghiên cứu xây dựng ngầm kết hợp trong các khu cây xanh công viên vườn hoa, quảng trường có điều kiện thuận lợi về mặt bằng đất đai, công trình công cộng lớn, tại các khu đất tái thiết, bảo đảm chỉ tiêu diện tích 2,5m2/người. Thành phố định hướng xây dựng thành các gara đỗ xe nhiều tầng (ngầm hoặc nổi) để tiết kiệm quỹ đất, nâng cao công suất đỗ xe. Đối với các công trình xây dựng, TP yêu cầu tăng tầng hầm để đáp ứng nhu cầu bản thân công trình và một phần công cộng.

Mong chờ bước tiến mới của quy hoạch nội đô

Thông tin thành phố công bố quy hoạch 4 quận nội đô lịch sử khiến người dân vô cùng phấn khởi. Người dân Thủ đô kỳ vọng quy hoạch phân khu nội đô lịch sử được công bố và triển khai sẽ bảo đảm sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, mang lại lợi ích thiết thực theo đúng định hướng của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2011.

Vui nhất có lẽ là những người dân sống trong khu vực phố cổ. Bởi 20 năm nay, chủ trương giãn dân được TP Hà Nội đặt ra cùng mục tiêu di chuyển trên 6.500 hộ dân, với khoảng 27.000 người. Dù đã lên kế hoạch khởi động dự án từ năm 2002 để bước đầu di dời khoảng 7.000 dân tới khu đô thị Việt Hưng nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn dậm chân tại chỗ với nhiều khó khăn, vướng mắc.

Chính vì vậy, Quy hoạch phân khu nội đô lịch sử được công bố và triển khai sẽ đem đến sự thay đổi cho người dân phố cổ. Người dân mong chờ chính sách mới với các giải pháp cụ thể, hợp lý, tạo cơ hội cho người dân có cơ hội làm ăn sinh sống nếu chuyển đến nơi ở mới.

Bà Lê Thị Hạnh, hiện sống tại C3 Nam Thành Công, quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, Đống Đa có số lượng nhà chung cư cũ rất lớn đặc biệt là tại phường Thành Công và Nam Thành Công. Vấn đề cải tạo nhà chung cư cũ từng nhiều lần được đặt ra nhưng đến nay vẫn bế tắc, người dân mong muốn với quy hoạch phân khu nội đô, chính quyền các cấp tập trung giải bài toán về công tác cải tạo, xây dựng lại các nhà chung cư cũ đã xuống cấp nghiêm trọng tại các đô thị nhằm bảo đảm điều kiện sống an toàn cho người dân đồng thời cải tạo, chỉnh trang lại bộ mặt đô thị.

Với những giải pháp đã được chuẩn bị và sự kỳ vọng, tin tưởng, ủng hộ của người dân, việc đưa các Đồ án Quy hoạch phân khu nội đô lịch sử đi vào cuộc sống sẽ không chỉ giúp Hà Nội giải quyết được những thách thức lớn đang phải đối mặt như giãn dân nội đô; Cơ sở hạ tầng chưa phát triển kịp để đáp ứng tốc độ đô thị hóa; Ách tắc giao thông… mà còn củng cố cơ sở pháp lý để tái thiết đô thị khu vực nội đô lịch sử, bảo đảm mục tiêu vừa bảo tồn, vừa phát triển.

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
Phiên bản di động