Quảng Ninh: Bé trai 3 tuổi bị hạt vòng nhựa mắc kẹt trong mũi

Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí đã tiến hành cấp cứu cho một bé trai bị hạt vòng mắc kẹt trong hốc mũi.
Bé 2 tuổi nuốt que kẹo mút dài 5cm vào dạ dày Trẻ nhỏ sổ mũi hôi - Coi chừng có dị vật trong mũi Hà Nội: Quý ông cấy cả chục đinh vít vào "của quý" để tăng khoái cảm Đã mổ lấy dị vật gây tắc ruột của bệnh nhân "nghiện" trà sữa Bị đâm chiếc đũa vào hốc mắt, đũa 'nằm' luôn 4 năm mới phát hiện

Theo các bác sĩ, bệnh nhi vào viện với các triệu chứng quấy khóc, chảy nước mũi, xuất tiết nhiều. Sau khi kiểm tra và thăm khám các bác sĩ tiến hành nội soi tai - mũi - họng. Qua hình ảnh nội soi, các bác sĩ phát hiện có khối dị vật nằm sâu trong hốc mũi trái. Tiến hành gắp dị vật các bác sĩ phát hiện đó là một viên hạt vòng bằng nhựa có đường kính khoảng 0,5cm.

Theo BSCKI. Nguyễn Thanh Huyền - Khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện cho biết, rất may mắn trẻ được phát hiện và gắp bỏ dị vật sớm, nếu không dị vật tiến sâu mắc vào đoạn hẹp thanh quản hoặc lọt xuống phổi sẽ khiến trẻ khó thở, suy hô hấp và có thể dẫn tới tử vong. Cũng theo bác sĩ dị vật mũi là bệnh thường gặp trong cấp cứu tai mũi họng. Đặc biệt hay gặp ở trẻ em. Trẻ khi chơi thường nghịch ngợm nhét những vật vào mũi như nút nhựa, khuy áo, hạt lạc, hạt đậu... gây ra dị vật ở mũi. Trong trường hợp này các bậc phụ huynh cần hết sức bình tĩnh, tránh để trẻ hoảng sợ, khóc lớn dễ khiến dị vật lọt sâu vào khí quản gây khó khăn cho việc gắp dị vật cũng như gây nguy hiểm cho trẻ. Tuyệt đối không cố lấy dị vật cho trẻ mà cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để gắp bỏ dị vật một cách an toàn.

quang ninh be trai 3 tuoi bi hat vong nhua mac ket trong mui
Quảng Ninh: Bé trai 3 tuổi bị hạt vòng nhựa mắc kẹt trong mũi

Có rất nhiều trẻ sau khi nhét vật lạ vào mũi, tai rồi thì quên mất và chẳng nhận ra sự bất thường. Vì vậy, khi thấy trẻ có những biểu hiện sau đây, người lớn hãy kiểm tra xem có vật gì bất thường trong tai, mũi bé hay không.

- Nếu có vật lạ trong mũi, bé sẽ bị chảy nước mũi ở một bên, hoặc bị hắt hơi, sổ mũi, ngạt mũi và hơi thở có âm thanh khác thường. Điều này khác hoàn toàn với việc bé bị cảm lạnh bởi khi bị cảm lạnh thì thông thường, bé sẽ bị chảy nước mũi cả hai bên. Không những vậy, nếu vài ngày sau mà dị vật vẫn chưa được bố mẹ phát hiện ra thì mũi bé có thể sẽ bị sưng lên, viêm tấy, có mùi tanh, thậm chí có mủ. Nặng hơn, trẻ sẽ bị sốt, đau đầu… thậm chí là chảy máu mũi.

Việc đầu tiên cần làm khi phát hiện có vật thể lạ trong tai hoặc mũi bé là giữ tâm lý bình tĩnh và cố gắng trấn an con. Thêm vào đó, bạn phải đặc biệt lưu ý không được quát nạt làm trẻ khóc bởi như vậy sẽ vô tình khiến trẻ sẽ hít sâu hơn, tạo điều kiện cho vật lạ tiến vào sâu hơn trong mũi đó.

Trước hết, cần phải xác định được vật thể lạ đó là gì và vị trí của chúng nằm ở sâu hay nông. Nếu dị vật là pin đồ chơi, vật kim loại hoặc côn trùng thì bạn cần phải chú ý cách xử lý dị vật nếu không muốn gây nguy hiểm cho bé. Bên cạnh đó, nếu dị vật nằm sát bên ngoài vành tai hoặc lỗ mũi và bạn có thể nhìn thấy rõ nó thì cách xử lý cụ thể như sau:

- Với dị vật nằm trong mũi: Mẹ dùng ngón tay đè bên cánh mũi không có dị vật, sau đó yêu cầu bé xì thật mạnh. Ngoài ra, mẹ cũng có thể yêu cầu con bịt chặt hai tai, sau đó dùng một tay ấn chặt mũi không có dị vật, thổi thật mạnh vào miệng để dị vật trong mũi bắn ra ngoài. Đây là cách làm logic theo cơ chế khí lưu của mối liên hệ tai - mũi - họng.

- Còn khi bé có vật lạ trong tai, các hiện tượng sẽ không biểu hiện rõ rệt như có vật lạ trong mũi. Chính vì vậy, khi trẻ phàn nàn có vật gì lạ lạ trong tai, kêu đau tai, quấy khóc và sờ vào tai nhiều lần (với trẻ chưa biết nói) thì bố mẹ đừng nghĩ đó là lời phàn nàn vẩn vơ của trẻ con. Trong một số trường hợp, tai của bé sẽ chảy nước, bé cảm thấy rất khó chịu.

Nếu dị vật nằm sâu bên trong và bố mẹ không thể thấy rõ dị vật thì cách tốt nhất là đưa bé đến bác sĩ sớm nhất có thể để lấy dị vật ra bằng các dụng cụ chuyên môn, tuyệt đối không cố lấy dị vật ra khỏi tai, mũi bé. Hãy nhớ rằng việc bạn cố gắng lấy dị vật ra khỏi tai, mũi bé mà không thành công có thể khiến dị vật chui vào sâu hơn, khiến bé rơi vào tình trạng nguy hiểm.

Bố mẹ cần lưu ý rằng sự can thiệp kịp thời của các bác sĩ và các dụng cụ y tế là cực kỳ quan trọng. Ví dụ khi một hạt đậu bị mắc kẹt lâu, nó có thể sẽ nở to hơn và khó lấy ra hơn. Một số dị vật khác còn có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng cho bé như pin, hay dị vật kim loại.

Đinh Linh
Phiên bản di động