Phòng, chống dịch Covid-19: Nguy cơ lây nhiễm cộng đồng từ các khu chợ dân sinh

 Với đặc điểm nhiều người qua lại cùng cơ sở vật chất chưa đảm bảo, các chợ dân sinh trở thành một trong những nơi có nguy cơ làm lây lan và phát tán dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên tại đây vẫn còn bắt gặp nhiều trường hợp người dân không đeo khẩu trang và không thực hiện khoảng cách tối thiểu 2 mét khi tiếp xúc.
Đà Nẵng: Kiên quyết xử phạt nghiêm các trường hợp không đeo khẩu trang tại chợ Đà Nẵng: Sáng đầu tiên “cách ly xã hội” có hiện tượng người dân mua hàng tích trữ Chợ dân sinh tại Hà Nội vẫn được phép hoạt động bình thường Người đi chợ dân sinh cần làm gì để phòng tránh dịch Covid-19?

Nhiều quy định “bị bỏ quên”

Chủ động ứng phó với dịch bệnh Covid-19 gây ra, các ngành chức năng và chính quyền thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp phòng dịch tại các chợ dân sinh. Tuy nhiên, tại nhiều chợ vẫn còn tình trạng tiểu thương và người tiêu dùng chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch.

Các chợ hầu như chưa bố trí biển chỉ dẫn trong chợ để tổ chức đi một chiều vào, ra cho khách hàng, việc bố trí nhân lực nhắc nhở mọi người thực hiện nghiêm quy định giãn cách 2 mét bị “ bỏ quên”.

8h sáng ngày 13/4 tại chợ Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), một trong những khu chợ đầu mối lớn nhất Hà Nội, hoạt động mua bán diễn ra sầm uất. Người mua, người bán dù có giảm so với thời điềm đầu và trước dịch bệnh nhưng vẫn khá đông đúc. Việc đeo khẩu trang đã được người dân và các tiểu thương tại chợ chấp hành nghiêm túc nhưng việc thực hiện giữ khoảng cách an toàn 2 mét và sử dụng nước khử trùng, sát khuẩn tay tuyệt nhiên không một ai thực hiện.

Cả khu chợ trải dài vài ki lô mét nhưng không có bàn đặt dung dịch sát khuẩn cho tiểu thương và người mua. Việc mua bán tại khu chợ này diễn ra theo thường lệ, người đứng sát người, quầy sát quầy, bất chấp khuyến cáo phòng dịch của các cơ quan chức năng trong việc giữ gìn khoảng cách an toàn. Thậm chí, tại các quầy hàng không được phép hoạt động theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ như quầy bán hoa tươi, các tiểu thương vẫn thoải mái buôn bán mà không thấy sự nhắc nhở của đơn vị quản lý chợ này.

Mua hàng tại chợ Phùng Khoang, chị Trần Huyền Trang (23 tuổi, ở Lương Thế Vinh) cho biết: “Các hoạt động tại khu chợ này vẫn diễn ra như vậy từ trước đến nay thêm mỗi cái khẩu trang khi đứng bán thôi. Người đến mua ai cũng muốn mua nhanh, bán chóng còn về nên cứ chen lên trên chọn lựa thực phẩm, ai quan tâm đến khoảng cách an toàn. Mua bán tại chợ này rất nhiều nhưng tôi cũng chưa bao giờ thấy có một chai dung dịch sát khuẩn tại đây”.

phong chong dich covid 19 nguy co lay nhiem cong dong tu cac khu cho dan sinh
Người mua hàng tại chợ dân sinh vẫn chưa đeo khẩu trang hoặc đeo không đúng cách

Tình trạng trên được ghi nhận tương tự tại chợ Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Một số khách và người bán hàng không đeo khẩu trang và không thực hiện giãn cách tối thiểu 2 mét. Bên cạnh đó, dọc khu chợ vẫn có 3 - 4 cửa hàng hoa hoạt động dù có yêu cầu, chỉ đạo của các cơ quan chức năng thành phố tạm dùng kinh doanh.

Chị Hằng (30 tuổi), bán hàng tại chợ chia sẻ: “Các quầy hàng trong chợ có diện tích nhỏ, mặt tiền mỗi quầy rộng khoảng 1 - 2 mét, lối đi trong chợ hẹp, nên việc thực hiện giãn cách 2 mét khó thực hiện”.

Chợ dân sinh Nguyễn Xiển (quận Thanh Xuân, Hà Nội) những ngày dịch bệnh trở nên vắng vẻ hơn khi nhiều tiểu thương tạm nghỉ. Người bán đã chấp hành đeo khẩu trang và găng tay y tế nhưng người mua đặc biệt là những người già trên 60 tuổi lại không mấy quan tâm đến vấn đề dịch bệnh. Đi từ ngõ 475 Nguyễn Trãi vào sâu trong khu vực chợ này, rất nhiều người cao tuổi ra chợ mua thực phẩm nhưng không trang bị bất kỳ biện pháp phòng, chống dịch bệnh nào dù đây là độ tuổi dễ bị ảnh hưởng bởi dịch nhất.

Siết chặt biện pháp phòng dịch

Để thực hiện các biện pháp phòng dịch Covid-19, Sở Công thương Hà Nội đã có văn bản yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã, đơn vị quản lý, kinh doanh, khai thác chợ trên địa bàn thực hiện nghiêm biện pháp phòng dịch. Cụ thể, Sở chỉ đạo các chợ chỉ được phép hoạt động các gian hàng lương thực, thực phẩm, rau quả, thực phẩm khô; khuyến khích đo thân nhiệt, khử khuẩn tại chợ, điểm kinh doanh.

Đặc biệt, các đơn vị quản lý, kinh doanh phải bố trí đủ nhân lực làm công tác phòng dịch; bố trí biển chỉ dẫn trong chợ để tổ chức đi một chiều vào, một chiều ra cho khách hàng; giữ khoảng cách 2 - 3 mét trong quá trình lựa chọn hàng và thanh toán; khách đến mua hàng phải đeo khẩu trang, sát khuẩn dung dịch rửa tay.

Trung tá Đinh Tuấn Thàn, Trưởng Công an quận Thanh Xuân khẳng định: Thời gian qua và những ngày tới, Công an quận sẽ tăng cường, tập trung xử lý nghiêm bộ phận người dân kinh doanh chưa ý thức trách nhiệm với cộng đồng, vẫn chạy theo lợi nhuận, không thực hiện yêu cầu giãn cách xã hội.

phong chong dich covid 19 nguy co lay nhiem cong dong tu cac khu cho dan sinh
Các hàng hoa tại chợ Thanh Xuân Bắc vẫn đông khách

Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trịnh Thị Dung cho biết: "Nhằm thực hiện nghiêm quy định phòng dịch, quận đã thành lập 8 đoàn kiểm tra liên ngành tại 8 phường để kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm công tác phòng dịch. Tuy nhiên, hiện quận mới xử phạt những trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng, còn việc xử lý vi phạm quy định giãn cách 2 mét đối với các tiểu thương và khách mua hàng chưa thực hiện được.

Quận sẽ tiếp tục duy trì kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm tại các chợ trên địa bàn. Đồng thời yêu cầu đơn vị quản lý các chợ siết chặt biện pháp phòng dịch”.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, việc kiểm soát nguy cơ lây lan dịch bệnh tại các chợ dân sinh đang là yêu cầu cấp thiết. Do đó, chính quyền các cấp, đơn vị quản lý, kinh doanh khai thác chợ trên địa bàn cần thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, xử lý nghiêm các trường hợp tiểu thương, khách mua hàng vi phạm và ngay cả với những tập thể, cá nhân thuộc các đơn vị quản lý không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh sự chủ động của các ngành chức năng, chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền về cách thức phòng, chống dịch Covid-19 thì việc tự giác chấp hành, nâng cao ý thức tự bảo vệ sức khỏe của mỗi người dân trong giao dịch thương mại là điều quan trọng nhất trong lúc này.

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động