Phó tổng giám đốc EVN: Tăng giá điện là ''bắt buộc''

Đồng ý với các ý kiến không ai muốn tăng giá điện, tuy nhiên, ông Đinh Quang Tri - Phó tổng giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam cho rằng đây điều bắt buộc phải làm, nhằm bảo đảm cho các nhà sản xuất điện hoạt động.
pho tong giam doc evn tang gia dien la bat buoc

Đây là chia sẻ của ông Đinh Quang Tri - Phó tổng giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) tại cuộc Tọa đàm với chủ đề “Điều chỉnh giá điện, nhìn từ nhiều phía” diễn ra tối qua 21/3 do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức.

Theo ông Tri, khi lập phương án tăng giá điện năm 2019, EVN đã cân nhắc rất nhiều phương án, trình Chính phủ và Bộ Công Thương để xem xét trên cơ sở EVN cố gắng tối đa để điều độ hệ thống điện tối ưu, giảm chi phí và đáp ứng đủ điện cho nền kinh tế.

Hiện nay trên cơ sở kịch bản năm 2019, theo chỉ đạo của Chính phủ, GDP sẽ tăng khoảng 6,8%, điện thương phẩm tăng khoảng trên 11% đạt mức 211 tỷ kWh. Đây là gánh nặng rất lớn khi chi phí đầu vào tăng lên, nước ở các hồ nhìn chung đang rất khó khăn do bị khô hạn, vì vậy phải tăng cường phát các nhà máy nhiệt điện than.

Ông Đinh Quang Tri - Phó tổng giám đốc EVN (giữa) và các chuyên gia tại buổi tọa đàm.

Ông Đinh Quang Tri - Phó tổng giám đốc EVN (giữa) và các chuyên gia tại buổi tọa đàm.

"Chúng tôi có kế hoạch để phát dầu trong tháng 4, 5,6 khi trời nắng nóng ở cả hai miền Bắc, Nam. Phụ tải sẽ tăng trên 700 triệu kWh/ngày, buộc phải phát thêm dầu. Kế hoạch sẽ phát khoảng 2,1 tỷ kWh dầu ở miền Nam để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh của nhân dân. Những yếu tố đó làm cho chi phí tăng vọt'', đại diện EVN cho biết.

Ông Đinh Quang Tri cũng cho biết, về nhiên liệu, năm 2019 giá than tăng làm chi phí tiền than của EVN tăng thêm, trên 7.000 tỷ đồng. Hiện nay giá khí Chính phủ và Quốc hội yêu cầu là áp dụng theo cơ chế giá thị trường, đối với 3,5 tỷ m3 trong bao tiêu cũng chuyển theo giá thị trường. Giá thị trường biến động theo giá dầu trên thế giới.

Theo tính toán sơ bộ năm 2019, phần chênh lệch tăng giá khí trong bao tiêu đối với EVN là gần 6.000 tỷ đồng/năm. Việc điều chỉnh này cho đến khi hết hợp đồng mua bán khí 20 năm đã ký đến năm 2023 hết hạn hợp đồng. Toàn bộ chênh lệch giá PV Gas thu được, theo yêu cầu của Chính phủ và Quốc hội phải nộp vào ngân sách Nhà nước. Mỗi năm ngân sách sẽ thu được thêm khoảng gần 6.000 tỷ đồng, trong vòng 5 năm thu được gần 30.000 tỷ, sẽ được tính trong giá điện kỳ này. EVN sẽ trả cho PV Gas, PV Gas sẽ nộp ngân sách Nhà nước.

Ngoài ra khi phát dầu phải chi thêm khoảng 4.000 tỷ đồng để bảo đảm điện cho mùa khô. Các chi phí về chênh lệch tỷ giá để trả cho các nhà đầu tư bên ngoài, họ đã đầu tư các nhà máy điện và đang bán điện cho EVN theo các hợp đồng mua bán điện dài hạn. Trong hợp đồng mua bán điện dài hạn quy định nếu nhà đầu tư độc lập tư nhân huy động vốn ngoại tệ, có công thức để điều chỉnh khi tỷ giá thay đổi, số chênh lệch tỷ giá đó, người mua là EVN phải thanh toán cho nhà đầu tư.

"Mỗi năm Bộ Công Thương có yêu cầu kiểm toán xác định từng đơn vị, chúng tôi sẽ ký phụ lục hợp đồng để thanh toán thêm cho nhà đầu tư. Năm 2017, phát sinh chênh lệch tỷ giá đối với các nhà máy điện độc lập khoảng trên 3.800 tỷ đồng. Trong đợt tính giá này chúng tôi đã kiến nghị và Bộ đã chấp nhận, sau có quyết định tăng giá điện chúng tôi sẽ phải ký bổ sung hợp đồng với các nhà phát điện độc lập và thanh toán ngay trong năm 2019", ông Tri cho biết.

Cũng theo vị này, chênh lệch tỷ giá năm 2018 vẫn phát sinh trên 3.000 tỷ đồng chưa được tính trong phương án giá lần này, nhà đầu tư cũng chưa được thanh toán. Trong năm tới (2020), chúng tôi sẽ báo cáo Bộ để có phương án cụ thể. Riêng năm 2018, mặc dù chưa được tính trong phương án giá điện nhưng EVN đã tiết kiệm chi phí điều độ hệ thống điện tối ưu và đã báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương hạch toán thêm chênh lệch tỷ giá 4.500 tỷ đồng. ''Chúng tôi báo cáo Chính phủ cho hạch toán để giải quyết luôn chênh lệch tỷ giá và không đưa vào trong phương án giá điện nhằm giảm sức ép việc tăng giá điện'', vẫn lời đại diện EVN.

Phó tổng giám đốc EVN cũng thừa nhận tất cả các khách hàng không ai muốn tăng giá, bất kể mặt hàng nào, trong đó có giá điện. Tuy nhiên đây là điều bắt buộc chúng ta phải làm, quan trọng là bảo đảm cho các nhà sản xuất điện. ''EVN hiện nay chỉ cung cấp khoảng 45% điện của hệ thống, còn lại là mua điện của các nhà máy điện độc lập. Nếu họ không đủ năng lực, không đủ tiền sản xuất được thì chúng ta không có điện để dùng. Quan trọng nhất phải đồng lòng để có đủ điện để phát triển kinh tế và sinh hoạt của nhân dân. Chúng tôi cố gắng trong năm 2019 điều hành hệ thống điện tối ưu để giảm chi phí và giảm gây sức ép về tăng giá điện", ông Tri cho biết.

Hiện nay, theo thống kê của EVN, chúng ta có khoảng trên 26 triệu hộ sử dụng điện. Nhóm hộ sử dụng điện chiếm tỷ trọng cao từ 100 kWh-200 kWh/tháng chiếm khoảng 38,7%; sau đó đến các hộ sử dụng dưới mức 100 kWh/tháng chiếm khoảng 22% và các hộ khác có tỷ lệ thấp hơn. Hộ sử dụng dưới 50 kWh/tháng tăng thêm khoảng 7.000 đồng. Hộ sử dụng đến 100 kWh/tháng trả thêm khoảng 14.000 đồng. Hộ sử dụng 200 kWh/tháng trả thêm 31 000 đồng. Hộ sử dụng 300kWh/tháng trả thêm 53.000 đồng. Hộ nào càng tiêu thụ nhiều điện thì càng phải trả nhiều tiền, chính vì vậy Chính phủ kêu gọi mọi người tiết kiệm điện, tránh sử dụng lãng phí.

Trước đó, ngày 20/3, Bộ Công Thương đã có quyết định về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện. Theo đó, giá điện sẽ tăng thêm 8,36%, đưa mức giá bán lên từ 1.720 đồng/kWh lên 1.864 đồng/kWh (chưa tính thuế VAT). Giá bán lẻ điện sinh hoạt vẫn chia theo 6 bậc thang, thấp nhất 1.678 đồng một kWh và cao nhất 2.927 đồng một kWh. Cùng với giá bán lẻ điện sinh hoạt, giá bán buôn với hộ tiêu dùng này, thấp nhất 1.646 đồng một kWh cho số điện từ 0 đến 50 kWh và cao nhất 2.871 đồng cho hộ dùng trên 400 kWh.

Hậu Lộc
Phiên bản di động