Phó Thủ tướng: Hỗ trợ pháp lý để doanh nghiệp chủ động phòng ngừa, xử lý tốt rủi ro
Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện khung pháp lý thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân |
Sáng 20/12, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã dự và phát biểu chỉ đạo Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2022 với chủ đề "Nhận diện, tháo gỡ vướng mắc pháp lý: Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển", do Bộ Tư pháp tổ chức.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cho biết, trong gần 3 năm qua, tình hình thế giới diễn biến rất phức tạp với nhiều thách thức to lớn nổi lên ở tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, an ninh, xã hội.
Môi trường quốc tế bất ổn và hậu quả nặng nề của đại dịch COVID-19 đặt ra nhiều khó khăn rất lớn, chưa có tiền lệ, nhất là trong việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh.
Trong bối cảnh đó, cộng đồng doanh nghiệp phải đương đầu với vô vàn khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng, gián đoạn hoạt động sản xuất-kinh doanh, chi phí gia tăng, thị trường biến động bất lợi...
Lãnh đạo Chính phủ khẳng định hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi nhanh và phát triển bền vững sau đại dịch là nhiệm vụ rất quan trọng, được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ hết sức quan tâm.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh phát biểu tại diễn đàn. |
Việc cơ quan Nhà nước chủ động, tích cực đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất-kinh doanh, trong đó có việc tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn về pháp lý, nhằm giúp doanh nghiệp hoạt động lành mạnh, hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh, là rất cần thiết, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Phó Thủ tướng Thường trực đánh giá trong những năm qua, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương ngày càng quan tâm nhiều hơn đến công tác này.
Năm 2022, qua tổng kết, ngành tư pháp đã rà soát gần 28.000 văn bản để từ đó kiến nghị cấp có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi, hoặc bãi bỏ gần 6.000 văn bản, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh điều đó thể hiện rất lớn quyết tâm của Chính phủ, của các bộ, ngành trong việc rà soát các văn bản pháp lý để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như các lĩnh vực của xã hội.
Bên cạnh đó, Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2025 do Bộ Tư pháp chủ trì, các chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành của các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm cung cấp thông tin pháp lý, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và hỗ trợ tư vấn pháp luật cho nhiều doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng cũng phải nhìn nhận thẳng thắn, thực tế doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các chương trình, dịch vụ hỗ trợ pháp lý. Hiệu quả của các hoạt động hỗ trợ, tư vấn pháp luật ở một số nơi chưa cao. Nguồn lực dành cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và người dân còn hạn chế.
Trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện với hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm, dưới tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhu cầu hỗ trợ pháp lý để doanh nghiệp vừa hoạt động tốt ở trong nước vừa cạnh tranh hiệu quả ở thị trường nước ngoài là rất lớn.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực, yêu cầu về chất lượng và nội dung hỗ trợ, tư vấn pháp lý sẽ ngày càng cao hơn, đòi hỏi thời gian nhanh hơn, từ đó đặt các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội ngành nghề, các tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ pháp lý trước các nhiệm vụ ngày càng nặng nề hơn, trách nhiệm ngày càng lớn hơn.
Lãnh đạo Chính phủ cho rằng để xác định đúng và trúng nhu cầu của doanh nghiệp, không chỉ ở hiện tại mà cả trong trung và dài hạn, cần có cả tiếng nói của các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia, các tổ chức cung cấp dịch vụ hỗ trợ pháp lý và đặc biệt là từ cộng đồng doanh nghiệp - đối tượng thụ hưởng trực tiếp của quá trình này.
Trên cơ sở đánh giá nhu cầu của doanh nghiệp, đề xuất các biện pháp hỗ trợ đồng bộ, thiết thực và khả thi, có thể tập trung vào các nội dung như: Tăng cường khả năng tiếp cận các chương trình, dịch vụ hỗ trợ pháp lý; phòng ngừa và giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư; giảm thiểu rủi ro khi tham gia hội nhập kinh tế quốc tế,...
Từviệc phân tích thực trạng của công tác hỗ trợ pháp lý và đánh giá nhu cầu của doanh nghiệp, diễn đàn cần đề xuất, kiến nghị những bước đi, lộ trình phù hợp với từng giai đoạn nhằm không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả của các hoạt động hỗ trợ pháp lý dành cho doanh nghiệp.