Phó Chánh án TAND Tối cao: "Chịu trách nhiệm với biểu quyết của mình về vụ Hồ Duy Hải"

Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ khẳng định 17 thẩm phán biểu quyết vụ Hồ Duy Hải bằng "nhận thức pháp luật, trách nhiệm và cái tâm".
Vụ Hồ Duy Hải: VKS đề nghị hủy án Luật sư Trần Đình Triển: Vụ Hồ Duy Hải cần nhìn thẳng sự thật để phán quyết

Ngày 12/5, thông tin về phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải tại cuộc họp Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Nguyễn Trí Tuệ cho biết đây là lần đầu tiên TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm công khai, có sự tham gia của các cơ quan tố tụng từ trung ương tới địa phương; mời tất cả các cơ quan tố tụng của vụ án từ sơ thẩm đến phúc thẩm và một số cơ quan như Ban Nội chính Trung ương, Bộ Công an, Văn phòng Chủ tịch nước...

Ông cho hay trong ba ngày làm việc, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã công bố các tài liệu, chứng cứ vụ án, kết quả thẩm định. Qua đó, việc toà án các cấp xét xử Hồ Duy Hải về tội Giết người, Cướp tài sản là "có căn cứ". Quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, Hải đều xin giảm nhẹ hình phạt, sau khi bị Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình mới kêu oan.

Giải thích lý do Hội đồng Thẩm phán xác định kháng nghị của VKSND Tối cao là "không phù hợp pháp luật", ông Tuệ nói "luật không có quy định cho phép Viện trưởng VKSND Tối cao và Chánh án TAND Tối cao kháng nghị xem xét lại vụ án khi quyết định bác ân giảm của Chủ tịch nước đang có hiệu lực".

Hơn nữa, Hội đồng thẩm phán chỉ nhận định, đánh giá các thủ tục, sai sót trong quá trình giải quyết vụ án, từ đó "không chấp nhận kháng nghị của VKSND Tối cao, chứ không nói về nội dung".

Phó Chánh án TAND Tối cao:
Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ công bố quyết định giám đốc thẩm, ngày 8/5. Ảnh: TTXVN.

Vấn đề khác gây băn khoăn là "có thiếu sót, vi phạm tố tụng nhưng không huỷ án thì có đúng không?", ông Tuệ giải thích, điều 371 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định những vi phạm nghiêm trọng về tố tụng nếu không dẫn tới sai lầm nghiêm trọng thì không phải là căn cứ để kháng nghị. Cấp giám đốc thẩm thấy rằng trong quá trình điều tra vụ án Hồ Duy Hải, các cơ quan tố tụng có những vi phạm như không kịp thời thu con dao, cái thớt, có vết máu không giám định... nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án. Xem xét, đối chiếu lời khai, chứng cứ, Hội đồng thẩm phán xác định Hải "không oan". Những sai lầm trên không ảnh hưởng bản chất vụ án nên không thể hủy án.

"Quá trình điều tra truy tố xét xử, các cơ quan tố tụng có môt số vi phạm nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án, vấn đề này đã được liên ngành tư pháp trung ương báo cáo với Chủ tịch nước và Ủy ban thường vụ Quốc hội", ông Tuệ nói.

Về việc Chánh án Nguyễn Hòa Bình không có quyết định kháng nghị khi làm Viện trưởng VKSND Tối cao nhưng làm Chủ tọa phiên giám đốc thẩm, ông Tuệ cho rằng quy trình tố tụng bình thường thì thẩm phán hoặc người tố tụng phải từ chối ngồi ghế Hội đồng xét xử trong một số trường hợp. Tuy nhiên, Giám đốc thẩm là một giai đoạn tố tụng đặc biệt.

Theo ông, các thẩm phán cấp cao tham gia Hội đồng thẩm phán đều được Chủ tịch nước phê chuẩn và bổ nhiệm nên "không gì có thể chi phối" trong việc giơ tay biểu quyết. Các vụ án khác đều vậy, không riêng gì vụ Hồ Duy Hải. "Chúng tôi biểu quyết bằng nhận thức của mình, bằng cái tâm của mình, nhận thức pháp luật của mình và chịu trách nhiệm với biểu quyết của mình", Phó Chánh án nói.

Theo hồ sơ vụ án, Hồ Duy Hải bị cáo buộc, tối 13/1/2008 đến Bưu điện Cầu Voi chơi - nơi chị Nguyễn Thị Ánh Hồng (23 tuổi) và em họ tên Vân (21 tuổi) làm việc. Hải nảy sinh ý định quan hệ tình dục với chị Hồng nhưng không thực hiện được nên sát hại cô và người em.

TAND tỉnh Long An và Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM tuyên phạt bị cáo mức án tử hình. Sau nhiều năm Hải không được chấp nhận đơn xin giảm án và ân xá, gia đình anh này đi kêu oan.

Ngày 22/11/2019, VKSND Tối cao kháng nghị, đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao giám đốc thẩm vụ án theo hướng huỷ cả hai bản án. Hôm 8/5, Hội đồng giám đốc thẩm TAND Tối cao đã bác kháng nghị này.

Nguồn: VnExpress
vnexpress.net
Phiên bản di động