Phẫu thuật lấy thai đồng thời bóc khối u nặng 8kg thành công
15h56 ngày 8/1/2023, ê-kíp trực cấp cứu khoa Phụ sản Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ tiếp nhận trường hợp sản phụ K.T.L (29 tuổi, ở Vĩnh Long), được người nhà đưa đến bệnh viện trong tình trạng đau bụng dưới và đang mang thai 39 tuần 5 ngày.
Kết quả sau khi thăm khám cho thấy sản phụ bụng to bất thường. Sau khi thực hiện các xét nghiệm, thăm khám, các bác sĩ khoa Phụ sản phát hiện ngoài một thai phát triển bình thường trong tử cung, sản phụ có khối u nang buồng trứng (UBT) phải kích thước lớn chiếm hết ổ bụng bên phải, đẩy tử cung lệch sang trái.
Ê kíp phẫu thuật cho sản phụ |
Các bác sĩ quyết định phẫu thuật lấy thai. Kết quả, bé trai khỏe mạnh chào đời với cân nặng 3.400 gram. Sau phẫu thuật lấy thai, các bác sĩ kiểm tra thấy khối u nang buồng trứng rất lớn chiếm hết ổ bụng bên phải, kích thước 70x50 cm. Sau đó, các bác sĩ đã tiến hành cắt trọn đem ra ngoài nguyên vẹn khối u cân nặng 8kg.
Hiện tại, sức khỏe sản phụ ổn và bé bú tốt, dự kiến ra viện trong ngày 13/1/2023 .
Chị L chia sẻ: Đây là lần mang thai đầu tiên, chị biết mình có khối u nang khi đến siêu âm thai theo định kỳ. Bác sĩ cho biết khối u nang hiện đang còn nhỏ không ảnh hưởng đến sức khỏe nên chị để u nang phát triển cùng thai nhi. Sau đó, chị L được các bác sĩ hướng dẫn khám thai định kỳ, theo dõi liên tục sự phát triển, hình thành của thai nhi cùng khối u trong thời gian mang thai.
Mẹ và bé ổn định, chuẩn bị ra viện |
Bs.CK2 Chung Cẩm Ngọc - khoa Phụ sản (phẫu thuật viên chính) cho biết: U buồng trứng là bệnh phụ khoa thường gặp, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi đối tượng. Tỷ lệ u buồng trứng chiếm từ 5-10% trong cộng đồng dân số nữ.
Trước đây, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho khá nhiều trường hợp có khối u phần phụ lớn. Trường hợp mang thai kèm theo khối u buồng trứng kích thước lớn như sản phụ trên khá hiếm gặp, dễ bị bỏ sót khi khám thai nếu không được khám đầy đủ và toàn diện. Đối với u nang buồng trứng khi mang thai, chỉ định phẫu thuật sẽ được cân nhắc.
U buồng trứng có thể xuất hiện trước khi mang thai với kích thước nhỏ, dưới 3 - 4cm và không gây triệu chứng gì nên người phụ nữ thường không đi khám và không được phát hiện. Đến khi có thai, đi khám, siêu âm mới phát hiện được u buồng trứng.
Mức độ nguy hiểm phụ thuộc vào kích thước và loại u nang buồng trứng. Mặc dù u nang có thể nhỏ hoặc lành tính ngay lúc đầu nhưng nó có thể tăng kích thước trong thai kỳ.
Trong một số trường hợp nếu không có biện pháp can thiệp sớm, u nang có thể tiến triển gây ra các biến chứng nguy hiểm cho thai phụ.
Bác sĩ Ngọc khuyên chị em phụ nữ nên đi khám phụ khoa và siêu âm ít nhất một lần mỗi năm, nhất là phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ, sau tuổi 40 hoặc có những dấu hiệu bất thường ở ổ bụng như bụng to lên nhanh, đau bụng…
Với phụ nữ đang trong quá trình mang thai, nên đi khám thai định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ để được theo dõi, phát hiện sớm các trường hợp bất thường, từ đó có hướng xử trí, điều trị kịp thời.