Phát triển các sản phẩm văn hóa số đáp ứng nhu cầu của thanh niên
Hà Nội: Các cấp cơ sở triển khai tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 46-CT/TW trước ngày 20/5 Xây dựng các sản phẩm văn hóa đặc trưng, hút khách du lịch tới Thủ đô |
Góp ý dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, bạn Lê Ngọc Ánh (Gia Lâm, Hà Nội) cho rằng, quan tâm đến đời sống văn hóa, tinh thần cho thanh niên hiện nay rất quan trọng.
Bản thân Ánh và nhiều bạn trẻ khác thường xuyên tìm đến môn nghệ thuật truyền thống như chèo, cải lương, xẩm… như một cách tìm về nguồn cội dân tộc. Thông qua những vở diễn giúp bạn trẻ hiểu thêm về lịch sử dân tộc, đặc biệt là các nhân vật lịch sử nổi tiếng.
Bạn Lê Ngọc Ánh |
Thực tế đó cho thấy, bạn trẻ không hề “quay lưng” với văn hóa dân tộc. Điều quan trọng là chúng ta có cách tiếp cận, đổi mới ra sao để họ hiểu, thấm sâu và hào hứng tìm đến trải nghiệm, sống trong không gian văn hóa đó.
Trong kỷ nguyên số hiện nay, việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc càng đặt ra nhiều thách thức đòi hỏi sự nỗ lực đổi mới của bản thân mỗi nghệ sĩ và các tổ chức, đơn vị, trong đó có Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Việc phát triển các sản phẩm văn hóa số mang hơi thở thời đại, giúp đưa văn hóa, nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với khán giả trẻ. Các nghệ sĩ trẻ và tổ chức Đoàn cần quan tâm triển khai trong thời gian tới.
Hiện tại các trường đại học, trung học phổ thông có nhiều câu lạc bộ, văn hóa nghệ thuật dân gian hoạt động khá sôi nổi. Các câu lạc bộ tích cực tổ chức các hoạt động trải nghiệm như để khán giả tập làm nghệ sĩ, thử chơi các nhạc cụ dân tộc... để mang văn hóa dân gian đến gần hơn với giới trẻ.
Tuy nhiên, hoạt động của các câu lạc bộ này còn hạn chế. Vì vậy, tổ chức Đoàn cần hỗ trợ họ phát triển, hoạt động bài bản để lan tỏa văn hóa, nghệ thuật truyền thống đến bạn trẻ. Điều này cũng góp phần định hướng tư tưởng, thẩm mỹ cho giới trẻ hiện nay.