Phạt nồng độ cồn: Người dân loay hoay tìm cách lách luật
Thị trường máy đo nồng độ cồn sôi động sau Nghị định 100 Muôn sắc thái "né đo nồng độ cồn" trong tuần đầu áp dụng Nghị định 100 Người dân còn nhiều nghi ngại về ngưỡng nồng độ cồn |
Luật sư Quách Thành Lực |
PV: Theo Nghị định 100, cứ có cồn trong máu là người điều khiển phương tiện giao thông sẽ bị xử lý vi phạm hành chính, tùy nồng độ khác nhau, người vi phạm có thể bị xử phạt tiền và tước giấy phép lái xe. Điểm gây xôn xao trong Nghị định này là mức xử phạt quá cao, đồng nghĩa với việc cấm người dân sử dụng phương tiện khi đã uống rượu, bia.
Thưa ông, với quan điểm cá nhân, ông có tán thành nội dung về xử phạt vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 100 không?
Cá nhân tôi tán thành với việc soạn thảo Nghị định 100 với “tinh thần xử lý nghiêm người sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện giao thông đã được đưa vào luật”, tuy nhiên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của QH Đặng Thuần Phong cũng đưa ra con số: Có 20 nước áp dụng phương án cứ có nồng độ cồn trong khí thở thì xử phạt, và Nghị định 100 này có hiệu lực thì chúng ta nằm trong nhóm 20 nước đó. Còn lại 80 nước thì mức độ cồn trong khí thở phải đạt đến ngưỡng nào đó người ta mới xử phạt.
Tôi cho rằng cũng cần phải xem xét, nghiên cứu chứ không thể làm “một phát ăn ngay” được. Bởi không khéo dễ dẫn đến bị lạm dụng và lợi dụng, như vậy sẽ phản tác dụng.
Một quy định nhân văn, vì người dân, có sức hiệu triệu với một thông điệp tuyệt vời nhưng muốn nó sống, trở thành một điển hình về sự tiến bộ như quy định cấm pháo nổ, như quy định buộc mũ bảo hiểm thì trước hết cách thức thực hiện cũng phải nhân văn, minh bạch.
PV: Liên quan đến Nghị định 100, nếu lái xe đúng luật thì có bị cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn không thưa luật sư?
Khoản 2 Điều 12 Thông tư 01/2016/TT-BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông do Bộ trưởng Bộ Công An ban hành quy định cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được dừng phương tiện để kiểm soát trong các trường hợp sau:
- Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.
-Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên.
- Thực hiện kế hoạch tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của Trưởng phòng Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông hoặc Trưởng Công an cấp huyện trở lên.
- Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp.
- Tin báo, tố giác về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.
Như vậy, nếu người tham gia giao thông không mắc lỗi thì Cảnh sát giao thông vẫn được dừng phương tiện để kiểm tra nồng độ cồn trong trường hợp thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên; thực hiện kế hoạch tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của Trưởng phòng Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông hoặc Trưởng Công an cấp huyện trở lên…
PV: Nhiều người dân tìm cách “lách luật” nếu bị cảnh sát giao thông “giam” bằng lái do vi phạm nồng độ cồn, đó là đi thi lại bằng lái. Vậy có thật là được thi lại bằng lái trong trường hợp này không thưa luật sư?
Trước khi Nghị định 100 có hiệu lực, đã có hàng chục ngàn người bỏ luôn bằng lái cho cảnh sát giao thong vì mức phạt cao. Do vậy, để ngăn tình trạng người vi phạm không đến đóng phạt để nhận lại bằng lái mà làm đơn cớ mất xin cấp lại bằng lái hoặc thi lại bằng lái mới, cảnh sát giao thông đã gửi thông báo đến Sở Giao thông vận tải các tỉnh nơi cấp bằng lái cho người vi phạm để thông báo bằng lái đang bị tạm giữ.
Trường hợp bị Cảnh sát giao thông giam bằng lái do Sở Giao thông vận tải tỉnh A cấp, đến Sở tỉnh B thi lại cũng không được vì các Sở này có cơ sở dữ liệu liên kết với nhau, nên tra thông tin là biết ngay người nào đang bị cảnh sát giao thông giam bằng, chưa đóng phạt.
Thực tế, nhiều trường hợp định bỏ bằng bị giam đi làm lại bằng khác đã bị Sở Giao thông vận tải yêu cầu về đóng phạt.
Theo dự tính, trong năm nay bằng lái còn được gắn con chip điện tử nên việc chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị còn thuận tiện hơn, chỉ cần tra trên hệ thống là ra thông tin. Việc người dân có suy nghĩ bỏ bằng để khỏi đóng phạt là chắc chắn không có cơ hội.