Phát huy tinh thần Cách mạng tháng Tám hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường
Hà Nội thông báo treo cờ Tổ quốc dịp Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh mùng 2/9 Thi đua tự hào tiến bước dưới cờ Đảng Có một Hà Nội thanh bình trong trời thu tháng Tám |
Những bài học quý vẫn còn nguyên giá trị
Đầu năm 1945, tình hình thế giới thay đổi nhanh chóng, phe Đồng minh liên tục giành thắng lợi đã tác động tích cực tới cách mạng Việt Nam. Đêm 9/3/1945, nổ ra cuộc chính biến Nhật - Pháp; ngày 12/3/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương kịp thời ban hành Chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta". Ở các địa phương, lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang phát triển nhanh chóng, phong trào kháng Nhật, cứu nước dấy lên mạnh mẽ bằng hình thức kết hợp giữa đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị.
Quần chúng Nhân dân Thủ đô đánh chiếm Bắc Bộ phủ, cơ quan đầu não của chính quyền tay sai Pháp ở Bắc Bộ, ngày 19/8/1945. (Ảnh: TTXVN) |
Đêm 13/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1, hiệu triệu toàn dân đứng lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân ta đã nhất tề đứng lên đấu tranh, giành chính quyền ở khắp các địa phương trong cả nước. Chỉ trong vòng hai tuần (từ ngày 14 đến 28/8/1945), cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám đã kết thúc thắng lợi. Từ thành quả vĩ đại đó, chỉ ít ngày sau - ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố với cả thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ Nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra kỷ nguyên mới đối với đất nước Việt Nam.
Nói về Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong tác phẩm “Ba mươi năm hoạt động của Đảng” (6/1/1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đó là thắng lợi to lớn của Nhân dân Việt Nam, mà cũng là thắng lợi đầu tiên của chủ nghĩa Mác-Lênin ở một nước thuộc địa. Cách mạng đã đập tan xiềng xích của thực dân Pháp và phát xít Nhật, lật nhào chế độ quân chủ phong kiến thối nát trên đất nước ta, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á”. Người nhấn mạnh: “Thắng lợi ấy đã đưa dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội”.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử của dân tộc Việt Nam. Đó là thắng lợi của đường lối cách mạng đúng đắn và tổ chức thực hiện đường lối chủ động, sáng tạo của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thắng lợi của truyền thống yêu nước, tinh thần và ý chí "không có gì quý hơn độc lập tự do", tạo nên sức mạnh phi thường của cả dân tộc. Đó còn là thắng lợi của nghệ thuật nắm thời cơ, tận dụng thời cơ chín muồi để phát động Tổng khởi nghĩa trên phạm vi cả nước... Tinh thần quật khởi, giá trị to lớn và những bài học quý của Cách mạng Tháng Tám vĩ đại đã khơi nguồn, bồi đắp sức mạnh cho toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta vững bước trên chặng đường mới.
Khơi nguồn phát triển
Từ khi Cách mạng tháng Tám thành công, đến nay, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực: Việt Nam đã trở thành một quốc gia có chế độ chính trị độc lập, có chủ quyền lãnh thổ và tự quyết định con đường phát triển của mình. Thể chế, hệ thống chính trị từng bước hoàn thiện và có bước phát triển; dân chủ xã hội chủ nghĩa ngày càng được phát huy. Công cuộc đổi mới, trong đó có việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã thực sự đem lại những thay đổi to lớn cho đất nước ta trong suốt những năm qua.
Thủ đô Hà Nội ngày càng phát triển không ngừng |
Nhờ thực hiện đường lối đổi mới, nền kinh tế bắt đầu phát triển với mức tăng trưởng trung bình khoảng 7% mỗi năm. Quy mô GDP không ngừng được mở rộng, năm 2021 thu ngân sách nhà nước đạt 1.523,4 nghìn tỷ đồng, tăng 13,3% so với dự toán, kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt kỷ lục mới với 668,5 tỷ USD và trở thành một trong 20 nước đứng đầu thế giới về thương mại.
Từ một nước bị thiếu lương thực triền miên, đến nay Việt Nam không những đã bảo đảm được an ninh lương thực mà còn trở thành một nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản khác đứng hàng đầu thế giới. Lĩnh vực văn hóa được tổ chức dưới nhiều hình thức, lan tỏa giá trị tốt đẹp trong Nhân dân, giữ gìn được nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Quốc phòng, an ninh được đảm bảo tạo thuận lợi cho phát triển đất nước. Chính sách xã hội được quan tâm, đời sống Nhân dân được cải thiện, không ngừng nâng cao…
Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đến năm 2025, Việt Nam sẽ vươn lên đứng thứ 3 Đông Nam Á về quy mô kinh tế với GDP 571,1 tỷ USD, xếp sau Indonesia (1.628,9 tỷ USD) và Thái Lan (632,4 tỷ USD), vượt qua Malaysia (556,2 tỷ USD), Philippines (523,5 tỷ USD), Singapore (496,8 tỷ USD).
Công tác đối ngoại đã góp phần duy trì, củng cố môi trường hòa bình ổn định, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa…
Công cuộc đổi mới có ý nghĩa như một cuộc cách mạng trong thời kỳ mới, khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử. Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đặt ra mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025 và 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Ðất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày hôm nay. Chúng ta vô cùng tự hào và biết ơn công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, vị lãnh tụ thiên tài của Ðảng và Nhân dân ta. Chúng ta khắc ghi sâu sắc cống hiến xương máu của hàng triệu Anh hùng, liệt sĩ, những người con ưu tú của dân tộc hiến dâng cả cuộc đời cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của Nhân dân. Chúng ta càng hiểu rõ giá trị lịch sử, thực tiễn sâu sắc mà Cách mạng Tháng Tám đã mang lại; đề cao lòng tự hào dân tộc, nhận thức đầy đủ trách nhiệm của thế hệ hôm nay trong việc vận dụng và phát triển những bài học kinh nghiệm quý giá, tư tưởng mang tầm thời đại của Cách mạng Tháng Tám vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.