Hà Nội

Phát huy hiệu quả nhờ "bốn tại chỗ" trong phòng chống thiên tai

Công tác phòng chống thiên tai của Hà Nội những năm gần đây đã đạt được nhiều hiệu quả. Trong đó, thực hiện phương châm "bốn tại chỗ" trong phòng chống thiên tai, Hà Nội đã chủ động triển khai với các phương án phù hợp với thực tiễn từng địa bàn cụ thể.
Sớm bố trí nguồn lực đầu tư nâng cấp hệ thống công trình phòng chống thiên tai Tăng cường tính chủ động trong công tác bảo vệ đê điều, phòng, chống thiên tai Chủ tịch nước gửi thư chúc mừng nhân Ngày truyền thống phòng, chống thiên tai Việt Nam

Khắc phục tình trạng "nước xa không cứu được lửa gần"

Trong phòng chống thiên tai, phương châm "bốn tại chỗ" bao gồm: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Đây là phương châm phòng chống thiên tai đã được hình thành từ năm 1967 và hiện được triển khai rộng rãi tại các địa phương, đặc biệt là trong công tác hộ đê.

Tuy nhiên phải đến năm 2006, tại điểm d, khoản 7, Điều 10 Nghị định số 08/2006/NĐ-CP ngày 16/1/2006 của Chính phủ, phương châm 4 tại chỗ mới chính thức được quy định trong văn bản pháp quy.

Sau đó, phương châm 4 tại chỗ được pháp điển hóa tại khoản 3, Điều 4, Luật Phòng chống thiên tai. Quy định này là cơ sở pháp lý rất quan trọng để các cấp, các ngành triển khai thực hiện. Trong những năm qua, các địa phương, đơn vị đã vận dụng phương châm "bốn tại chỗ" để khắc phục hậu quả thiên tai.

Vào mùa mưa bão, những huyện ngoại thành Hà Nội như Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Ba Vì phải đối diện nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt... Để giảm tổn thất về người và tài sản, nhiều huyện ngoại thành đã chủ động xây dựng các phương án, sẵn sàng ứng phó sự cố, thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ”.

Phát huy hiệu quả nhờ
Luyện tập công tác tìm kiếm cứu nạn tại Ba Vì

Huyện Ba Vì là một trong những địa bàn trọng điểm phòng, chống thiên tai của thành phố Hà Nội khi có 9,7km đê hữu Đà và 26,58km đê hữu Hồng, 38 hồ thủy lợi chứa khoảng 70 triệu mét khối nước...

Nhiều năm nay, các xã miền núi của Ba Vì như Minh Quang, Khánh Thượng, Ba Vì, Ba Trại luôn đối diện nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất khi xuất hiện mưa lớn trong nhiều ngày. Trong khi đó, xã Minh Châu nằm hoàn toàn ở bãi giữa sông Hồng, nơi hợp lưu của 3 dòng sông lớn: Đà, Lô, Hồng. Mỗi khi mực nước sông dâng cao tới mức báo động III thì một nửa dân số của xã sẽ phải sơ tán đến nơi an toàn...

Do đó, để giảm tổn thất do thiên tai gây ra, huyện Ba Vì đã chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung xây dựng, triển khai phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ”.

Trong đó, nhiệm vụ được vạch ra quan trọng nhất là các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn phải rà soát số hộ dân đang sinh sống trong vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, úng ngập để xây dựng phương án, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, vật tư, sẵn sàng ứng phó khi xảy ra tình huống xấu.

Các xã, thị trấn của huyện Ba Vì đã tập trung kiện toàn ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; rà soát, bổ sung phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo các cấp độ rủi ro...

Đặc biệt, Ba Vì cũng rất quan tâm đến việc bảo đảm an toàn các tuyến đê, đập hồ thủy lợi, 20 xã, thị trấn ven sông Hồng, Đà và hạ du hồ Suối Hai. Huyện phân công lực lượng trực các điếm canh đê, hồ để kịp thời phát hiện, xử lý giờ đầu sự cố.

Bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan, đơn vị, người dân trên địa bàn huyện Ba Vì được tuyên truyền về trách nhiệm, kỹ năng phòng, chống lũ quét, sạt lở đất, úng ngập; chủ động kế hoạch ứng phó nếu xảy ra thiên tai...

Tăng cường tu sửa hệ thống công trình phòng, chống thiên tai

Sau ảnh hưởng của những trận mưa rất lớn các ngày 7 - 9 và sáng 10/9, mực nước trên sông Bùi (đoạn chảy qua huyện Chương Mỹ, Hà Nội) dâng cao khiến nhiều xã trong huyện Chương Mỹ như: Nam Phương Tiến, Quảng Bị, Tốt Động, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ, thị trấn Xuân Mai ngập sâu trong nước.

Huyện Chương Mỹ huy động lực lượng chống tràn các tuyến đê bao vùng hữu Bùi.
Huyện Chương Mỹ huy động lực lượng chống tràn các tuyến đê bao vùng hữu Bùi

Thị trấn Xuân Mai của huyện Chương Mỹ là điểm đầu của thành phố Hà Nội luôn luôn phải hứng chịu nước lũ đổ dồn từ tỉnh Hòa Bình. Trong các năm gần đây, địa phương luôn phải chịu cảnh ngập úng sau những trận mưa lớn như thế. Đặc biệt, năm nay mực nước dâng rất nhanh so với những năm trước.

Trong khi đó, công tác phòng chống thiên tai tại huyện Chương Mỹ gặp nhiều bất lợi về địa hình, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu; Tâm lý của người dân về phòng chống thiên tai chưa được nâng cao.

Khắc phục những thách thức trong công tác phòng, chống thiên tai, huyện đã tích cực triển khai phương án phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả theo phương châm “4 tại chỗ”.

Nhiệm vụ trước mắt, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải rà soát số hộ dân đang sinh sống trong vùng có nguy cơ lũ lụt, úng ngập để xây dựng các phương án, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, vật tư, sẵn sàng ứng phó khi xảy ra tình huống xấu...

Huyện Chương Mỹ cũng đã tích cực tu sửa hệ thống công trình phòng, chống thiên tai; Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện, vật tư phục vụ công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai… Nhờ vậy, toàn huyện đã hạn chế đến mức thấp nhất tổn thất do thiên tai gây ra.

32 xã, thị trấn của Chương Mỹ đang tập trung rà soát, bổ sung phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn... Các xã cũng thành lập đội xung kích phòng, chống thiên tai làm nhiệm vụ sơ tán người và tài sản từ vùng lũ lụt, úng ngập đến nơi ở an toàn; Đồng thời, chuẩn bị đủ vật tư, phương tiện phục vụ công tác hộ đê…

Các đơn vị trên địa bàn huyện tập trung khắc phục những hạn chế, tồn tại nêu trên; Xây dựng phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn sát thực tế, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, vật tư phục vụ công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”…

Phương Thu
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động