7 mục tiêu trong chiến lược Quốc gia về phòng chống thiên tai đến năm 2030

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 379/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Quốc gia về phòng chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó đặt ra 7 mục tiêu chính.
Công tác phòng chống thiên tai năm 2020: Chủ động phòng ngừa, ứng phó linh hoạt, hiệu quả Nhìn lại 7 sự kiện "chấn động" năm 2020 Thiên tai "cuốn bay" 33.500 tỷ đồng của Việt Nam trong năm 2020

Với quan điểm chỉ đạo Phòng chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm và nghĩa vụ của toàn dân, toàn xã hội, gồm ba giai đoạn là phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

Theo đó, Chiến lược đặt ra mục tiêu là “chủ động phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tổn thất về người và tài sản của Nhân Dân và nhà nước; từng bước xây dựng quốc gia có khả năng quản lý rủi ro thiên tai, cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai, tạo điều kiện phát triển bền vững kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng”.

Mục tiêu đến năm 2030, bao gồm:

Thứ nhất giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, giảm 50% thiệt hại về người do lũ quét, sạt lở đất so với giai đoạn 2011-2020; thiệt hại về kinh tế do thiên tai không vượt quá 1,2% GDP.

Đây là mục tiêu được đặt lên hàng đầu bởi chỉ trong năm 2020 Việt Nam đã ghi nhận 13 cơn bão, 101 trận lũ, lũ quét...; rồi mưa đá, dông lốc, sạt lở đất, hạn hán... Ước tính thiệt hại về kinh tế hơn 33.500 tỷ đồng.

7 mục tiêu trong chiến lược Quốc gia về phòng chống thiên tai đến năm 2030
Lũ quét, lũ ống và sạt lở núi làm nhiều nhà cửa của người dân Hướng Hóa, Quảng Bình xiêu vẹo, đổ sập. Ảnh: Theo CAND

Thứ hai, hệ thống pháp luật, chính sách về phòng chống thiên tai được hoàn thiện, bảo đảm đồng bộ, thống nhất.

Tính đến thời điểm hiện tại, Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều (sửa đổi) đã được Quốc hội phê duyệt và chính thức có hiệu lực từ 1/7/2021. Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều với tầm nhìn mới, định hướng chiến lược, triển khai các giải pháp toàn diện sẽ đáp ứng yêu cầu giải quyết những vấn đề mới phát sinh, có những quy định chặt chẽ phù hợp thực tiễn, góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống thiên tai.

Thứ ba, tổ chức, lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai được kiện toàn theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả.

Thứ tư, 100% cơ quan chính quyền các cấp, tổ chức và hộ gia đình được tiếp nhận đầy đủ thông tin và hiểu biết kỹ năng phòng tránh thiên tai; 100% tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đảm bảo các yêu cầu theo phương châm “4 tại chỗ”.

Thứ năm, năng lực theo dõi giám sát, dự báo, cảnh báo, phân tích thiên tai ngang tầm với các quốc gia hàng đầu trong khu vực;

Thứ sáu, cơ sở dữ liệu phục vụ chỉ đạo điều hành phòng chống thiên tai được hình thành theo hướng đồng bộ, liên thông, theo thời gian thực.

Mục tiêu cuối cùng là người dân được bảo đảm an toàn trước thiên tai, nhất là bão, lũ, sạt lở đất, lũ quét; khả năng chống chịu cơ sở hạ tầng, công trình phòng chống thiên tai được nâng cao,bảo đảm an toàn trước thiên tai theo mức thiết kế.

Để thực hiện mục tiêu trên, Chiến lược đề ra các nhóm nhiệm vụ và giải pháp chung bao gồm: hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về phòng chống thiên tai bảo đảm đồng bộ, thống nhất, minh bạch, khả thi; nâng cao nhận thức về thiên tai, rủi ro thiên tai, tăng cường quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn; xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch phòng chống thiên tai và phương án ứng phó thiên tai, lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội; nâng cao khả năng chống chịu, thích ứng với thiên tai; khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế; nguồn lực thực hiện.

Nhóm nhiệm vụ và giải pháp cho từng vùng, miền cũng được Chiến lược đề cập đến, ứng với các loại hình thiên tai điển hình bao gồm: Vùng đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; vùng miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ; vùng duyên hải miền Trung; vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ; vùng đồng bằng sông Cửu Long; trên biển và hải đảo và các đô thị lớn.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ quản lý thực hiện các nội dung, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược.

Trong thời gian tới, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai sẽ phối hợp, đôn đốc các bộ, ngành liên quan và các địa phương xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược; xây dựng khung giám sát, đánh giá thực hiện Chiến lược; tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược hàng năm.

D.Minh
Phiên bản di động