Phát huy giá trị danh hiệu "Thành phố vì hòa bình"
Lễ hội đường phố mừng 20 năm “Hà Nội - Thành phố Vì hoà bình” |
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã nhấn mạnh như vậy tại diễn văn Lễ kỷ niệm 20 năm thành phố Hà Nội đón nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” diễn ra sáng nay (13/7).
Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, 20 năm trước, ngày 16/7/1999, người dân cả nước nói chung, người dân Thủ đô nói riêng vinh dự, tự hào khi Hà Nội được UNESCO vinh danh “Thành phố vì hòa bình” tại Thủ đô La Paz, đất nước Bolivia. Cho đến hôm nay, Hà Nội là thủ đô duy nhất của khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhận được danh hiệu này.
Giải thưởng “Thành phố vì hòa bình” mà UNESCO trao tặng chính là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế về những đóng góp tích cực của Thủ đô Hà Nội trong công cuộc đấu tranh vì hòa bình, cũng như trong sự nghiệp phát triển, xây dựng một thành phố hòa bình; một thành phố năng động nhưng vẫn giữ những nét truyền thống.
Các đồng chí lãnh đạo Trung ương, thành phố Hà Nội và đại biểu dự Lễ kỷ niệm; Ảnh: Vương Đức |
Đây cũng là sự kiện có ý nghĩa chính trị sâu sắc, thể hiện niềm tin, khát vọng hoà bình của dân tộc Việt Nam nói chung, của nhân dân Thủ đô Hà Nội nói riêng; góp phần nâng cao vị trí, uy tín của Việt Nam, Hà Nội trên trường quốc tế; quảng bá, giới thiệu với thế giới về hình ảnh, con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế; đồng thời, làm tăng thêm niềm tự hào dân tộc của người dân Thủ đô, cổ vũ động viên nhân dân chung sức xây dựng Thủ đô và đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, sau 20 năm với nhiều đổi thay, đến nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã và đang phấn đấu không ngừng, tiếp tục xây dựng, phát triển, cùng hướng tới một thế giới hòa bình, nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai.
Thủ đô hôm nay to đẹp hơn, khang trang hơn, không chỉ mở rộng địa giới hành chính, gia tăng dân số, Hà Nội còn là thành phố đa sắc mầu văn hóa, các loại hình kinh tế phát triển mạnh, môi trường đầu tư, kinh doanh không ngừng được cải thiện, quốc phòng - an ninh được giữ vững, đối ngoại được mở rộng. Hình ảnh Hà Nội là một điểm đến “an toàn - thân thiện”, ngày càng được giới thiệu, quảng bá rộng rãi và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao”.
Các đại biểu thả chim bồ câu - biểu tượng của hòa bình: Ảnh: Mai Luyến - Vương Đức |
Đặc biệt, xác định phát triển kinh tế đi đôi với xây dựng con người mới, phát triển văn hóa Thủ đô, các thiết chế văn hóa, mô hình văn hóa tiếp tục phát huy vai trò tích cực, chất lượng hoạt động văn hóa ở cơ sở được nâng cao, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh… Công tác giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị, chuẩn mực tiêu biểu, đặc biệt là các di sản văn hóa được triển khai tích cực; nhiều giá trị truyền thống, tập quán tốt đẹp của văn hoá Thăng Long, văn hóa xứ Đoài được giữ gìn, phát huy.
Thành phố cũng luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ, coi đó là một ưu tiên trong chính sách phát triển. Bên cạnh đó, xác định: khoa học - công nghệ là động lực quan trọng để phát triển nhanh và bền vững, TP cũng đã triển khai nhiều chương trình, đề án nghiên cứu, phát triển khoa học - công nghệ nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố thông minh.
Sau 20 năm, khoảng cách đời sống giữa khu vực đô thị và nông thôn dần được thu hẹp. Hà Nội là địa phương dẫn đầu về số xã đạt chuẩn nông thôn mới; chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân có nhiều tiến bộ; công tác quản lý, bảo vệ môi trường, trồng cây xanh, cải tạo hồ nước được chú trọng đã góp phần làm cho diện mạo đô thị có nhiều thay đổi tích cực. Hà Nội trở thành trung tâm kết nối các giá trị toàn cầu, có quan hệ hợp tác hữu nghị với hơn 100 thủ đô, thành phố của các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, tham gia tích cực, có trách nhiệm tại nhiều diễn đàn quốc tế quan trọng. Nhiều sự kiện chính trị, văn hóa quốc tế lớn, đặc biệt là những sự kiện có sự tham gia của các nguyên thủ diễn ra thành công tại Hà Nội đã cho thấy uy tín của Thành phố. Gần đây, trong vai trò đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai, Hà Nội được lãnh đạo hai nước, cộng đồng thế giới đánh giá cao, bè bạn quốc tế ghi nhận là “điểm đến” an toàn, tin cậy và thân thiện.
Các đại biểu sẽ nhấn nút khai trương website “Hà Nội - Thành phố sáng tạo”; Ảnh: Tú Linh - Vương Đức |
“Dù ở bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, “Hoà bình” không chỉ mang giá trị nhân văn sâu sắc mà còn là mục tiêu và điều kiện căn bản để phát triển bền vững. Thủ đô Hà Nội luôn tự hào về danh hiệu “Thành phố vì hoà bình”, không ngừng nỗ lực vươn lên, vượt qua những khó khăn, thách thức, tự tin phát triển và hội nhập, trở thành một dấu ấn khó quên với bạn bè, du khách từng đặt chân tới” – Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh; đồng thời cho biết, Hà Nội đang trình UNESCO xem xét Hồ sơ ứng cử để tham gia vào mạng lưới các thành phố sáng tạo. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho Thủ đô trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trên mọi lĩnh vực sáng tạo văn hóa, gia nhập nhóm các thành phố toàn cầu đang phát triển theo hướng đổi mới.
Nhân dịp này, thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ; sự ủng hộ, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành, Trung ương, của các tỉnh, thành bạn và bè bạn quốc tế, đã dành cho Thủ đô Hà Nội trong những năm qua.
Hà Nội cam kết trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng sẽ luôn phấn đấu vì hòa bình, thịnh vượng, công bằng, thân thiện - mến khách để xứng đáng với danh hiệu mà cộng đồng quốc tế đã trao tặng; để danh hiệu “Thành phố vì hoà bình” luôn tỏa sáng ...
Một trong những kết quả ấn tượng nhất của Hà Nội là mặc dù có sự tăng trưởng kinh tế và xã hội đáng kể, thành phố vẫn giữ được sự ấm áp và thân thiện của một ngôi làng. “Ở đây dù là vào năm 1999 hoặc 2019, đi bộ trên đường phố vẫn là một niềm vui, với rất nhiều điểm tham quan, âm thanh và hương vị để trải nghiệm. Tất nhiên, điều tương tự cũng có thể xảy ra ở nhiều nơi, nhưng khi tất cả những điều này được đặt trong bối cảnh văn hóa hòa bình, khi một thành phố quan tâm đến người dân và họ quan tâm đến nhau, nó trở thành một điều gì đó rất đặc biệt”. UNESCO hiểu rằng dù Hà Nội tự hào về quá khứ của mình, nhưng vẫn hướng đến tương lai. Chúng tôi tin rằng thành phố có tất cả các điều kiện phù hợp để trở thành trung tâm của sự sáng tạo, bởi vì đây là thành phần chính của văn hóa - và Hà Nội có một tâm hồn văn hóa. Vì vậy, Tổ chức đã tiếp tục làm việc với thành phố, không chỉ để thúc đẩy và bảo tồn lịch sử, mà còn để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa mới cho một thời đại mới. UNESCO tin rằng, theo cách này, thành phố có thể duy trì sự tăng trưởng một cách bền vững, thu hút nhân tài, cung cấp việc làm cho giới trẻ và xây dựng Hà Nội như một thủ đô sáng tạo. Và có lẽ quan trọng nhất, đó là cách giữ gìn tình bạn ấm áp mà người Hà Nội dành cho nhau - và cho những người khác Ông Firmin Edouard Matoko - Trợ lý Tổng Giám đốc phụ trách đối ngoại, đại diện Tổng Giám đốc UNESCO Quyết tâm và mong muốn của chính quyền và người dân Hà Nội trong việc xây dựng và phát triển một thủ đô năng động, đổi mới, sáng tạo vì hòa bình càng được khẳng định với việc ngày 28/6/2019 vừa qua, Hà Nội đã hoàn thiện và nộp hồ sơ đăng ký vào mạng lưới “Thành phố sáng tạo” của UNESCO trong thời gian rất ngắn. Tham gia mạng lưới này, Hà Nội sẽ trở thành một trong những trung tâm hội tụ và lan tỏa của tri thức và sáng tạo. Đặc biệt hơn, việc lựa chọn tiêu chí “thiết kế”, thể hiện sự bao trùm và kết nối với 6 tiêu chí còn lại của thành phố sáng tạo, đã cho thấy tầm nhìn của Hà Nội trong việc biến sáng tạo và công nghiệp văn hóa thành cốt lõi của phát triển, qua đó góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc. Ông Lê Hoài Trung, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch UBQG UNESCO Việt Nam |