Nông dân Bắc Ninh tiêu hủy cả ngàn con gia cầm, thiệt hại trăm triệu đồng
Phường Hòa Long là một trong 2 ổ dịch cúm gia cầm với chủng H5N6 được công bố tại Bắc Ninh, dịch cúm gia cầm chủng H5N6 được phát hiện vào ngày 5/2/2020 ở khu Hữu Chấp.
Ngay sau khi phát hiện dịch bệnh chủng H5N6, UBND thành phố đã ra các quyết định công bố dịch, lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy toàn bộ đàn vịt của gia đình ông Nguyễn Văn Huân và 2 hộ chăn thả vịt lân cận có triệu chứng vịt chết rải rác với tổng số tiêu hủy là 4.475 con.
Mọi tuyến đường ra vào phường Hòa Long đều được bố trí chốt chặn để khiểm soát và phun thuốc khử trùng. |
Bên cạnh đó, phường Hòa Long đã thành lập nhiều điểm chốt chặn tại các lối ra vào khu Hữu Chấp, hoạt động 24/24h để kiểm soát tình hình ra vào vùng dịch; tổ chức phun thuốc khử trùng, rắc vôi bột hàng ngày tại khu vực có dịch, đồng thời phát động vệ sinh khử trùng tiêu độc môi trường trên diện rộng toàn phường.
Anh Nguyễn Văn Huân, phường Hòa Long - chủ hộ bị thiệt hại nặng nề trong dịch cúm lần này chia sẻ: “Đàn vịt của gia đình tôi chuẩn bị được xuất chuồng, mỗi con vịt thịt cũng vào khoảng từ 2-3kg. Đối với đàn vịt đẻ trứng thì tôi đã phải mất khoảng 7 tháng để chăm sóc, mới đang trong quá trình bắt đầu được thu hoạch thì dính bệnh”.
Anh Nguyễn Hữu Huân - Khu Hữu Chấp, phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh. |
Anh Huân cũng chia sẻ thêm, số lượng gia cầm mà gia đình anh đã tiêu hủy trong đợt dịch bệnh này là khoảng 3.800 con, ước tính thiệt hại kinh tế lên tới cả trăm triệu đồng.
“Hàng nghìn con vịt, bao công sức, tiền của tôi và người thân nhưng chẳng may dính bệnh thì phải chấp nhận. Tôi cũng chấp hành nghiêm các quy định, khi phát hiện đàn vịt dương tính với H5N6 gia đình đã phối hợp với chính quyền và các cơ quan chuyên môn tiêu hủy toàn bộ đàn vịt nói trên và thực hiện các biện pháp phun thuốc, rắc vôi bột khử trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi” - anh Huân nói.
Toàn bộ đàn gia cẩm của gia đình anh Huân đã được mang đi tiêu hủy, chuồng trại cũng được phun thuốc khử trùng. |
Gia đình ông Đỗ Văn Điệp cũng có đàn gia cầm thuộc diện tiêu hủy trong đợt dịch bệnh này cho biết, gia đình đã tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm vì phát hiện có những con dương tính với H5N6.
Ông Đỗ Văn Điệp - Khu Hữu Chấp, phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh. |
“Vịt của gia đình tôi chăn nuôi là vịt thịt, đang trong quá trình cho thu hoạch, mỗi con nặng khoảng 3kg và số lượng đàn gia cầm là khoảng 300 con. Chúng tôi luôn chấp hành các quy định phòng chống dịch bệnh và cũng không mong muốn dịch lây lan sang bất kể gia đình nào vì ở khu này chủ yếu sinh sống bằng nghề chăn nuôi gia cầm… chúng tôi chỉ hy vọng chính quyền hỗ trợ cho thiệt hại của chúng tôi một cách hợp lý” ông Điệp chia sẻ.
Anh Nguyễn Văn Huấn - Thú y phường Hòa Long cho biết, phường Hòa Long hiện nay có khoảng 19 nghìn con gia cầm, Để hạn chế sự lây lan và cố gắng bảo vệ an toàn số gia cầm còn lại, 100% gia cầm được tiêm phòng; công tác vệ sinh phòng dịch được thực hiện thường xuyên hàng ngày.
Trong thời gian này đàn gia cầm của các gia đình đều được lấy mẫu mang đi xét nghiệm, kết quả cho thấy là âm tính, chưa phát hiện thêm đàn nào dương tính với chủng H5N6. |
Trước đó, ngay sau khi xuất hiện ổ dịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã phối hợp với chính quyền địa phong khoanh vùng và thực hiện các công tác tiêu hủy gia cầm nhiễm bệnh, phun thuốc khử trùng tiêu độc khu vực chăn nuôi tại các hộ và thôn có dịch, đường làng, ngõ xóm bằng vôi bột, hóa chất.
Đồng chí Nguyễn Hữu Thành, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã có những chuyến kiểm tra công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm tại thành phố Bắc Ninh và huyện Quế Võ.
Sau khi trực tiếp kiểm tra công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm tại các chốt kiểm dịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Thành yêu cầu ngành NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, các địa phương hướng dẫn các hộ chăn nuôi tại vùng xuất hiện dịch bệnh và các địa phương lân cận thực hiện phun hóa chất, rắc vôi bột khử trùng tiêu độc theo định kỳ. Đồng thời, tổ chức theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi đến tận hộ gia đình; thực hiện nghiêm việc chốt chặn nhằm ngăn ngừa vận chuyển gia cầm từ vùng dịch ra bên ngoài.