Nỗ lực vượt qua “dịch chồng dịch”
Các đơn vị y tế trực Tết nghiêm túc, báo cáo đầy đủ theo đúng quy định Hà Nội yêu cầu tăng cường phòng chống dịch dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội |
Sự đồng lòng của người dân góp phần vượt qua thách thức
Năm 2020-2021 là khoảng thời gian đầy thách thức với ngành y tế Hà Nội do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Nhìn lại khoảng thời gian đó, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết: “Đó là những khó khăn, thử thách chưa có tiền lệ. Thế nhưng, có lửa thì mới thử được vàng, có gian nan thì mới thử được sức. Có những việc chúng tôi không nghĩ mình có thể hoàn thành, nếu không được đặt vào những hoàn cảnh, thời điểm như vậy”.
Thành phố đã có những bước đi đúng đắn trong công tác phòng chống dịch cũng như có nguồn vắc xin bao phủ tiêm chủng cho người dân Việt Nam.
TS Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, phát biểu tại Quốc hội |
Trong ba tháng đầu năm 2022, y tế cơ sở của Thủ đô đã giải quyết được 2 nhiệm vụ cấp bách là phát hiện sớm ca nhiễm mới, hạn chế được sự lây lan của dịch bệnh ra cộng đồng bằng hình thức cách ly tại nhà, nơi ở, nơi lưu trú… và thực hiện chiến dịch tiêm chủng thần tốc chưa từng có trong lịch sử.
Ngay sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tốt, nhiều dịch bệnh khác cũng diễn biến phức tạp như dịch sốt xuất huyết, cúm A, cúm B, virus Adeno…, mỗi thầy thuốc, cán bộ, nhân viên y tế luôn xác định còn rất nhiều việc phải làm.
Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân Hà Nội |
Mỗi người một việc, tùy chức năng chuyên môn của mình, tất cả đều đoàn kết một lòng, chung tay góp sức triển khai thực hiện công tác phòng, chống các dịch bệnh.
Các cán bộ y tế đã quên đi mệt mỏi, bỏ qua sự lo sợ về khả năng nhiễm bệnh để đến từng hộ gia đình, khảo sát dịch tễ từng cá nhân, đo thân nhiệt, lưu tiền sử sức khỏe của từng người, tư vấn, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống các dịch bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng; hướng dẫn người dân thu gom rác thải theo quy định, dọn dẹp vệ sinh môi trường để bảo đảm an toàn sức khỏe, phòng tránh dịch bệnh.
Ngành Y tế triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho học sinh Hà Nội |
Cùng với đó là công tác tư vấn, tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh từ những việc nhỏ nhất, như vệ sinh cá nhân, nhà ở, khu vực xung quanh sạch sẽ, thoáng mát, rác thải sinh hoạt, rác thải y tế, hằng ngày thu gom tập trung, tập kết, xử lý theo quy định.
Có thể thấy, trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 cũng như các dịch bệnh nguy hiểm khác, tình cảm của cán bộ y tế với dân, dân với cán bộ y tế và cán bộ y tế với nhau đã gắn kết hơn, xích lại gần nhau hơn bao giờ hết, chia sẻ cho nhau, chăm sóc nhau, động viên nhau vượt qua khó khăn, cùng chung tay chống “dịch chồng dịch”, bảo vệ sức khỏe Nhân dân.
Quyết tâm không để “dịch ngược”
Thời điểm cuối năm 2022, theo đánh giá từ các chuyên gia, sốt xuất huyết, cúm mùa và tình hình dịch COVID-19 đang quay trở lại tạo nên nguy cơ “dịch chồng dịch” mà thành phố sẽ đối mặt trong thời gian tới.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, Việt Nam luôn có sự lưu hành của nhiều bệnh truyền nhiễm. Ngoài dịch COVID-19 và đậu mùa khỉ cần quan tâm hàng đầu phải là phòng, chống dịch sốt xuất huyết bởi số ca mắc và tử vong đang tăng nhanh.
Do đó, trong năm 2022, bên cạnh công tác phòng dịch, công tác dọn dẹp vệ sinh phòng dịch sốt xuất huyết và công tác tiêm chủng vắc xin COVID-19 được thực hiện một cách quyết liệt.
Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân Hà Nội |
TP Hà Nội cũng chỉ đạo các cấp chính quyền trên địa bàn đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người; tiếp tục khẩn trương tổ chức nhiều hình thức tiêm chủng như điểm tiêm cố định, điểm tiêm lưu động tại các khu công nghiệp, trường học… làm tăng khả năng tiếp cận của người dân, góp phần đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin cho người dân từ 5 tuổi trở lên để đảm bảo mục tiêu đề ra.
TS. Trần Thị Nhị Hà đánh giá “Với tình hình dịch sốt xuất huyết có diễn biến phức tạp, Hà Nội đã chủ động các biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt. Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị trong ngành thực hiện tốt công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân biết về sốt xuất huyết, các dấu hiệu cảnh báo nặng cần tái khám ngay và thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, phun, diệt muỗi, phòng muỗi đốt.
Hà Nội đã tổ chức tập huấn cho các bệnh viện công lập và ngoài công lập về phác đồ điều trị, cập nhật những kiến thức về sốt xuất huyết Dengue”.
Sở Y tế chủ động đánh giá tình hình dịch, mức độ nguy cơ, dự báo diễn biến để xây dựng kịch bản hướng dẫn các đơn vị triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, tham mưu đề xuất, báo cáo UBND TP chỉ đạo các nội dung vượt quá thẩm quyền.
“Hà Nội đã thành công trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, chính là sự vào cuộc của chính quyền địa phương, của các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là sự chung tay phòng chống dịch của người dân.
Chúng tôi hy vọng với dịch bệnh khác, như dịch sốt xuất huyết hiện đang bùng phát trên địa bàn Hà Nội, cũng nhận được sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, các ban, ngành đoàn thể và người dân. Chúng ta ứng xử với dịch bệnh sốt xuất huyết như một sự kiện y tế công cộng khẩn cấp, cần có sự vào cuộc quyết liệt từ thành phố đến các quận/huyện/thị xã và xã/phường/thị trấn...”, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết.