Những thùng rác trên cánh đồng thay đổi thói quen của người nông dân

Thay bạ đâu vứt đấy những vỏ bao bì phân đạm, vỏ thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) gây nguy hại cho môi trường, từ ngày có những thùng rác đầu bờ ruộng, nhiều người nông dân đang thay đổi thói quen và dần hình thành ý thức về bảo vệ môi trường.
Đà Nẵng: Củi khô bủa vây 5 km bờ biển Xuân Thiều sau mưa Bảo vệ môi trường hiệu quả từ mô hình thu gom rác thải nhựa Tái chế rác thải: Cái bóng 10% Tuyên chiến với rác thải nhựa – Cần áp dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ

Mối nguy hại từ rác thải nhựa bao bì thuốc bảo vệ thực vật

Rác thải nhựa, đặc biệt là nhựa dùng một lần đang là vấn đề mang tính toàn cầu. Trong lĩnh vực nông nghiệp rác thải nhựa thường phát sinh ở những bao bì thuốc BVTV cũng là nỗi lo chung. Sau khi sử dụng nếu không được thu gom và tiêu hủy đúng quy định sẽ trở thành mối nguy cho sức khỏe cộng đồng.

Những thùng rác trên cánh đồng thay đổi thói quen của người nông dân
Rác thải từ thuốc bảo vệ thực vật phát sinh tại cánh đồng người dân Tây Tựu bỏ lại tại bờ kênh

Giảm thiểu tác hại từ rác thải thuốc BVTV đang trở nên cấp thiết. Nhiều nông dân lạm dụng sử dụng các loại thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp cũng như chưa ý thức được bảo vệ môi trường khi vứt vỏ chai, bao bì thuốc ra đồng ruộng.

Riêng thành phố Hà Nội hiện có khoảng 76 công ty kinh doanh thuốc BVTV và 1.256 cửa hàng, đại lý buôn bán. Trung bình mỗi năm, Hà Nội sử dụng khoảng 400 tấn thuốc BVTV vào mục đích phòng, trừ sâu bệnh hại trong nông nghiệp.

Tuy nhiên, theo khảo sát từ thực tế cho thấy, tình trạng vỏ bao bì, gói thuốc BVTV bị vứt, bỏ bừa bãi trên cánh đồng sau khi sử dụng vẫn còn khá phổ biến. Điển hình là tại các vùng sản xuất chuyên canh rau màu, hoa cây cảnh như Đông Anh, Mê Linh, Bắc Từ Liêm.

Phường Tây Tựu, Bắc Từ Liêm nổi tiếng với những cánh đồng hoa trải dài. Cùng với đó, người dân ở đây cũng luôn có nỗi lo về việc phát sinh số lượng lớn những vỏ chai lọ, bao bì. Người dân vẫn có thói quen tiện đâu, vứt đấy, các loại nhựa và túi nilong không được tiêu hủy, kèm theo là một lượng thuốc sót lại bám trên bao bì có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe, nguồn nước, môi trường cho chính người dân nơi đây.

Chị Nguyễn Thị Lâm, một người dân trồng hoa ở Tây Tựu cho biết: "Thông thường tôi dùng xong thuốc để phun cho hoa một năm có vài đợt, vỏ thuốc, bao thuốc dùng xong để luôn bờ ruộng chứ biết để đâu bây giờ".

Thói quen vứt bừa bãi vỏ thuốc BVTV còn do các địa phương chưa chủ động bố trí kinh phí để xây dựng bể chứa thu gom. Chưa có mô hình, quản lý, thu gom, địa điểm tập kết, vận chuyển và công nghệ xử lý phù hợp.

Thùng rác bảo vệ môi trường của bà con nông dân

Trái ngược với cảnh vứt vỏ thuốc BTVT bừa bãi, ở nhiều địa phương trên địa bàn Thủ đô, người dân đã bảo nhau sử dụng thùng chứa cho rác phát sinh từ thuốc BVTV. Việc này không chỉ cải thiện được môi trường mà còn thay đổi ý thức và hành động của người dân đối với việc bảo vệ môi trường từ những việc làm tưởng như nhỏ này.

Những thùng rác trên cánh đồng thay đổi thói quen của người nông dân
Ông Nguyễn Khắc Đạo, tổ trưởng của 1 nhóm sản xuất rau an toàn tại HTX rau an toàn Tiền Lệ bỏ rác vào thùng tại vùng sản xuất rau

Tại HTX rau an toàn Tiền Lệ, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức, thùng chứa vỏ bao bì, lọ thuốc BVTV, kể cả các vỏ bao đóng phân bón được người dân đều được người dân thu gom. Khu vực canh tác rộng 33ha nhưng đã có hàng chục thùng nhựa, cách 30 m lại có 1 thùng để các hộ tiện thu gom bỏ vào đó, người dân không phải đi quá xa để xử lý rác thải từ thuốc BVTV.

Ông Nguyễn Khắc Đạo, tổ trưởng của 1 nhóm sản xuất rau an toàn tại HTX rau an toàn Tiền Lệ cho biết: đã từ nhiều năm nay, sau khi đầu tư thùng chứa rác ở khu vực này thì tự nhiên cả cánh đồng đều không có một chiếc vỏ bao bì hay lọ thuốc BVTV nào nữa. "Không có thùng rác ở cánh đồng này, HTX nông nghiệp có nhắc nhở họ, nhưng nhắc thế nhắc nữa họ vẫn cứ vứt. Nhưng có thùng rác này thì gần như không phải nhắc nữa", ông Đạo chia sẻ.

Bà Đặng Thị Thu Thủy, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Hoài Đức cho biết thêm, sau khi tổ chức tập huấn tuyên truyền về xử lý rác thải phát sinh từ trồng trọt, "cảnh quan môi trường đồng ruộng trở lên xanh, sạch đẹp hơn. Việc triển khai mô hình này thì người nông dân là được hưởng lợi đầu tiên, bởi bảo vệ cho chính họ".

Bà Thủy thông tin thêm "ở đây người dân và xã đã xây dựng một nhà chứa rác thải nguy hại ở cuối vùng sản xuất, người dân sau khi thu gom đầy các thùng rác sẽ chở về tập kết ở khu vực này và công ty thu gom rác thải nguy hại sẽ đến lấy đi để xử lý theo đúng quy định".

Những thùng rác trên cánh đồng thay đổi thói quen của người nông dân
Vùng sản xuất rau an toàn tại HTX rau an toàn Tiền Lệ có môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp

Việc xây dựng thùng chứa vỏ bao bì thuốc BVTV đã nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân theo hướng tích cực. Từ đó, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường từ sản xuất nông nghiệp, giữ gìn môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp, các tuyến đường nội đồng, bờ ruộng, bờ mương không còn vỏ bao, lọ đựng thuốc BVTV vứt bừa bãi.

Từ đầu tư nhỏ và hành động nhỏ đã mang đến ý nghĩa lớn lao, đây chính là cơ sở quan trọng giúp địa phương và bà con nông dân hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp xanh, bền vững. HTX rau an toàn Tiền Lệ, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức giờ không chỉ là mô hình điểm về trồng rau hữu cơ mà còn địa điểm thăm qua về mô hình xử lý rác thải bảo vệ môi trường.

Không chỉ ở Tiền Lệ mà ở nhiều vùng sản xuất nông nghiệp của Hà Nội đã được đầu tư thùng chứa, điểm thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV. Công tác tuyên truyền cũng được đẩy mạnh giúp người nông dân thay đổi ý thức gìn giữ môi trường.

Cùng với đó, phong trào trồng rau sạch chuẩn VietGap, Global Gap, rau hữu cơ… cũng lan truyền mạnh mẽ giúp tỉ lệ sử dụng thuốc BVTV tại Hà Nội giảm. Ước tính, nông dân Hà Nội tiết kiệm được khoảng 200 tỷ đồng/năm nhờ việc giảm sử dụng thuốc BVTV. Đó là chưa kể đến những lợi ích khác khi người dân thu gom rác thải độc hại để xử lý đúng chỗ.

Lê Tâm
Phiên bản di động