Những thầy cô giáo xuất sắc nhận giải thưởng quốc tế năm 2019
Giáo sư trẻ nhất Việt Nam được trao giải thưởng Toán học quốc tế
Ngày 23/10/2019, Trung tâm Vật lý lý thuyết quốc tế (ICTP) công bố giải thưởng Ramanujan dành cho các nhà Toán học trẻ ở các nước đang phát triển năm 2019 được trao cho GS Phạm Hoàng Hiệp của Viện Toán học Việt Nam.
Theo bài viết được đăng tải trên trang chủ của ICTP, giải thưởng là để ghi nhận những đóng góp nổi bật của GS Phạm Hoàng Hiệp trong lĩnh vực giải tích phức và cụ thể là lý thuyết đa thế vị, nơi anh đã đạt được một kết quả quan trọng về các điểm kỳ dị của các hàm đa điều hòa dưới; các phương trình Monge-Ampère phức và tình trạng đạt ngưỡng dạng log-chính tắc, với các ứng dụng quan trọng trong hình học Kähler phức và hình học đại số. Giải thưởng cũng thể hiện sự công nhận vai trò tổ chức quan trọng của GS Phạm Hoàng Hiệp trong sự tiến bộ của toán học tại quê nhà Việt Nam.
Giải thưởng Ramanujan của ICTP là một giải thưởng danh giá dành cho các nhà toán học trẻ (dưới 45 tuổi) làm việc tại các nước đang phát triển, mỗi năm có 1 nhà toán học trẻ được chọn.
Trong số những người đã nhận giải, nhiều người đã trở thành các nhà toán học tên tuổi, được mời báo cáo tại các đại hội toán học thế giới.
TSKH Phạm Hoàng Hiệp được phong hàm giáo sư năm 2017, khi mới 36 tuổi, trở thành giáo sư trẻ nhất nước ta. GS Phạm Hoàng Hiệp là Giám đốc Trung tâm quốc tế đào tạo và nghiên cứu toán học, trực thuộc Viện Toán học Việt Nam. Đây là một trung tâm hoạt động dưới sự bảo trợ của UNESCO nhằm mục đích thúc đẩy sự phát triển toán học trong khu vực.
"Tôi biết Toán đóng góp cho sự phát triển của giáo dục, khoa học thông qua việc giảng dạy kiến thức cơ bản và tư duy Toán học. Trong quá trình dạy học, tôi cố gắng chuẩn bị bài giảng tốt nhất có thể để giúp sinh viên hiểu các nguyên tắc và ứng dụng của ngành học này", anh từng chia sẻ.
Cô giáo trường làng vào top 50 giáo viên toàn cầu
Từ chối làm việc ở Canada, cô Trần Thị Thúy trở về trường THPT Đức Hợp (Hưng Yên) truyền đam mê học tiếng Anh cho học trò nông thôn.
Tháng 2/2019, cô Hà vừa được tổ chức giáo dục Varkey Foundation chọn là một trong 50 giáo viên toàn cầu, từ hơn 10.000 ứng viên. Giải thưởng thường niên này nhằm tôn vinh thầy cô có đóng góp đặc biệt xuất sắc cho sự nghiệp giáo dục.
Trong thư thông báo gửi cá nhân lọt top 50, Ban tổ chức viết rõ không quá coi trọng các giải thưởng nhà giáo từng đạt được, thứ họ đánh giá cao nhất là những điều giáo viên làm được cho học sinh ngoài kiến thức trong sách giáo khoa; hỗ trợ gì cho giáo viên khác và ảnh hưởng thế nào đến cộng đồng.
Cô Thúy sinh ra trong gia đình có 3 anh chị em, bố làm nghề đánh cá sông, mẹ làm nông. Nhà nghèo, người anh cả học hết lớp 6 nghỉ để cùng bố mẹ lao động kiếm tiền, nhường cơ hội học tập cho hai em. Khi đỗ Đại học Sư phạm Hà Nội, cô miệt mài lên phòng máy tính của thư viện để nghe chương trình tiếng Anh và học nói với các bạn cùng lớp.
Lần mò cách dạy tạo hứng thú học tiếng Anh cho học sinh, cô Thúy tình cờ biết đến cộng đồng giáo viên dạy học sáng tạo. Tìm được nội dung hữu ích về phương pháp dạy học tích cực, cách ứng dụng công nghệ thông tin vào bài giảng, cô bắt đầu tổ chức các tiết học kết nối qua skype để học sinh giao tiếp với học trò, người dân các nước khác, học theo dự án.
Vào năm học 2015-2016, cách dạy của cô Thúy quá khác lạ với trường vùng quê như THPT Đức Hợp. Hiệu trưởng cũ và không ít giáo viên sợ cô làm học sinh phân tán tư tưởng. Tuy nhiên, những thay đổi tích cực trong thái độ và kết quả học tập, kỹ năng nghe nói tiếng Anh... của học sinh khiến cô kiên trì cách dạy mới. Một số giáo viên bắt đầu học hỏi phương pháp mới của cô.
Mỗi tháng một lần, cô Thúy lên chủ đề, yêu cầu học sinh chuẩn bị nội dung cho ngày học kết nối. Đó có thể là buổi thảo luận tìm ý tưởng làm giàu cho quê hương với các học sinh ở Nhật Bản; giới thiệu văn hóa, đất nước, con người với lớp học ở châu Phi... Có lần, học sinh mang dụng cụ lên lớp hướng dẫn qua skype cách làm bánh trôi, chè kho cho các bạn Nhật Bản.
Mới đây, trong tiết học tại lớp 10A1, học trò đã "du lịch" nước Anh qua buổi skype với người bản địa. Họ vừa đi tới các địa danh nổi tiếng, vừa giới thiệu qua điện thoại cho học sinh trường THPT Đức Hợp.
Trường không có wifi, camera kết nối Internet nên để tổ chức những buổi học skype cho học sinh, cô Thúy phải tự trang bị, mang lên lớp máy tính xách tay, bộ phát wifi. Do cần đường truyền ổn định, cô giáo đã mua dây, xin nhà trường cho nối mạng từ phòng hiệu trưởng đến các lớp học.
Hiện nay, đường Internet của cô Thúy dài đến 200m, kéo đủ đến những phòng học trên tầng cao của 3 dãy nhà trong trường. "Giờ ra chơi, học sinh lớp này sẽ lên thu dây từ lớp khác rồi kéo sang phòng học của các em. Tuy vất vả một chút nhưng tôi và học trò đều hiểu rằng có Internet mọi thứ sẽ dễ dàng, hiệu quả hơn nên tất cả đều cố gắng", cô Thúy nói.
Cô Thúy đã giành giải nhì cuộc thi giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin do Bộ Giáo dục & Đào tạo tổ chức năm 2016; là một trong bốn đại diện Việt Nam tham gia Diễn đàn giáo dục toàn cầu do Microsoft tổ chức tại Canada năm 2017.
Tại diễn đàn, sau khi cùng bốn giáo viên thắng chung cuộc nhờ sáng tạo dạy học sử dụng trò chơi, cô Thúy được lãnh đạo Microsoft Canada chào mừng tới quốc gia này. Tuy nhiên, cô từ chối với lý do "ra đi là để trở về".
Quay lại THPT Đức Hợp, cô Thúy xin bố mẹ đẻ mảnh đất trống để mở thư viện, dạy học miễn phí cho học sinh. Nhiều người bảo cô có danh tiếng thì nên dạy thêm kiếm tiền trang trải cho gia đình, nhưng cô không muốn thế.
"Ngày bé nhà tôi nghèo, thầy cô đã mượn sách cho tôi học, mang áo ấm đến tận nhà cho tôi. Giờ, tôi muốn ở Đức Hợp, dạy tiếng Anh cho những đứa trẻ nghèo và làm cầu nối cho các em nhìn xa hơn ra ngoài thế giới. Ai đó có thể bảo tôi khùng, nhưng tôi sẽ theo đuổi đến cùng con đường lựa chọn", cô chia sẻ.
Tháng 3/2019, cô Thúy đã sang Dubai dự lễ vinh danh 50 giáo viên toàn cầu.
Thầy giáo gốc Việt 27 tuổi đoạt giải thưởng giáo dục uy tín nhất nước Mỹ
Ben Nguyễn - chàng trai gốc Việt 27 tuổi hiện là giáo viên dạy khối 9 - 12 tại Trường Trung học Sunrise Mountain (thành phố Las Vegas, bang Nevada, Mỹ) vừa nhận được giải thưởng Milken Educator Awards 2019.
Năm 2019, giải thưởng được trao cho 40 giáo viên trên toàn nước Mỹ. Thầy giáo gốc Việt được trao giải thưởng này vì những đóng góp trong việc tạo môi trường cho học sinh tiếp xúc với khoa học máy tính, robot và công nghệ kỹ thuật.
Theo ban tổ chức trao giải Milken Educator Awards, thầy Ben Nguyễn đã nỗ lực hướng dẫn các học sinh trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, gọi tắt là STEM, tại một câu lạc bộ ngoài giờ do thầy thành lập.
Hiện, Ben cũng đang xây dựng phòng thí nghiệm chế tạo robot tại một trường trung học địa phương tạo cơ hội cho học sinh được tiếp cận với ngành robot trong tương lai.
“Ben đã trang bị cho học sinh kiến thức công nghệ, sự phát triển linh hoạt và toàn diện để có thể cạnh tranh trong thế kỷ 21”, đại diện tổ chức trao giải Milken Educator Awards nhận xét.
Tốt nghiệp Đại học Dartmouth với hướng đi ban đầu là trở thành bác sĩ, nhưng Ben Nguyễn quyết định tham gia Teach for America - tổ chức tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đại học và đưa họ vào những lớp học khó khăn nhất.
Anh được xếp vào Sunrise Mountain - trường trung học từng được coi là có thành tích thấp nhất trong tiểu bang Nevada với tỷ lệ tốt nghiệp năm 2012 chỉ 36%, nhưng năm nay đã tăng lên thành 93%. Tại đây, Ben dạy STEM và robot.
Kể từ khi làm việc ở Sunrise Mountain cách đây 6 năm, thầy Ben đã đầu tư hàng nghìn giờ và bỏ tiền phát triển câu lạc bộ robot nhỏ sau giờ học thành chương trình robot lớn mạnh.
Nỗ lực của Ben thu hút sự chú ý của Lowell Milken, đồng sáng lập và Chủ tịch Quỹ Gia đình Milken (Milken Family Foundation), khiến ông quyết định trao giải Milken Educator Awards cho anh.
Với giải thưởng 25.000 USD và không phải chịu ràng buộc khi sử dụng, Ben Nguyễn dự định dùng để đầu tư cho chương trình robot, tổ chức ăn uống cùng học sinh và ủng hộ cho một số học sinh khó khăn.