Những người Mỹ túng quẫn vì Covid-19

Brittany Brook mất việc vì Covid-19 ngày 16/3. Hai ngày sau, chồng cô cũng thất nghiệp, trong khi đống hóa đơn sắp đến hạn thanh toán.
Lao đao vì Covid-19, CEO Vietnam Airlines viết tâm thư gửi người lao động Quảng Nam: Các trường hợp về từ Bệnh viện Bạch Mai có kết quả âm tính với SARS-CoV-2

Hai vợ chồng Brook sống ở New York. Cô là nghệ sĩ dạy âm nhạc trong một trường mầm non, còn chồng, Whitfield, làm bồi bàn và diễn viên. Giống hàng triệu người Mỹ thuộc mọi tầng lớp xã hội khác, cuộc sống của họ bị đảo lộn bởi Covid-19, khi các hóa đơn đã tới kỳ thanh toán.

Việc họ phải lựa chọn trả hóa đơn nào trước phần nào cho thấy bức tranh rõ ràng hơn về thiệt hại kinh tế do Covid-19 gây ra ở một quốc gia thiếu mạng lưới an sinh xã hội toàn diện và là nơi nhiều người lao động ít có khoản dành dụm đề phòng bất trắc.

"Lần đầu tiên từ khi lấy nhau tới giờ, chúng tôi phải từ chối thanh toán số dư thẻ tín dụng, chỉ trả số tối thiểu và xin miễn lãi suất", người phụ nữ 31 tuổi nói.

nhung nguoi my tung quan vi covid 19
Người tới Sở Lao động ở New York phải quay về do cơ quan đóng cửa vì lo ngại lây lan nCoV hôm 18/3. Ảnh: AP.

Hai vợ chồng đã nộp đơn xin trả chậm và miễn trừ nợ vay thời sinh viên. "Chúng tôi định trả hóa đơn tiền điện và những thứ cần thiết, nhưng không thể trả tiền thuê nhà bởi nếu trả, chúng tôi sẽ hết sạch tiền tiết kiệm và quỹ dự phòng khẩn cấp chỉ trong vài tháng", Brook cho hay. Cô và chồng, 33 tuổi, sống trong căn hộ một phòng ngủ có giá thuê 1.690 USD một tháng.

Theo Amherst, một công ty đầu tư và phân tích bất động sản, 26% người thuê nhà ở Mỹ có thể cần giúp đỡ trong hoàn cảnh này để thanh toán hóa đơn thuê nhà, với tổng tiền thuê khoảng 12 tỷ USD một tháng.

Gói viện trợ 2,2 nghìn tỷ USD của chính phủ liên bang sẽ giúp xoa dịu nỗi đau kinh tế, nhưng tờ séc 1.200 USD được hứa hẹn chuyển tới tay từng người Mỹ trưởng thành, cũng như 500 USD cho mỗi trẻ em, phải tới nửa cuối tháng 4 mới đến nơi. Còn chương trình mới mà chính phủ đưa ra nhằm miễn lãi suất cho doanh nghiệp vay tiền để trả lương lao động sẽ chỉ bắt đầu nhận đơn đăng ký vào cuối tuần này.

Mỹ ghi nhận con số kỷ lục 3,3 triệu người nộp đơn xin thất nghiệp trong tuần cuối tháng ba, khi hàng nghìn doanh nghiệp lớn nhỏ buộc phải đóng cửa vì Covid-19.

Tammy Devitoe bị nhà hàng ở Albany, New York, cho nghỉ việc hôm 12/3. Khoản trợ cấp thất nghiệp hàng tuần khoảng 250-300 USD mà cô dự kiến nhận được sẽ không đủ trả tiền điện thoại, điện, truyền hình cáp, thuê nhà và vay mua xe.

Devitoe đành gạt sĩ diện, mở trang kêu gọi quyên góp trên nền tảng trực tuyến GoFundMe và nhận được 2.240 USD tới sáng ngày 31/3.

"Tôi không quen xin xỏ người khác", người mẹ 39 tuổi đã ly hôn nói. "Tôi đang âm 350 USD trong tài khoản. Tôi chưa từng lập kế hoạch dự phòng. Tôi không đủ khả năng chi trả".

"Tôi sẽ tiếp tục cầu nguyện và xin tiền", Davitoe bày tỏ.

Giữa làn sóng người lao động mất việc, đầu tháng 4, các công ty cho thuê nhà đang đối mặt với làn sóng chậm thanh toán. Một số nơi đã hoãn thu tiền thuê nhà, trong khi một số người bắt đầu kêu gọi "đóng băng tiền thuê nhà" trên mạng xã hội.

Cynthia Ryan, sống ở Dallas, cho hay được thông báo phải trả đủ tiền thuê nhà bất kể tình huống nào, bởi công ty quản lý nhà cho hay họ cũng phải đi vay tiền để trang trải.

Bruce McNeilage, nhà phát triển bất động sản ở đông nam nước Mỹ, cho biết sẵn lòng giúp đỡ người thuê như chỉ yêu cầu thanh toán 70% tiền trong hai hoặc ba tháng. Đó là tất cả những gì ông có thể làm, bởi "nếu họ không trả tiền, tôi sẽ mất nhà. Tôi đã thế chấp nhà để vay tiền".

McNeilage, đồng sáng lập Kinloch Partners, cho biết người thuê nhà của ông đa số là các giám đốc với mức lương 100.000-200.000 USD một năm, vậy mà một số người vẫn chật vật trả tiền thuê trong thời buổi này.

"Chúng tôi đã nhận 3-4 cuộc gọi trong 24 giờ qua, thông báo sẽ chậm trả tiền thuê nhà", ông nói. Đầu tháng 4, McNeilage cuối cùng cũng thu được tiền nhà, nhưng thấp hơn 10% so với bình thường.

Nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ cũng tuyên bố sẽ chỉ trả một nửa tiền thuê nhà, nếu không sẽ lâm vào cảnh khốn cùng. "Chúng tôi không thể thanh toán bất kỳ hóa đơn nào", Joe Toto, chủ sở hữu Groove Events, công ty tổ chức sự kiện ở New York, nói hôm 1/4. "Trong 30 năm qua, đây là lần đầu tiên chuyện này xảy ra".

Không có việc, không có nguồn thu, công ty của ông đứng trước nguy cơ sa thải toàn bộ nhân viên, khi không ai rõ khi nào cuộc sống trở lại bình thường. "Không người nào đặt lịch tổ chức sự kiện vào tháng 7, tháng 8, thậm chí tháng 9", Toto nói.

Nguồn: VNE
Phiên bản di động