Những người mang Tết đến… Paris

Cứ mỗi dịp Tết Nguyên đán, cộng đồng du học sinh Việt Nam tại Pháp lại rộn ràng chuẩn bị đón ngày lễ đặc biệt này. Không chỉ quây quần bên nhau ấm áp yêu thương, nhiều việc làm của họ còn thể hiện hồn quê, lan tỏa văn hóa Việt tới bạn bè thế giới.
nhung nguoi mang tet den paris

Trải nghiệm quý giá

Nguyễn Ngọc Hương (sinh năm 1994, ở Hà Nội) hiện đang sống và học tập tại Montpellier, Pháp - thành phố có rất đông sinh viên Việt Nam theo học. Dù không còn xa lạ với vùng đất mới nhưng cô gái trẻ vẫn “mít ướt” khi nghĩ đến khoảnh khắc Giao thừa, đón Tết cổ truyền tại đây. Nguyễn Ngọc Hương kể: “Khó có thể quên cái Tết đầu tiên của tôi trên đất Pháp. Vào thời khắc giao thừa, tôi vội gọi điện về cho gia đình để kịp chúc Tết ông bà, bố mẹ. Sau khi cúp máy, nước mắt cứ thế trào ra giàn giụa. Lúc ấy, tôi chỉ muốn được về ngay bên bố mẹ để ăn bữa cơm gia đình và hòa vào dòng người đi xem pháo hoa đêm Giao thừa”.

Năm nay, Hương cùng các bạn du học sinh Việt Nam tại thành phố này tập văn nghệ biểu diễn phục vụ cho đêm Gala văn nghệ chào mừng Tết Nguyên đán. “Thực hiện chương trình văn nghệ, chúng tôi tập trung hát, múa, biểu diễn các tiết mục nghệ thuật ca ngợi vẻ đẹp văn hóa và con người Việt Nam, nêu bật nét đặc trưng của ngày Tết Việt. Tất cả chúng tôi đều cố gắng luyện tập để có những bài múa đẹp, những tiết mục văn nghệ hay phục vụ khán giả. Tham gia cùng các bạn, tôi tìm thấy sự ấm cúng, tình cảm gắn bó yêu thương nhau của du học sinh, cộng đồng người Việt và cả hương vị ngày Tết quê hương”, Ngọc Hương kể.

Cũng như Nguyễn Ngọc Hương, năm nay là lần thứ hai, Ngô Thị Vân (sinh năm 1995), đón Tết Nguyên đán trên nước bạn. Vân đang học năm thứ nhất thạc sĩ tại Université Paul Valéry, Montpellier III, Pháp. Cô gái tâm sự, cảm giác nhớ gia đình, bạn bè luôn thường trực trong những ngày đầu tiên đặt chân đến nước Pháp. Hòa nhập vào cuộc sống mới, với những người bạn mới đã giúp cô nhanh chóng vượt qua khó khăn này. Du học là một trải nghiệm tuyệt vời, quý giá. Nó không chỉ giúp Vân mở mang kiến thức mà còn trưởng thành và tự lập hơn rất nhiều.

Ngô Thị Vân

Ngô Thị Vân

“Năm nay là năm thứ hai, tôi phải đón Tết xa nhà. Có chút buồn và cô đơn khi không thể cùng gia đình sum vầy nhưng thay vì buồn, tôi cùng những người bạn Việt, Pháp làm bánh chưng và những món ăn quê hương, tạo không khí Tết đầm ấm. Đây cũng là cơ hội cho chúng tôi chia sẻ nguồn gốc, sự độc đáo của Tết cổ truyền, cũng như nét văn hóa ẩm thực Việt Nam trên nước bạn”, Ngô Thị Vân cho biết.

Những “đại sứ” lan tỏa văn hóa

Hòa chung không khí rộn ràng đón Tết của các bạn du học sinh, Ngô Thị Vân càng thêm ý thức, phải hành động để đóng góp một phần nhỏ công sức của mình xây dựng đất nước Việt Nam thân yêu. Cô gái chia sẻ: “Với tôi, du học gắn liền với giao lưu văn hóa. Vì vậy, tôi luôn giữ tinh thần cởi mở, tiếp thu những điều hay, văn minh và tiến bộ ở đất nước bạn. Tôi nghĩ rằng, không chỉ riêng bản thân mình mà rất nhiều bạn sinh viên khác đã và đang không ngừng trau dồi, học tập, tích lũy kiến thức đảm bảo được cuộc sống chất lượng hơn. Chính những điều cơ bản như vậy sẽ đóng góp vào việc xây dựng đất nước Việt Nam ngày một phát triển”.

Bạn trẻ Lê Đại Dương, từng là sinh viên trường Đại học Giao thông vận tải Hà Nội. Đến nay, cậu đã có “thâm niên” 2 năm sinh sống và học tập tại Pháp. Dương cho biết, ở Paris, người Việt khá đông và thân thiết với nhau. Mỗi độ Tết đến, xuân về cộng đồng người Việt tại đây lại tụ họp đông vui. Người chưa biết gói bánh chưng thì học gói, ai gói giỏi rồi thì tham gia cuộc thi gói bánh chưng.

Lê Đại Dương

Lê Đại Dương

Chàng trai kể, Tết năm 2018, cậu đón Giao thừa cùng đoàn tiếp viên của Vietnam Arilines. Tuy cảm thấy chút hụt hẫng khi không có không khí tấp nập, nhộn nhịp chuẩn bị Tết nhưng tình cảm của cộng đồng người Việt lúc nào cũng vô cùng ấm áp, yêu thương khiến chàng trai cảm thấy bớt trống trải.

“Ở Hà Nội, đêm Giao thừa, tôi thường ra bờ hồ Hoàn Kiếm xem bắn pháo hoa rồi gọi điện về cho gia đình khoe rằng, pháo hoa rất đẹp. Tuy nhiên, tại Pháp thì khác. Ở một đất nước lạ lẫm, đón cái Tết đầu tiên xa nhà và một mình, cảm giác khó tả lắm. Mặc dù có buồn, tủi thân nhưng cũng qua nhanh, vì mình luôn nghĩ đó là động lực cố gắng để mở mang hiểu biết. Mình cũng phải “đánh đổi” một thứ gì đó là điều bình thường”, Dương bày tỏ.

Không chỉ với Lê Đại Dương, các bạn du học sinh Việt Nam tại Pháp cũng chung một nỗi niềm nhớ nhung đất mẹ. Dịp Tết này, họ cùng ngồi lại bên nhau, mỗi người góp một chút công sức để làm nên bữa tiệc đặc biệt trong thời khắc chuyển giao sang năm mới. Những chiếc bánh chưng tự gói, những bông mai, đào rực rỡ được làm bằng giấy màu, các tiết mục văn nghệ đặc sắc, đáng yêu và đậm chất sinh viên… góp phần làm nên cái Tết xa nhà của các bạn du học sinh ấm áp hơn.

Họ cũng chính là những “đại sứ” lan tỏa nét văn hóa độc đáo, đặc biệt, hấp dẫn ấy của quê hương Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

LÊ DUNG
Phiên bản di động