"Những người khốn khổ" cạnh dự án Nhà máy nước 1.000 tỷ nằm trên giấy
Những ngôi nhà tại thôn Quan Nam 1 được người dân khóa cửa sau Tết để đi nơi khác sống tạm vì chưa được đền bù thỏa đáng (Ảnh: V.Q) |
Sáng 3/2, phóng viên Báo Tuổi trẻ thủ đô trở lại vùng quy hoạch xây dựng dự án Nhà máy nước Hòa Liên đóng tại liên thôn Quan Nam 1 và Quan Nam 3 (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Một không khí ảm đạm, đìu hiu, vắng bóng người dân vẫn tái diễn suốt hơn một thập kỷ qua.
"Ai đi được thì đi"
Vẫn là khung cảnh hoang tàn, cỏ dại mọc um tùm quanh những thửa ruộng đã được đền bù cách đây ngót 15 năm trời. Đi dọc con đường bê tông dẫn từ đường tránh Nam Hải Vân qua tỉnh lộ 601, phóng viên chứng kiến hàng chục ngôi nhà hoang không nóc, một phần bị đập bỏ giữa chừng. Phần khác thì được lực lượng chức năng tháo dỡ, san bằng để lấy mặt bằng chờ thi công dự án.
Đứng thở dài trước căn nhà cấp bốn đã rỉ sắt toàn bộ mái tôn lợp lại cách đây 7 năm, anh Nguyễn Tuân (ngụ tổ 5, thôn Quan Nam 1) không nhớ bao nhiêu lần cán bộ xã lên xuống như cơm bữa để vận động bà con nhận tiền đền bù, bàn giao đất, nhà cửa cho nhà nước.
Ông Cả thở dài bên diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi để làm nhà máy nước Hòa Liên đang nằm trên giấy (Ảnh: V.Q) |
"Hộ xuống vận động gia đình ký, nhận tiền và đất rồi di dời. 5 lần 7 lượt nhưng đến nay đã hơn 11 năm rồi, gia đình chúng tôi vẫn bám trụ với nhà cửa, đất đai của ông bà. Họ đền có vài trăm nghìn/ m2 thì gia đình biết đi đâu mà dựng nhà, kiếm việc làm. Cả căn nhà, hơn 300 m2 đất có bìa đỏ mà đền bù có vài trăm triệu đồng thì làm chi được. Dựng cái móng nhà đã hết tiền rồi chứ đừng nói gì đến xây nhà,..." - anh Tuân vừa nói vừa chỉ tay ra thửa ruộng đã được đền bù 24 triệu đồng bị cỏ mọc um tùm.
Con cái đi học khó khăn vì kinh phí đã cạn kiệt. Nghề sửa điện ít thầu kêu, ới càng khiến anh Tuân nhàn rỗi, nên ở nhà quanh quẩn với chậu mai kiểng, sào rau dại.
Trước đây, thông tin ít, mạng xã hội không mạnh như bây giờ nên người dân thấy việc đền bù, nhận đất để tái định cư được vài trăm triệu nên chỉ việc ký nhận dễ dàng rồi dọn trất đến nơi khác, mặc những người ở lại chờ hỗ trợ để kiếm "chút đỉnh". Ai ngờ, nay dự án vẫn tiếp tục bị treo, nằm... trên giấy khiến mảnh đất ông bà, ngôi nhà từng gắn bó bao năm nay lại nằm ngổn ngang, hiu quạnh cạnh những ngôi nhà được người dân quen gọi là "nhà không nóc", "nhà ma". Ở đây, ai đi được thì đi vì có số đã nhận tiền, đất tái định cư rồi.
Tiền đền bù đã xài hết từ lâu
21 trường hợp như của ông Cả, anh Tuân, bà Chín, ông Cư... vẫn cố bám trụ, quyết chưa nhận đầy đủ tiền đền bù vì cho rằng đền bù chưa thỏa đáng có lẽ đã làm khu vực này trở nên có tiếng người. Đứng trước ngôi nhà không nóc của gia đình cư ngụ đã hơn 30 năm qua, ông Cả (ngụ tổ 5, Quan Nam 1) vừa kể vừa tức khi nói về cách đền bù, kiểm kê của chính quyền huyện Hòa Vang.
"Cả ngôi nhà, mảnh đất ở lẫn vườn nhà mà họ đền bù chưa đến 300 triệu. Gia đình ký nhận tiền đền bù thì hay tin đơn vị kiểm kê không bồi thường hạng mục móng nhà khiến ai cũng ngã ngửa. Giờ, cả nhà phải ở tạm cạnh ngôi nhà không nóc vì đã được tháo dỡ phần mái trước đó. Do phần móng chưa được đền bù nên gia đình chưa cho tháo dỡ hết để bàn giao mặt bằng. Ở quê mà người dân rơi vào cảnh như thế thì cuộc sống biết khi nào khá nỗi" - ông Cả lắc đầu ngao ngán.
Nhiều ngôi nhà không nóc bị tháo dỡ một phần do chưa được đền bù đầy đủ (Ảnh: V.Q) |
Nhìn về đám rau cải vừa được tưới vài gàu nước, ông Cả lại than: "Người dân nay biết đi đâu. Ngoài kia, đất gia đình bị thu hồi làm khu tái định cư. Đất gần núi lại bị thu hồi làm dự án Khu Công nghệ cao... Còn đây, đất ở cũng bị kiểm kê, đền bù, giải tỏa làm nhà máy nước gì đó. Nhưng đến giờ, nhà máy không thấy đâu mà chỉ thấy dân sống lay lắt và chưa biết đi về đâu".
Số nhà dân đã đề bù được chính quyền san bằng, lấy mặt bằng (Ảnh: V.Q) |
Làm cái nhà ít nhất phải tốn 700 triệu đồng. Nếu nhận tiền, người dân lấy đâu kinh phí còn lại mà làm, chưa kể dành vốn làm ăn lâu dài lẫn nuôi con cái. "Cái móng nhà làm nên đã tốn 200 triệu đồng. Nếu nhận vài trăm triệu đồng tiền đền bù về làm thì coi như mất trắng. Nay, tiền đi chợ mua cá cũng đã cạn. Vật dụng sinh hoạt, nhà cửa không dám mua mới, sửa chữa vì đất, nhà nằm trong dự án là điều khiến dân khổ nhất. Sau cái Tết Canh Tý, bà con lại tranh thủ khai hoang thửa đất để trồng rau cải, làm vài hàng đậu tay để sống qua ngày mà thôi" - ông Cả nói.
Hỏi thêm vài câu, ông Cả nói: "dừng..." vì cho rằng nhắc lại chuyện này thì luôn thấy đau đầu, bực mình chứ đâu được thêm gì nữa.
Trước đây, cánh đồng ruộng ruộng Quan Nam rộng cả chục hecta xanh thăm thẳm bất ngờ được nhà nước thu hồi, đền bù chỉ 20 - 30 triệu đồng/ sào. Thấy tiền nhiều, người dân lại "đua nhau" ký nhận rồi nay lại rơi vào cảnh đi mua gạo. Người dân vùng thôn quê Quan Nam 1 đã quen với cảnh sống cạnh bờ ruộng, đất màu mà phải đi mua từng bó rau, cân gạo, cân khoai lang.
Trả tiền đề bù như... trả cá
Ban đầu, nhiều hộ dân cho rằng việc đền bù đã thỏa đáng nên ký nhận rồi chuyển ra các khu dân cư nằm gần đường Nguyễn Tất Thành mở rộng để an cư. Nay, người dân lại tiếc đứt ruột vì giá đất lên, phần tiền đền bù đã hết, cộng công ăn việc làm lại bấp bênh.
Dở hàng chục các loại giấy tờ kiểm kê, đền bù cất dồn trong tủ gỗ đã hơn 10 năm nay, anh Tuân kể: "Họ trả đền bù mà như trả cá ngoài chợ. Mỗi năm, họ lại đến kêu gọi mọi người nhận tiền. Mỗi lần, giá đền bù không thay đổi nhưng lại có thêm phần hỗ trợ để dân an tâm đi. Có lúc, tiền hỗ trợ từ vài triệu lên vài chục triệu đồng. Số tiền đó nếu nhận thì thấm vào đâu khi mang đi làm nhà ở. Nói thiệt, bà con chúng tôi đã ở quen nên mới quyết không nhận, trừ khi họ đền bù thỏa đáng. Ai cũng nghĩ chúng tôi ham tiền nên trụ lại. Không phải, bà con ở vì chỉ muốn an cư lâu dài, chứ rời đi rồi tiền đâu mà tiếp tục cuộc sống mới".
Người dân đã quá quen với cảnh đìu hiu khi đi qua con đường bê tông có những ngôi nhà bị đập bỏ dở dang (Ảnh: V.Q) |
Hàng chục ngôi nhà nằm thọt thỏm giữa thôn Quan Nam 1, Quan Nam 3 giờ đây đang trở thành những ngôi nhà hoang không người ở vì dự án treo. Bà con đã quen và vẫn ở đây để sinh sống với mảnh vườn nhỏ, thửa rau vốn gắn bó bao lâu nay. Dự án khi nào thi công thì người dân không quan tâm. Điều quan tâm là cuộc sống người dân sau này sẽ ra sao khi quá trình đền bù, giải tỏa vẫn chưa thỏa đáng cho dân ngót hơn một thập kỷ.
Tiếp tục vận động người dân
Qua trao đổi, ông Ngô Thành Tâm, Phó Chủ tịch xã Hòa Liên, thông tin: "Xã Hòa Liên có 200 hồ sơ được lập liên quan đến dự án thi công nhà máy nước Hòa Liên. Địa điểm thực hiện quá trình kiểm kê, đền bù dự án là tại khu vực liên thôn Quan Nam 1, Quan Nam 3. Đến nay, Ban Giải phóng mặt bằng huyện Hòa Vang đã giải quyết được 179 hồ sơ đền bù, tái định cư. Số hồ sơ chưa được giải quyết do người dân chưa đồng ý là 21. Trong đó, có 7 hồ sơ nằm trong diện tích thi công dự án; 14 hồ sơ nằm trong vùng dự trù trong công tác đền bù".
Theo ông Tâm, quá trình kiểm kê, đền bù và giải tỏa dự án trên đã được thực hiện từ lâu. Hiện, việc thi công dự án có thể được triển khai nếu được đồng ý. Đối với số hồ sơ chưa được giải quyết xong, chính quyền xã đang phối hợp với huyện Hòa Vang nhằm tiếp tục vận đồng người dân nhận tiền, bàn giao mặt bằng trong thời gian đến.
Người dân khóa cửa để sang nơi khác định cư vì chưa được đền bù thỏa đáng (Ảnh: V.Q) |
Theo kế hoạch, dự án sẽ được triển khai thi công tại khu vực xã Hòa Liên, gần trục đường Nam Hải Vân - ĐT 601 vào cuối năm 2019. Tuy nhiên, kết quả đầu thầu gói thầu EPC (thực hiện thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng) công trình nhà máy nước Hòa Liên vừa qua đã bất ngờ bị hủy.
Dự án nhà máy nước Hòa Liên có công suất 120.000 m3/ngày đã được phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu và tiến hành xong việc tổ chức đấu thầu. Dự án được chính quyền TP Đà Nẵng phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2018. Đến năm 2019, dự án trên được UBND TP Đà Nẵng ban hành quyết định phê duyệt đầu tư với nguồn vốn từ ngân sách TP (khoảng hơn 1.000 tỷ đồng) và được phân loại là dự án đầu tư phát triển.
Theo đại diện Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP Đà Nẵng (đơn vị mời thầu của gói thầu EPC), nguyên nhân kết quả đấu thầu bị hủy là do tất cả các hồ sơ dự thầu không đáp ứng được các yêu cầu của hồ sơ mời thầu.