Những đứa trẻ Nhật bị "bỏ quên" vì quan niệm nuôi con tự lập
Công viên Nhật Bản treo biển hạn chế người Việt Vì sao giới trẻ Nhật từ bỏ phong cách Harajuku, chọn Uniqlo tối giản 8 điều du khách cần biết trước khi đến Nhật Bản |
Ở Nhật Bản, trẻ con tự lập từ rất sớm. |
Một bà mẹ khoảng 30 tuổi ở khu vực Kanto, Nhật Bản đối xử với một cậu bé rất chu đáo vì nghĩ đó là bạn của con mình.
Cậu bé thường xuyên tới nhà chị chơi, gần như là mỗi ngày ngay cả khi con trai chị không có nhà. Cậu cũng thường xuyên ăn tối với gia đình, thậm chí ngủ lại qua đêm. Nhưng đến một ngày, chị ngỡ ngàng khi con trai nói cậu bé không hề quen biết cậu bạn kia.
Hiện tượng này đang ngày một phổ biến ở Nhật Bản, khi những đứa trẻ hàng xóm thích dành nhiều thời gian ở nhà người khác, kể cả là những người quen biết và người lạ. Hoặc chúng sẽ một mình lang thang ngoài đường khi bị bố mẹ bỏ bê, không có thời gian chăm sóc hay vắng nhà. Những ông bố bà mẹ này quá tập trung vào công việc thay vì dành thời gian cho con cái, hoặc có thể đơn giản là họ thờ ơ với con.
Người Nhật gọi những đứa trẻ này là ‘hochigo’ (có nghĩa là những đứa trẻ đơn độc). Từ vựng này xuất hiện từ khoảng năm 2010.
Mặc dù không có con số chính xác nào xác định tình trạng của hiện tượng ‘hochigo’, nhưng các bậc cha mẹ Nhật Bản đang phản ánh tình trạng này trên các trang mạng xã hội. Họ cũng chỉ trích những bậc cha mẹ vô tâm, để con cái lợi dụng lòng tốt của người khác, thậm chí còn cố tình tìm cách khiến con cái phải ra khỏi nhà.
Các chuyên gia chỉ ra rằng cần xây dựng một mạng lưới an toàn để hỗ trợ những đứa trẻ cũng như bố mẹ chúng. Nhưng vấn đề trở nên phức tạp hơn khi các bậc phụ huynh này không ý thức được việc họ đang bỏ bê con cái, mà chỉ cho rằng mình đang cho chúng sự tự do.
Nhiều ông bố bà mẹ nghĩ rằng họ đang dạy con sống tự lập. |
Nhật Bản vốn được coi là một đất nước an toàn, nơi mà trẻ con được cho tự lập từ khi còn rất nhỏ. Chính vì thế, người Nhật Bản vốn chấp nhận sự tự lập ở trẻ ở mức độ cao hơn những quốc gia khác.
Chẳng hạn như học sinh lớp 1 ở nước này tự đi bộ hoặc đi tàu một mình đi học là rất phổ biến - chuyện hiếm khi thấy ở những nơi khác.
Bà mẹ giấu tên được nhắc đến ở phần đầu bài viết bắt đầu thấy vị khách lạ mặt tới nhà thường xuyên khi cậu con trai học lớp 1 của cô đưa một người bạn cùng lớp về nhà. Khi cậu bé kia đứng phía sau con trai và bạn cậu bé, chị đã tưởng rằng chúng là bạn của nhau, mặc dù cậu bé trông có vẻ lớn hơn một chút.
Lần nào, cô cũng mời cậu bé vào nhà và phục vụ đồ ăn vặt. Nhưng rồi cậu bé tới thường xuyên hơn, thậm chí còn tự lấy đồ ăn trong tủ lạnh mà không xin phép. Cậu bé cứ lang thang chơi trong nhà mà không hề có ý định về khi đã muộn.
Sau khi có chút nghi ngờ, cô đã hỏi con trai và vô cùng ngạc nhiên khi cậu bé trả lời không hề biết cậu bé kia.
‘Thằng bé hoàn toàn là người lạ. Con trai tôi nói nó không quen thằng bé một chút nào’ - chị chia sẻ.
Sau khi tham khảo ý kiến giáo viên của con trai, chị biết rằng cậu bé kia là học sinh lớp 3 của trường.
Sau lần ấy, cậu bé không còn ghé qua nhà chị nữa nhưng chị vẫn thấy cậu thường xuyên lang thang bên ngoài.
Môi trường sống ở Nhật Bản vẫn được đánh giá là khá an toàn nhưng gần đây đã xảy ra những vụ việc đau lòng khi có sự tham gia của Internet.
Mới đây, một bé gái 12 tuổi ở Osaka bị bắt cóc và giam cầm bởi một người đàn ông quen biết qua mạng xã hội. Ông ta gặp và đưa cô bé về nhà mình cách đó hơn 400 km.
Khoảng 1 tuần sau, cô bé trốn thoát được và cho biết còn một bé gái 15 tuổi đang bị giam giữ ở đó đã được 6 tháng.
Theo Bộ Giáo dục Nhật Bản, tính đến năm 2018, đã có ít nhất 700 nhóm trên cả nước tổ chức các hội thảo dành cho phụ huynh chia sẻ thông tin về việc nuôi dạy con cái, cũng như tăng cường nhận thức về tình trạng bỏ bê con cái. Các chuyên gia cho biết, có một vài nhóm còn về tận nhà để tư vấn cho những trường hợp gặp khó khăn.
Ông Noa Fukaya, Phó Giáo sư tại ĐH Shoin - một chuyên gia về trẻ em cho rằng, một số cha mẹ không có hiểu biết đầy đủ về việc nuôi dạy con cái.
Có nhiều nguyên nhân khác nhau như cha mẹ quá bận rộn với công việc, không có sự hỗ trợ từ ông bà. Những đứa trẻ ‘hochigo’ thường cảm thấy cô đơn, và dễ có nguy cơ phạm pháp, trốn học và nhiều vấn đề khác.