Nhiều tuyến đường ở Thanh Hóa bị sạt lở do mưa lũ
Theo thống kê của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa, đến chiều tối 23/7, nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh xảy ra sạt taluy dương, đá lăn... với khối lượng khoảng 6.350m3.
Đường giao thông từ xã Pù Nhi đi xã Mường Chanh (huyện Mường Lát) bị sạt lở (Ảnh: LH) |
Theo đó, tại các tuyến Quốc lộ ủy thác gồm Quốc lộ 15C, 16, 217, 47, 15… bị sạt taluy dương, đá lăn tại 50 vị trí với khối lượng khoảng 1.700m3; sa bồi mặt đường, rãnh, cống tại 49 vị trí với khối lượng khoảng 790m3; sạt lở taluy âm tại 3 vị trí với chiều dài 40m…
Tại các tuyến đường tỉnh như ĐT.512D, ĐT.521E, ĐT.530, ĐT.521D... bị sạt taluy dương tại 52 vị trí với khối lượng khoảng 4.650m3. Trong đó tuyến đường Pù Nhi - Mường Chanh (huyện Mường Lát) có 24 vị trí bị sạt taluy dương; vị trí Km8+150 gây tắc đường và vị trí Km9+745 chỉ xe máy đi được đều thuộc địa phận xã Pù Nhi, huyện Mường Lát. Ngoài ra, nhiều tuyến đường bị sa bồi mặt đường, rãnh, cống; xói lở hạ lưu cống, xói lở lề đường, mang cống.
Mưa lũ cũng làm cho 8 nhà dân ở các huyện Mường lát, Quan Sơn, Quan Hóa bị ảnh hưởng, hư hỏng; Nhà văn hóa bản Xộp Huối (xã Na Mèo, huyện Quan Sơn) bị sạt lở ta luy âm sát nền nhà; bản Sa Ná (xã Na Mèo, huyện Quan Sơn) bị sạt lở 20m kè; phía sau Nhà văn hóa bản Chiềng Căm (xã Hiền Kiệt, huyện Quan Hóa) bị sạt lở taluy với khoảng 100m3 đất đá…
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã và đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các biện pháp để sớm khắc phục thiệt hại do mưa lớn gây ra, đặc biệt là đã huy động lực lượng giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại dọn dẹp, tu sửa nhà bị hư hỏng.
Cũng trong ngày 23/7, ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, đã đi kiểm tra thực tế một số công trình trọng điểm phòng, chống thiên tai trên địa bàn các huyện Thường Xuân và Như Thanh.
Ông Giang cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương chủ động thông tin, tuyên truyền, cảnh báo điểm xung yếu; thực hiện nghiêm túc kế hoạch, nhiệm vụ, phương án phòng, chống thiên tai, lụt bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2024.
Đồng thời, các địa phương phải bố trí lực lượng theo phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng đối phó với diễn biến bất thường của mưa bão, lũ gây ra; không được chủ quan, lơ là trước mọi tình huống; thường xuyên kiểm tra mức độ an toàn của các công trình trọng yếu trong mùa mưa bão.