Nhiều đơn vị thuộc Bộ Xây dựng sử dụng lao động "sai" vị trí

Theo Thông báo Kết luận thanh tra của Bộ Nội vụ, chỉ riêng Thanh tra Bộ Xây dựng đã sử dụng sai 101 lao động hợp đồng để thực hiện công tác chuyên môn nghiệp vụ.
nhieu don vi thuoc bo xay dung su dung lao dong sai vi tri

Theo Thông báo kết luận thanh tra số 709/TB-TTBNV về việc quản lý biên chế, công chức, số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập; tuyển dụng công chức, viên chức; nâng bậc lương trước thời hạn; bổ nhiệm công chức, viên chức lãnh đạo quản lý; số lượng cấp phó và việc ký hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn nghiệp vụ của Bộ Xây dựng... đã có nhiều sai sót.

Cụ thể qua quá trình thanh tra, Thanh tra Bộ Nội vụ chỉ ra tại 8 cơ quan đơn vị hành chính thuộc trực thuộc Bộ Xây dựng sử dụng 196 lao động hợp đồng làm công tác chuyên môn nghiệp vụ; một số cơ quan, đơn vị hành chính trưng tập viên chức làm việc ở vị trí của công chức.

Trong đó: Thanh tra Bộ Xây dựng đang sử dụng 101 LĐHD để làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ. Khối Văn phòng Bộ 28 người; Cục Giám định nhà nước và chất lượng công trình 12 người; Cục Hạ tầng kỹ thuật 20 người; Cục phát triển đô thị 13 người; Cục Quản lý hoạt động xây dựng 11 người; Cục Công tác phía Nam 6 người; Cục Kinh tế xây dựng 5 người.

Thanh tra Bộ Nội vụ kiến nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng biên chế công chức, bổ nhiệm công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý, số lượng cấp phó.

Chấm dứt việc ký hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ và việc sử dụng viên chức làm việc theo vị trí việc làm của công chức tại các cơ quan hành chính.

Thanh tra Bộ Nội vụ cũng kiến nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng chỉ đạo thực hiện kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan để xảy ra những sai sót nêu trên để có hình thức xử lý phù hợp.

Trao đổi với PV về tính pháp lý của sự việc, luật sư Vi Văn Diện (Đoàn Luật sư Hà Nội - Giám đốc Công ty Luật Thiên Minh) cho biết: Theo Bộ luật Lao động, Hợp đồng lao động (HĐLĐ) được ký kết giữa người sử dụng lao động và người lao động ở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.

Theo Luật Cán bộ, công chức: Khái niệm cán bộ, công chức được định nghĩa khá rõ ràng và chỉ được tuyển dụng bằng hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển.

Theo Luật Viên chức: Viên chức được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc. Tương tự như tuyển dụng cán bộ, công chức, việc tuyển dụng viên chức cũng được thực hiện thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển.

Như vậy, trong cơ quan Nhà nước hoặc các đơn vị sự nghiệp công lập không có chế độ HĐLĐ làm công việc chuyên môn.

Vẫn theo Thông báo Kết luận Thanh tra này, Bộ Xây dựng hiện đang thừa 3 cấp phó tại 3 đơn vị là: Vụ Kế hoạch – Tài chính, Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản và Thanh tra Bộ. Mỗi đơn vị 1 người.

Thanh Thắng
Phiên bản di động