Nhếch nhác hàng rong, xe đẩy từ vỉa hè xuống lòng đường

Đây lại là thực trạng đang tái diễn ở nhiều tuyến phố trên địa bàn nội thành Hà Nội. Phần lớn người tham gia giao thông ở Thủ đô đang phải “nhường chỗ” cho rất nhiều xe đẩy, xe tải, gánh hàng rong lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Hệ luỵ thì... nhiều tuyến đường đã tắc… lại càng tắc.
Vỉa hè bị tái lấn chiếm, người đi bộ phải xuống lòng đường Người dân vẫn bán hàng dưới lòng đường, vỉa hè bất chấp Chỉ thị 17 của Hà Nội Xử lý nghiêm hành vi lấn chiếm lòng đường, hè phố để trông giữ phương tiện

Ở đâu đông thì bán ở đó

Sau một thời gian tạm lắng, gần đây, nhiều người tham gia giao thông tại Hà Nội bày tỏ sự bức xúc trước việc các xe bán hàng rong tràn vào nhiều tuyến phố nội đô để buôn bán, cản trở lối đi của các phương tiện trong khung giờ cao điểm.

Điển hình là trên đường Giải Phóng (thuộc địa phận quận Hai Bà Trưng, quận Hoàng Mai, quận Thanh Xuân). Bất cứ người tham gia giao thông qua đoạn đường này trong khung giờ nào cũng có thể nhìn thấy hàng chục chiếc xe máy, ô tô tải, gánh hàng rong ngang nhiên đỗ dưới lòng đường, án ngữ một phần vỉa hè. Đặc biệt, vào khung giờ cao điểm hằng ngày, đoạn đường có rất đông phương tiện tham gia thường xuyên bị ùn ứ bởi xe máy, ô tô tải, gánh hàng rong…

Người tranh thủ mua, kẻ tranh thủ bán. Còn người không có nhu cầu thì bấm còi inh ỏi vì bị cản trở lối đi khiến giao thông ở con đường lớn - Giải Phóng trở nên hỗn loạn, đặc cứng.

Nhếch nhác hàng rong, xe đẩy từ vỉa hè xuống lòng đường
Những sạp hàng này phục vụ các thượng đế "tranh thủ" từ sáng... đến tối

Tình trạng hàng rong lấn chiếm lòng, lề đường còn diễn ra phổ biến trên một số tuyến đường khác như: Trục đường Nguyễn Xiển - Nghiêm Xuân Yêm (hướng về Linh Đàm); trên đường Trần Phú (quận Hà Đông); trên đường Vũ Trọng Phụng, nhiều xe buôn bán cây cảnh cũng “bành trướng” dưới lòng đường, khiến sự lưu thông của các phương tiện trở nên khó khăn, đặc biệt tại nút giao Vũ Trọng Phụng - Ngụy Như Kon Tum…

Trong vai người mua hàng, PV đã trao đổi với một vài người bán hàng trên đường Giải Phóng. Chị H (có xe tải bán hoa quả được hơn 1 năm nay trên đường Giải Phóng) cho biết: “Từ sau khi dịch bệnh được kiểm soát, tôi cùng người em đầu tư một xe tải nhỏ để bán hoa quả ở đường Giải Phóng. Biết là vi phạm luật, nhưng đứng ở đường có nhiều phương tiện giao thông thì mới dễ bán hàng. Các phương tiện ùn tắc, phải di chuyển chậm thì người mua lại càng tranh thủ tạt ngang để mua sắm trên đường đi làm về”.

Cần lời giải bài toán “hàng rong”

Theo Luật sư Lê Minh Trường (Đoàn luật sư TP Hà Nội), việc xử lý vi phạm về việc bán hàng rong, bán hàng hoá nhỏ lẻ trên vỉa hè căn cứ theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ ngày 30/12/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Quy định cụ thể: Theo điểm a, Khoản 1, Nghị định 100/2019/NĐ-CP xử phạt các hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm như: Bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng (trừ các hành vi: Chiếm dụng dải phân cách giữa của đường đôi làm nơi: Bày, bán hàng hóa; để vật liệu xây dựng); Sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để: Họp chợ; kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày, bán hàng hóa; sửa chữa phương tiện, máy móc, thiết bị, rửa xe, đặt, treo biển hiệu, biến quảng cáo, xây, đặt bục bệ, làm mái che hoặc thực hiện các hoạt động khác gây cản trở giao thông; Bày, bán máy móc, thiết bị, vật tư, vật liệu xây dựng hoặc sản xuất, gia công hàng hóa trên lòng đường đô thị, hè phố;

Quy định là vậy, song theo nhiều người dân, mức xử phạt cho mỗi lần vi phạm… quá ít đối với lợi nhuận thu được của một trường vi phạm. Như vậy, rõ ràng là việc xử phạt chưa thực sự tạo được tính răn đe. Có thể, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến “căn bệnh” này “tái đi tái lại”.

Xe tải như một sạp hàng khổng lồ chình ình trên đoạn đường Giải Phóng
Xe tải như một sạp hàng khổng lồ chình ình trên đoạn đường Giải Phóng

Trong nhiều lần phóng viên phối hợp xử lý vi phạm giao thông với các đội CSGT, phòng CSGT Công an TP Hà Nội, các cán bộ, chiến sĩ cũng thừa nhận, tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để bán hàng rong đã cản trở việc lưu thông của người dân và sự điều tiết giao thông của lực lượng chức năng.

Thực tế, do được phân công chức năng nhiệm vụ, nên khi có sự cản trở đến lưu thông của người dân, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn thì lực lượng CSGT cũng đã phối hợp với lực lượng CSGT trật tự công an quận, phường sở tại xử lý nhiều trường hợp vi phạm. Thế nhưng, thực trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè vẫn tồn tại, như thách thức pháp luật. Điều này đủ thấy rằng, việc xử lý vi phạm, đẩy đuổi các trường hợp lấn chiếm chỉ như muối bỏ biển.

Được biết, ngày 15/1/2009, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 46/2009/QĐ-UBND về việc ban hành quy định về quản lý hoạt động bán hàng rong trên địa bàn. Theo đó, người bán hàng rong bị cấm kinh doanh ở một số khu vực. Quyết định cũng đề cập trách nhiệm của UBND các phường, xã, thị trấn là phải có sổ theo dõi người bán hàng rong trên địa bàn quản lý (bao gồm người bán hàng rong cư trú trên địa bàn và người bán hàng rong ở nơi khác thường xuyên đến địa bàn quản lý hoạt động thương mại) và tình hình hoạt động, chấp hành quy định của đối tượng này.

Nhếch nhác hàng rong, xe đẩy từ vỉa hè xuống lòng đường
Không khó để bắt gặp hình ảnh "cửa hàng di động" nửa gác vỉa hè, nửa chiếm lòng đường ở đoạn đường Giải Phóng

Bên cạnh đó, chính quyền cấp cơ sở phải tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách và quy định pháp luật có liên quan về quản lý người bán hàng rong tới đối tượng trực tiếp thực hiện, cán bộ quản lý và toàn thể nhân dân trên địa bàn; Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý, các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và trách nhiệm trong việc quản lý người bán hàng rong trên địa bàn.

UBND các phường, xã, thị trấn phải thông báo công khai, rộng rãi các khu vực, tuyến đường, địa điểm cấm hoặc cho phép người bán hàng rong thực hiện các hoạt động thương mại thông qua các phương tiện như đài phát thanh, dán các quy định về bán hàng rong tại nơi công cộng để người bán được biết và thực hiện đúng quy định, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của người bán hàng rong theo thẩm quyền…

Mặc dù đã có quy định, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng, nhưng việc thực hiện bị hầu hết chính quyền địa phương bỏ ngỏ, dẫn tới tình trạng hàng rong lấn chiếm lòng, lề đường vẫn diễn ra, thậm chí có chiều hướng gia tăng.

Vẫn biết, việc quản lý bán hàng rong, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để bán hàng là “một bài toán khó”, nhưng nếu đã có quy định rõ ràng mà vẫn không có lực lượng nào chịu trách nhiệm chính thì bộ mặt đô thị Hà Nội đến khi nào mới “sạch, đẹp”?!

Hoa Thành
Phiên bản di động