Nhanh chóng xử lý dứt điểm vi phạm về trái phiếu để lấy lại niềm tin nhà đầu tư

Theo ý kiến của chuyên gia, cơ quan chức năng cần giải quyết nhanh chóng, dứt điểm và nghiêm minh những vi phạm về phát hành trái phiếu doanh nghiệp vừa qua để lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư.
FiinRatings: Có 67 doanh nghiệp chậm thanh toán nghĩa vụ nợ trái phiếu Công ty Cổ phần Đầu tư An Khải Hưng chậm thanh toán gần 178 tỷ đồng nợ gốc trái phiếu Công ty Cổ phần Galactic Group chậm trả 27,99 tỷ đồng tiền lãi trái phiếu

Theo TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, rủi ro lớn nhất với thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay là có một khối lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp sẽ đáo hạn trong giai đoạn 2023 - 2024 do sự phát triển bùng nổ của thị trường trong giai đoạn 2019 - 2021.

Ông Lực cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, khi lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn cao, tâm lý nhà đầu tư chưa ổn định trở lại sau các sai phạm, doanh nghiệp và nhà đầu tư chưa kịp thích ứng với các quy định pháp lý mới….

Nghị định 08 của Chính phủ mới được ban hành được xem là giải pháp tạm thời, giúp tháo gỡ các khó khăn trước mặt cho thị trường. Tuy nhiên, để thị trường có thể phát triển lành mạnh, cũng như hạn chế rủi ro, cần có các biện pháp dài hạn, vĩ mô để khắc phục các điểm yếu lớn như hành lang pháp lý và quy chế quản lý thị trường, hạ tầng thị trường (hệ thống giao dịch, công ty định hạng tín nhiệm...) cũng như nền tảng nhà đầu tư.

Nhanh chóng xử lý dứt điểm vi phạm về trái phiếu để lấy lại niềm tin nhà đầu tư
Vụ việc Tân Hoàng Minh đã làm mất niềm tin của nhà đầu tư.

Góp ý các giải pháp, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, cơ quan chức năng cần giải quyết nhanh chóng, dứt điểm và nghiêm minh những vi phạm về phát hành trái phiếu doanh nghiệp vừa qua để lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư.

Đồng thời, các cơ quan quản lý cần nhanh chóng cải cách thủ tục, điều kiện, rút gọn thời gian cấp phép phát hành để tạo điều kiện, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng. Đây sẽ là kênh gọi vốn quan trọng của doanh nghiệp (đặc biệt là cho những doanh nghiệp bất động sản cần vốn để đảo nợ) khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đang được kiểm soát chặt chẽ và dòng vốn tín dụng không dồi dào.

Vị chuyên gia cũng cho rằng cần có chính sách khuyến khích định hạng tín nhiệm, công bố thông tin định hạng tín nhiệm cho doanh nghiệp nói chung (không chỉ cho phát hành trái phiếu doanh nghiệp). Đồng thời, cần sớm xem xét cấp phép thêm 2 - 3 công ty định hạng tín nhiệm có đủ năng lực, khuyến khích cả xếp hạng tín nhiệm quốc tế…

Cùng với đó là hoàn thiện hạ tầng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp như thị trường thứ cấp tập trung, cơ sở dữ liệu về trái phiếu, về tài sản đảm bảo…. Việc xây dựng và phát triển các thị trường thứ cấp an toàn là nội dung cần sớm triển khai để tăng thanh khoản, thu hút thêm dòng vốn đầu tư từ trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng cần hoàn thiện cơ chế quản lý và giám sát thị trường, như cơ chế quản lý đối với trái phiếu sau phát hành như quản lý tài sản đảm bảo, giám sát dòng tiền, quản lý mục đích sử dụng vốn… tăng mức chế tài đối với các hành vi vi phạm.

Ngoài ra cũng cần cải thiện chất lượng nhà đầu tư cá nhân trên thị trường thông qua tăng cường giáo dục tài chính cho nhà đầu tư cá nhân,đồng thời đưa ra các chính sách khuyến khích phát triển nhà đầu tư tổ chức.

Cuối cùng, theo vị chuyên gia, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam là một cấu phần không thể tách rời của thị trường tài chính và bất động sản. Việc quản lý, định hướng phát triển cần được gắn chặt với hệ thống tài chính, việc áp dụng các quy chuẩn công bố thông tin, an toàn hệ thống... cần được giám sát chặt chẽ bởi cơ quan quản lý một cách phù hợp, với tư cách độc lập nhiều hơn.

Hậu Lộc
Phiên bản di động