Nhận diện tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa
Hà Nội: Phát sinh 45 dự án chậm triển khai sau giám sát Xác nhận tư cách đại biểu HĐND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026 |
Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng ban chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai; Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thế Cương chủ trì buổi tọa đàm.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại tọa đàm |
Phát biểu đề dẫn buổi tọa đàm, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai cho biết: Hà Nội tiếp tục xác định và khẳng định tiềm năng, lợi thế trong việc phát huy sức mạnh mềm văn hóa; Thúc đẩy phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa; Khơi dậy ý chí và khát vọng đổi mới sáng tạo, đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực quan trọng quyết định phát triển Thủ đô.
Chính vì vậy, Đảng bộ TP quyết định lựa chọn xây dựng Nghị quyết chuyên đề “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” làm bước đột phá trong phát triển văn hóa Thủ đô.
Theo Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai, qua nhiều nhiệm kỳ, Hà Nội đúc kết quan điểm “Văn hóa không chỉ là mục tiêu, động lực mà còn là sức mạnh nội sinh, nguồn lực quan trọng phát triển bền vững Thủ đô” trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa.
Hà Nội đã chủ trương ban hành nhiều chính sách tích cực nhằm thúc đẩy phát triển văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng như: Quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội đến 2020, định hướng đến 2030; Nghị quyết số 06-NQ/TU về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo; Đề án đánh giá, đề xuất các giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; Kế hoạch của UBND thành phố thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án phát triển Làng nghề truyền thống (Bát Tràng, Vạn Phúc…); Đề án hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020…
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thế Cương phát biểu tại tọa đàm |
Trong quá trình thực thi chính sách phát triển, Hà Nội luôn quan tâm, lắng nghe những ý tưởng, sáng kiến đóng góp để xây dựng, phát triển Thủ đô từ các chuyên gia trong nước và quốc tế thông qua việc tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm tham vấn; Tổ chức, phối hợp tổ chức thành công nhiều lễ hội, sự kiện quy mô lớn trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa sáng tạo; Phát triển các không gian sáng tạo văn hóa nghệ thuật cộng đồng đem lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân cả nước và bạn bè quốc tế… Cùng với đó là sự phát triển chủ động, mạnh mẽ về số lượng, từng bước nâng cao chất lượng của các mô hình không gian sáng tạo văn hóa, nghệ thuật của các doanh nghiệp, chuyên gia văn hóa sáng tạo...
Đặc biệt, tròn 20 năm sau khi đón nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” do UNESCO trao tặng, ngày 30/10/2019, thành phố Hà Nội tiếp tục được vinh danh (cùng 66 thành phố trên thế giới) là thành viên “Mạng lưới các thành phố sáng tạo” của UNESCO. Sự kiện này đã giúp xác lập mục tiêu phát triển văn hóa mới, truyền cảm hứng sáng tạo và định vị thương hiệu mới cho Hà Nội trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, theo Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội việc hiện thực hóa việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, còn nhiều khó khăn, thách thức: Từ vấn đề toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế; Bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0); Quá trình đô thị hoá nhanh… cho đến tình trạng vi phạm bản quyền ở nhiều lĩnh vực sáng tạo còn diễn ra; Thị trường văn hoá phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế…
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai phát biểu đề dẫn |
“Vì vậy, Thành ủy Hà Nội sẽ tổ chức các buổi Tọa đàm trên các lĩnh vực, cấp độ phù hợp có chủ đề “Phát triển công nghiệp văn hóa ở trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 - Thực trạng và giải pháp” với mong muốn nhận được sự đóng góp trí tuệ, sáng kiến tham vấn tâm huyết để xây dựng, phát triển Thủ đô của các chuyên gia trong nước và quốc tế, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các doanh nghiệp, văn nghệ sỹ, trí thức và cộng đồng sáng tạo đang hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trên 12 lĩnh vực được xác định trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Chính phủ”, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy nhấn mạnh.
Tại buổi tọa đàm, với những tâm huyết đóng góp cho văn hóa Thủ đô, các đại đã biểu tập trung cho ý kiến vào các nhóm vấn đề chính gồm: Nhận diện tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa; Nguồn lực kinh tế các ngành công nghiệp văn hóa có thể đóng góp vào tăng trưởng GRDP của Thủ đô; Những thuận lợi và khó khăn trong quá trình phát triển công nghiệp văn hóa hiện nay; Những sáng kiến tham vấn, gợi mở đề xuất với thành phố các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển…
Nhạc sĩ Quốc Trung - Giám đốc, Tổng đạo diễn Lễ hội Âm nhạc Quốc tế Gió mùa (Monsoon Music Festival) khẳng định, việc định nghĩa, đánh giá hiện trạng và tiềm năng là việc quan trọng đầu tiên trong xây dựng, quy hoạch, định hướng phát triển một nền công nghiệp văn hóa.
Quang cảnh tọa đàm |
Việc đánh giá này cần một cái nhìn khách quan, hiểu biết và liên kết đến các nền công nghiệp văn hóa phát triển khác. Thứ nữa, để lựa chọn phát huy nguồn lực, cần nhìn nhận và tiếp cận theo hướng tư duy thị trường, mà yếu tố để phát triển thị trường nằm ở sự cạnh tranh. Cạnh tranh lành mạnh để phát triển, cạnh tranh để phát huy sáng tạo. Bên cạnh đó cần có định hướng phát triển, quản lý không gian văn hoá, biểu tượng văn hoá của thành phố.
Còn theo ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Le Group of Companies, Chủ tịch CLB Doanh nhân Sáng tạo (VCE Club): Nhiệm vụ đầu tiên của phát triển công nhiệp văn hóa là phải xây dựng thương hiệu thành phố sáng tạo. Trong đó phải có không gian sáng tạo, thành phố ít ô nhiễm, các công trình văn hóa công cộng, sự hiện diện của nghệ thuật đường phố, có nhiều biểu tượng nghệ thuận và sáng tạo nổi tiếng…
Tại buổi toạ đàm, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong biết, để có thể thực hiện tốt việc phát triển công nghiệp văn hoá trên địa bàn Thủ đô, Hà Nội sẽ chú trong vào một số phần việc như: Tạo dựng môi trường thuận lợi cho phát triển công nghiệp văn hoá, xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất, hoàn chỉnh các quy hoạch văn hoá. hoàn thiện, bổ sung cơ chế chính sách phù hợp; Tạo ra một hệ sinh thái văn hoá sáng tạo gồm có thị trường văn hoá…
Đây là việc làm dài hơi và cần có sự đầu tư bài bản, lâu dài, vì thế thành phố đã xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp văn hoá trên địa bàn Thủ đô gồm nhiều giai đoạn với những nhiệm vụ cụ thể.