Nhận diện, đấu tranh với dư luận phản biện xã hội tiêu cực
Tây Hồ: Phát huy vai trò của tổ Đảng và từng đảng viên |
Trước thực tế này, tổ chức Đảng cơ sở đóng vai trò nòng cốt trong việc nhận diện, đấu tranh và định hướng dư luận đúng đắn, nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng và lợi ích quốc gia.
Vai trò và trách nhiệm của tổ chức Đảng cơ sở
Tổ chức Đảng cơ sở, đặc biệt là các chi bộ tại phường, xã, đóng vai trò quan trọng trong thực thi chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà nước. Các tổ dân phố là nơi gắn bó trực tiếp với đời sống Nhân dân, nơi thường xuyên gặp phải những luồng dư luận trái chiều, dễ bị ảnh hưởng bởi thông tin không chính xác. Do đó, chi bộ Đảng cần nhạy bén trong nắm bắt tình hình dư luận, kịp thời nhân rộng các giá trị tích cực và đấu tranh với những luận điệu tiêu cực nhằm bảo vệ niềm tin của Nhân dân với Đảng.
Bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc (Bí thư Đảng bộ phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội) nhấn mạnh: "Vai trò của Đảng bộ phường là không chỉ lắng nghe ý kiến của Nhân dân mà còn phải kiên quyết đấu tranh với các luồng thông tin xuyên tạc. Do đó, chúng tôi chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân và xử lý kịp thời các thông tin sai lệch".
Bà Ngọc cũng chia sẻ thêm: "Chúng tôi thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chính trị, gặp gỡ tổ dân phố để nắm bắt tình hình dư luận. Sự phối hợp chặt chẽ giữa Đảng bộ và chính quyền cơ sở là yếu tố quan trọng để nhận diện sớm và ngăn chặn những tư tưởng tiêu cực, bảo đảm môi trường ổn định, an toàn cho Nhân dân".
Thách thức từ những phản biện xã hội tiêu cực
Một số đối tượng lợi dụng diễn đàn công khai như hội thảo, báo chí, internet để đưa ra những quan điểm trái chiều, cực đoan và chống phá. Những phần tử này thường lợi dụng các khuyết điểm trong quản lý để kích động dư luận, nhằm hạ uy tín của Đảng và Nhà nước, đồng thời lôi kéo cán bộ thoái hóa biến chất.
Việc thảo luận dự án Luật Đất đai và Luật An ninh mạng là ví dụ điển hình. Các thế lực thù địch đã xuyên tạc nội dung luật nhằm gây hiểu lầm rằng đất đai là "độc quyền của Nhà nước" hay luật này "bịt miệng dân", từ đó gây bức xúc trong xã hội và kích động biểu tình.
Để đấu tranh với những dư luận tiêu cực, tổ chức Đảng cơ sở cần chủ động tuyên truyền, giáo dục để phân biệt giữa phản biện xây dựng và những luận điệu chống phá. Việc khuyến khích phản biện trên tinh thần khách quan, trung thực và khoa học không chỉ giúp phát hiện bất cập trong chính sách mà còn góp phần tạo ra môi trường dân chủ lành mạnh trong xã hội.
Tuy nhiên, cấp ủy Đảng cần cảnh giác với các thủ đoạn tinh vi của các phần tử xấu, đặc biệt tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, nơi thông tin còn hạn chế. Chi bộ Đảng cần gần gũi với quần chúng, kịp thời phản ánh tình hình dư luận và đề xuất giải pháp với cấp trên để ngăn chặn kịp thời các luồng thông tin sai lệch.
Một buổi sinh hoạt tổ Đảng ở Tây Hồ (ảnh minh hoạ) |
Có thể nói, việc nhận diện và đấu tranh với những dư luận phản biện tiêu cực không chỉ bảo vệ thành công nền tảng tư tưởng của Đảng mà còn đảm bảo sự ổn định chính trị, xã hội để phát triển đất nước.
Đảng và Nhà nước luôn khuyến khích nhân dân tham gia phản biện xã hội với tinh thần xây dựng, nhằm nâng cao chất lượng chủ trương và chính sách. Đồng thời, cần có biện pháp mạnh mẽ để xử lý nghiêm các phần tử lợi dụng dân chủ để phá hoại niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước.
Bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc khẳng định: "Đảng bộ cơ sở phải là tai mắt của Nhân dân, nắm bắt mọi diễn biến tư tưởng và dư luận để kịp thời can thiệp và định hướng. Nếu không làm tốt công tác này, chúng ta sẽ để lọt những thông tin sai lệch, gây ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của người dân".
Tổ chức Đảng cơ sở phải không ngừng nâng cao nhận thức chính trị, giữ vững tinh thần cảnh giác, góp phần giữ gìn môi trường ổn định cho sự phát triển của đất nước.