Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng: “Hoàng Sa còn nhớ là không thể mất”
Việt Nam lên tiếng trước phát biểu của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Thầy giáo đưa Hoàng Sa, Trường Sa vào nhiều môn học Lễ tri ân hùng binh Hoàng Sa, Trường Sa đi mở cõi 400 năm trước |
Đặc san Nghiên cứu Lịch sử xứ Quảng số đầu tiên xuất bản năm 2012 (Ảnh:NVCC) |
Với 14 số đã được xuất bản, “Đặc san Nghiên cứu Lịch sử xứ Quảng” của Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng đã tạo được tiếng vang bởi sự mới mẻ và tinh thần dân tộc sâu sắc. Đặc biệt là những vấn đề nghiên cứu liên quan đến chủ quyền biển đảo của tổ quốc.
Phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có cuộc trao đổi với Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng, để tìm hiểu sâu hơn về Đặc san được ví như “sân nhà” của các nhà Nghiên cứu Lịch Sử Quảng Nam – Đà Nẵng.
Đã là người viết sử trước hết phải tôn trọng sự thật lịch sử
PV: Thưa Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng, ông có thể cho độc giả gần xa biết được “Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng” được ra đời từ ý tưởng và bối cảnh như thế nào?
Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng: Thực ra, một diễn đàn nghiên cứu lịch sử xứ Quảng đã được khởi sự ở Đà Nẵng từ tháng 8 năm 1981, khi Đà Nẵng còn là tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, với tên gọi “Nghiên cứu Lịch sử địa phương và chuyên ngành Quảng Nam - Đà Nẵng”, do Tổ Lịch sử địa phương và chuyên ngành thuộc Ty Văn hóa và Thông tin tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng biên soạn.
Tuy nhiên, Nghiên cứu Lịch sử địa phương và chuyên ngành Quảng Nam - Đà Nẵng là tập kỷ yếu xuất bản không định kỳ, và cũng chỉ ra mắt bạn đọc được vài số thì đến ngày chia tách tỉnh.
Đến tháng 4 năm 2012, Đặc san Nghiên cứu Lịch sử xứ Quảng của Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng xuất bản số đầu tiên, dự kiến ra mắt bạn đọc mỗi năm hai số, nhưng tính tới đầu năm 2020 mới chỉ xuất bản được 14 số.
Là những người nghiên cứu khoa học, hội viên Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng luôn mong muốn có được diễn đàn để công bố kết quả nghiên cứu của mình. Diễn đàn ấy có thể là các sinh hoạt học thuật như tọa đàm, hội thảo, có thể là sách chuyên đề, có thể là báo chí...
Trước khi có Đặc san Nghiên cứu Lịch sử xứ Quảng, hội viên Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng cũng đã tận dụng các loại diễn đàn vừa nêu, nhưng rõ ràng “sân nhà” vẫn là diễn đàn gần gũi và thuận lợi nhất, có thể công bố kết quả nghiên cứu của hội viên theo những chuyên mục và chuyên đề.
Hiện, Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng nhận được sự cộng tác của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử khá nổi tiếng như: Nguyễn Phước Tương, PGS-TS Ngô Văn Minh, Tiến sĩ Lê Tiến Công, Thạc sĩ Bùi Văn Tiếng... cho đến các nhà nghiên cứu thuộc thế hệ trẻ như: Thạc sỹ Lưu Anh Rô, Võ Hà...
Nhà Nghiên cứu Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng (Ảnh:NVCC) |
PV: Ông có thể chia sẻ với độc giả về tôn chỉ ban đầu của Đặc san này? Sau 14 số đã xuất bản tôn chỉ này có được điều chỉnh không?
Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng: Không có lịch sử, hiện tại sẽ không có điểm tựa, và tương lai sẽ không còn gốc gác. Vì vậy, đã là người viết sử trước hết phải tôn trọng sự thật lịch sử. Cho nên, Đặc san Nghiên cứu Lịch sử xứ Quảng luôn nói không với những bài viết cố tình nhào nặn lịch sử theo ý muốn chủ quan của tác giả.
Người viết tiểu thuyết lịch sử có thể hư cấu, nhưng người viết sử thì không có quyền ấy. Cục bộ địa phương là điều không nên, nhưng Đặc san Nghiên cứu Lịch sử xứ Quảng tỏ ra “cục bộ” một chút, khi ưu tiên chọn đăng những bài nghiên cứu của hội viên trong Hội, ưu tiên chọn đăng những bài nghiên cứu về lịch sử xứ Quảng, biến Đặc san Nghiên cứu Lịch sử xứ Quảng thành “sân nhà” như đã nói trên.
Đương nhiên, với hội viên trong Hội, kết quả nghiên cứu về các vấn đề lịch sử ngoài xứ Quảng vẫn được hoan nghênh. Đặc biệt, từ Đặc san Nghiên cứu Lịch sử xứ Quảng số 14 trở đi.
Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng muốn cung cấp cho quý độc giả, mà trước hết là cho hội viên của hội những tư liệu lịch sử viết bằng tiếng nước ngoài, liên quan đến Đàng Trong nói chung, Đà Nẵng nói riêng.
Hàng ngàn học sinh lắng nghe sự kiện lịch sử về nhà yêu nước Phan Châu Trinh (Ảnh đăng trên Việt Báo ngày 24/3/2016) |
Hoàng Sa còn nhớ là không để mất
PV: Ngoài lịch sử xứ Quảng, thì chủ quyền biển đảo và biên cương có phải là một nhánh chủ đề chính mà Đặc san này ưu tiên quan tâm?
Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng: Chủ quyền biển đảo và biên cương… chính là một phần quan trọng của lịch sử xứ Quảng, nhất là Đà Nẵng. Ai cũng biết từ đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, Đà Nẵng đã được giao quản lý hành chính đối với quần đảo Hoàng Sa.
Hiện nay, Đà Nẵng là địa phương duy nhất trong cả nước còn nguyên một huyện đảo đang bị ngoại bang dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép trong suốt 46 năm qua.
Và như vậy, không thể hình dung một Đặc san Nghiên cứu Lịch sử xứ Quảng mà không ưu tiên chọn đăng những bài nghiên cứu về Hoàng Sa nói riêng, về chủ quyền biển đảo biên cương, lãnh hải nói chung.
Trên “sân nhà” Nghiên cứu Lịch sử xứ Quảng, giới sử học Đà Nẵng luôn hướng về huyện đảo Hoàng Sa với tâm nguyện: Làm thế nào để những ngày tháng giêng năm 1974 bi tráng của 46 năm trước luôn hiện hữu trong ký ức người Đà Nẵng nói riêng và người Việt nói chung.
Bởi còn nhớ đến Hoàng Sa là chưa thể mất Hoàng Sa, Hoàng Sa chỉ mất khi chúng ta vĩnh viễn quên rằng Bãi Cát Vàng chính là hương hỏa thiêng liêng của ông cha ta bao đời truyền lại.
Ngoài ra, khi nghiên cứu Lịch sử xứ Quảng, hội viên của Hội còn phát huy ưu thế sở tại, lợi thế bản địa để tập trung vào việc nghiên cứu những vấn đề sử học của Đất Quảng nói chung và Đà Nẵng nói riêng.
Nổi bật như các sự kiện lịch sử lớn từng diễn ra ở Đất Quảng hoặc do người Quảng khởi xướng như: Phong trào Duy Tân Đất Quảng đầu thế kỷ XX, Trung Kỳ dân biến năm 1908 và Cuộc khởi nghĩa Thái Phiên - Trần Cao Vân năm 1916; hay về sự kiện người Đà Nẵng từng hai lần thay mặt cả nước và cùng cả nước trực diện đương đầu với quân xâm lược: năm 1858 là cuộc tấn công vào Cửa Hàn của Liên quân Pháp và Tây Ban Nha và năm 1968 là cuộc đổ bộ của quân đội Mỹ vào Vịnh Đà Nẵng...
PV: Ông có thể cho biết, tại sao đặc san này lại không bán, dù nhận được nhiều người ngỏ ý hỏi mua?
Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng: Nghiên cứu Lịch sử xứ Quảng là đặc san chứ không phải tạp chí, nên hạn chế về phát hành cũng là điều dễ hiểu. Mặt khác Nghiên cứu Lịch sử xứ Quảng là ấn phẩm nghiên cứu chuyên ngành, không phải ai cũng thích tìm đọc.
Cứ mỗi lần in xong số mới là chúng tôi tổ chức họp sơ kết hoặc tổng kết hoạt động Hội để phát hành đến tay hội viên. Ngoài ra, Hội còn gửi biếu Hội Khoa học Lịch sử các tỉnh và trung ương, cũng như một số lãnh đạo thành phố, đồng thời gửi tặng các thư viện trường học trên địa bàn TP Đà Nẵng.
Điều mà chúng tôi ngại nhất trong phát hành Đặc san Nghiên cứu Lịch sử xứ Quảng là người có thì không muốn đọc, còn người muốn đọc thì không có, thậm chí muốn mua để đọc cũng không có.
14 số Đặc san Nghiên cứu Lịch sử xứ Quảng đã xuất bản qua các năm( ảnh: Võ Hà) |
Lịch sử không hoàn toàn khô khan
PV: Lịch sử bị mặc định là khô khan, khó gần với giới trẻ, từ kinh nghiệm tiếp xúc với độc giả thông qua đặc san này, ông có nghĩ vậy không? ông có cho rằng giới trẻ hiện nay không mặn mà với lịch sử?
Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng: Tôi không nghĩ vậy. Quan quan sát của tôi từ việc phát hành Đặc san nói riêng và từ hoạt động sinh hoạt học thuật của Hội nói chung, tôi cho rằng, giới trẻ hiện nay không thờ ơ với lịch sử của quê hương, đất nước.
Đơn cử như Đặc san Nghiên cứu Lịch sử xứ Quảng số VII, từng giới thiệu sự kiện kỷ niệm 90 năm ngày cả nước để tang Phan Châu Trinh (1926-2016), do Hội Khoa học Lịch sử thành phố phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo, Ban Tuyên giáo Thành ủy và Thành Đoàn Đà Nẵng tổ chức tại Trường THPT Phan Châu Trinh.
Với tư cách Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử thành phố, đồng thời là cựu học sinh của ngôi trường mang tên Phan Châu Trinh, tôi đã có cuộc nói chuyện về nhà yêu nước Phan Châu Trinh, trong sự đồng cảm của hàng nghìn học sinh đang tự hào về Cụ, một kiến trúc sư trưởng của Phong trào Duy Tân đầu thế kỷ XX.
Thông qua đó có thể khẳng định, lịch sử không hoàn toàn khô khan với những năm tháng vô hồn… Vấn đề là phải chạm đúng ngón tay vào những điều mà họ quan tâm.
PV: Có những chủ đề nào trong đặc san mà ông nghĩ phù hợp với mọi lứa tuổi, đặc biệt là giới trẻ?. Ông có thể giới thiệu đến các bạn trẻ một chủ đề lịch sử, hoặc một quyển sách sử dễ đọc không?
Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng: Các bài nghiên cứu liên quan đến lòng yêu nước và chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, và đây cũng chính là những chủ đề trong Nghiên cứu Lịch sử xứ Quảng. Theo tôi, những vấn đề lịch sử này có lẽ dễ chạm vào sự quan tâm của độc giả nhiều thế hệ.
Hiện nay, cuốn Kỷ yếu Hoàng Sa do Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông tái bản năm 2012 đang được rất nhiều độc giả quan tâm.
PV: Mục tiêu và dự định nghiên cứu trong thời gian tới của ông là gì?
Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng: Định hướng nghiên cứu của tôi chưa bao giờ ra khỏi định hướng chủ yếu của Đặc san Nghiên cứu Lịch sử xứ Quảng với ưu tiên dành cho các vấn đề liên quan đến chủ quyền Hoàng Sa nói riêng và lịch sử Đất Quảng- Đà Nẵng nói chung. Và tôi sẽ cố gắng để ra mắt bạn đọc một cuốn sách về Đà Nẵng quê tôi trong thời gian sớm nhất có thể.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!