Nhà giáo trường tư sẽ có quyền lợi ngang bằng trường công?
"Nhiều giáo viên không có động lực và năng lực tự thay đổi mình" Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Cần xử lý cả hiệu trưởng và cá nhân vi phạm! Con 12 giáo viên được nâng điểm thi THPT, Cục Nhà giáo nói gì? |
Giảng viên một trường ĐH trong giờ nghiên cứu. Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Đây là một trong số các nội dung quan trọng của Nghị quyết về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025 vừa được Chính phủ thông qua.
'Cái chưa ngang bằng là trường tư không có biên chế'
Trong nghị quyết có phần giải pháp về hoàn thiện thể chế liên quan đến nhà giáo. Cụ thể là xây dựng, ban hành chính sách về quyền lợi của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được tuyển dụng, làm việc tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập, bảo đảm ít nhất ngang bằng với quyền lợi của đội ngũ nhà giáo làm việc tại các cơ sở giáo dục công lập.
Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT, nhận xét : “Có mỗi cái chưa ngang bằng ở đây chính là trường công lập có biên chế còn trường tư không có biên chế. Còn nhà giáo ở trường tư lâu nay sống bằng lương được rồi”. Tuy nhiên, theo ông Tùng, việc vào biên chế trở thành cán bộ nhà nước với nhà giáo cũng ổn định hơn.
Tiến sĩ Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt, cho biết nhà giáo hiện nay ở các trường tư có chế độ khá tốt. Với giảng viên cơ hữu, thù lao được tính cao hơn trường công. Còn đội ngũ cơ hữu cũng được hưởng chế độ rất “cạnh tranh” để thu hút người có chuyên môn và trình độ. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Thành, quyền lợi mà nhà giáo trường tư hiện chưa bằng với trường công là các chính sách xét danh hiệu thi đua và tham gia bồi dưỡng trong và ngoài nước.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, có ý kiến: “Thực ra các trường ngoài công lập tại TP.HCM, kể cả phổ thông hay ĐH đều đang 'hút' lực lượng nhà giáo và cán bộ quản lý giỏi từ các trường công lập. Điều này cho thấy hiện tại quyền lợi ở các trường ngoài công lập đang tốt hơn trường công”.
Tuy nhiên, theo ông Sơn, vấn đề với người lao động ở các trường tư có thể là cơ chế tuyển dụng và các chính sách lâu dài. Nhưng dù trường công hay tư, thì nên tạo cơ chế trả thu nhập theo vị trí việc làm và đánh giá năng lực. Trong đó, ở các trường công cần được giao cho trường quyền tự chủ trong việc xây dựng quy chế chi trả thu nhập, tuyển dụng và sử dụng lao động theo tình hình thực tế.
Năm 2025 có 30% ĐH ngoài công lập
Theo nghị quyết này, mục tiêu là đẩy mạnh huy động các nguồn lực của xã hội, thúc đẩy sự phát triển của các cơ sở giáo dục ngoài công lập đạt tỷ lệ 8,75% số cơ sở và 8,9% người học vào năm 2020 và lần lượt là 13,5% và 16% vào năm 2025.
Cụ thể, đối với giáo dục mầm non ngoài công lập phấn đấu đến năm 2020 đạt tỷ lệ ít nhất là 20%, đến năm 2025 đạt 25%. Đối với giáo dục phổ thông, phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ cơ sở ngoài công lập đạt 2,3% và năm 2025 đạt 2,7%.
Giáo dục ĐH, phấn đấu đến năm 2020 số trường ngoài công lập đạt 28% và số sinh viên theo học đạt 18%; đến năm 2025 đạt tỷ lệ tương ứng là 30% và 22,5%. Đối với giáo dục nghề nghiệp, phấn đấu đến năm 2020 đạt 35% ngoài công lập, đến năm 2025 đạt tỷ lệ 40%.
Không tiếp tục phát triển mở rộng các cơ sở giáo dục công lập Trong nhiều giải pháp thực hiện, văn bản nêu rõ trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về rà soát quy hoạch mạng lưới các trường. Việc này sẽ thực hiện theo hướng không tiếp tục phát triển mở rộng các cơ sở giáo dục công lập mà cần đầu tư có trọng điểm. Dành ngân sách nhà nước cho các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc một số cơ sở giáo dục trọng điểm. Đặc biệt là tạo điều kiện chuyển đổi mô hình các cơ sở giáo dục mầm non, trung học phổ thông từ công lập ra ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hoá cao. Đồng thời đẩy mạnh tự chủ tài chính của các cơ sở giáo dục công lập với lộ trình phù hợp cho từng cấp học. Ngoài ra, còn chủ động phân luồng và định hướng cho phụ huynh và người học lựa chọn các mô hình trường không phân biệt công lập hay ngoài công lập. |