Nguyện ước của bác sĩ 10 năm “xung phong” trực Tết đêm giao thừa
Có thể đêm giao thừa của nhiều người là những khoảnh khắc đếm ngược, là những màn pháo hoa và tiếng đàn ca rộn rã thì đêm cuối năm của các bác sĩ trực Tết lại là những bước chân vội vã, là những âm thanh buồn tẻ của máy thở, máy monitor , tiếng nhỏ giọt của nước truyền…
Chấp nhận làm nghề là phải dấn thân, phải hi sinh nhưng ở thời khắc đặc biệt ấy, họ suy nghĩ gì? Bác sĩ chuyên khoa II Kiều Quốc Hiền, Trưởng Khoa Ngoại chấn thương, Bệnh viện E (Hà Nội) - người hơn 10 năm làm công tác trực cấp cứu ở một bệnh viện tuyến đầu - đã có cuộc trò chuyện với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô.
Bác sĩ Kiều Quốc Hiền, Trưởng Khoa Ngoại chấn thương, Bệnh viện E (Hà Nội) thăm khám cho bệnh nhân tại buồng. |
Trực Tết là nhiệm vụ, không thể nề hà
- Chào bác sĩ, được biết anh đã xung phong trực Tết vào đúng đêm giao thừa. Năm nay anh có xung phong nữa không ạ?
- Có chứ! Năm nay tôi lại “xung phong” trực đêm Giao thừa cho các bác sĩ “già” được nghỉ ngơi và các bác sĩ trẻ được về quê đón Tết cùng gia đình. Nói thực, trong 17 năm tôi gắn bó với Bệnh viện E thì có tới 15 năm, tôi trực chính về chuyên khoa chấn thương…
Tính ra đến nay, phải hơn chục năm tôi không được đón giao thừa cùng gia đình. Với tôi, trực đêm giao thừa vừa là nhiệm vụ, vừa là trách nhiệm của người thầy thuốc nên không hề nề hà. Đã chọn ngành Y là phải hy sinh, không có nhiều thời gian chăm lo cho bữa cơm gia đình, chăm con.
Nguyện ước đêm giao thừa của bác sĩ 10 năm “xung phong” trực cấp cứu tuyến đầu là được "nhàn" hơn |
- Vậy vợ bác sĩ có ý kiến gì không khi bác sĩ thường vắng nhà đêm 30?
- Có lẽ tôi may mắn khi vợ cũng công tác trong ngành Y nên luôn có sự đồng cảm và thấu hiểu nỗi vất vả của người thầy thuốc, nhất là trong đêm trực Tết.
Phải thú thực, hầu như Tết năm nào tôi cũng đi trực nên vợ và các con cũng buồn. Vợ tôi chỉ dặn dò: “Ra trực, anh về sớm cho con đỡ nhớ!”. Thỉnh thoảng con tôi ôm cổ bố nũng nịu: “Sao Giao thừa bố không về đưa con đi xem pháo hoa?”. Khi nghe đến đấy, tôi cũng thấy nhoi nhói, nghẹn ngào thương vợ thương con nhưng ở bệnh viện đang có quá nhiều bệnh nhân chờ tôi.
Đến trưa mông Một Tết, tôi trở về nhà sau ca trực, đứa con bé bỏng của tôi chạy ào ra ngõ đón bố. Lúc đó, Tết mới thực sự đến.
Bảo vệ “phòng tuyến” cuối cùng của sự sống
- Công việc của một bác sĩ trực Tết như thế nào?
- Những ngày này, số lượng bệnh nhân phải cấp cứu vì uống rượu gây tai nạn giao thông, hoặc ngộ độc rượu gấp khoảng 2 lần… Chúng tôi cấp cứu rất nhiều các trường hợp tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia, ngộ độc rượu, đánh nhau vì say rượu bia, hoặc đột quỵ vì thay đổi thời tiết, thói quen sinh hoạt ngày Tết. Tết luôn là thời gian bận rộn nhất đối với Khoa Ngoại chấn thương.
Bác sĩ Kiều Quốc Hiền, Trưởng Khoa Ngoại chấn thương, Bệnh viện E (Hà Nội) |
Trong các phòng cấp cứu, suốt 24/24 giờ, kíp nhân viên y tế luôn tay luôn chân, từ sơ cấp cứu ban đầu cho đến tổ chức phẫu thuật. Họ âm thầm cống hiến và bảo vệ “tiền tuyến” sức khỏe cho nhân dân, ngăn chặn cái chết từ xa. Giường bệnh luôn vượt quá công suất. Bác sĩ phải đau đầu với quyết định chuyển bớt bệnh nhân về các khoa lâm sàng khác để có chỗ sẵn sàng cho bệnh nhân mới.
Ở khu vực hồi sức cấp cứu, đối ngược với những bước chân vội vã khẩn cấp cùng sự bận rộn dữ dội, là những âm thanh buồn tẻ của máy thở, tiếng bíp bíp của máy monitor theo dõi các chỉ số sinh tồn, tiếng máy báo động của màn hình nhỏ giọt… - “tuyến phòng thủ” cuối cùng của sự sống.
- Trực Tết đã nhiều năm, có kỷ niệm vào trong phiên trực làm anh nhớ nhất?
- Tôi còn nhớ rất rõ về đêm Giao thừa năm đó, khi thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới chỉ cách nhau vài tích tắc đồng hồ nữa thì tiếng còi cấp cứu xé toang màn đêm, đưa một bệnh nhân nữ bị tai nạn giao thông trên đường Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội) vào cấp cứu.
Bệnh nhân bị tai nạn giao thông rất nặng đến mức vỡ hết đầu gối, nát bét hết cả mâm chày và xương đùi vỡ hở chảy máu toang toét hết. Tình hình rất khẩn cấp nhưng cả kip trực ai cũng sợ bệnh nhân có thể bị tổn thương mạch nên tôi phải trực tiếp đứng ca mổ cùng 5 bác sĩ ngoại, 3 bác sĩ chấn thương.
Ca mổ thực hiện xong thì đã 2h30 đêm. Từ phòng mổ về vị trí trực khuôn mặt ai cũng tái nhợt. Nhưng rất may mắn và hạnh phúc là chúng tôi đã cứu sống được bệnh nhân và giữ lại thành công đôi chân của cô ấy.
- Nếu không có ca cấp cứu thì đêm giao thừa trực ở bệnh viện bác sĩ làm gì đặc biệt để hòa vào niềm vui chung của cả nước?
- Vâng, chỉ cần có bệnh nhân cấp cứu là bác sĩ chúng tôi lại dằn lòng mình khẩn trương “lao” vào ca mổ, dành giật sự sống cho bệnh nhân. Mỗi lần cứu sống thành công bất kỳ bệnh nhân mắc bệnh nặng thì đó đều là món quà quý giá nhất mà bác sĩ chúng tôi nhận được.
Những ngày Tết các y bác sĩ Bệnh Viện E vẫn căng mình với các ca cấp cứu |
Tôi còn nhớ, có năm sau giao thừa, GS.TS Lê Ngọc Thành - Giám đốc Bệnh viện E cùng mọi người đi chúc mừng năm mới mà chúng tôi vẫn túc trực trong phòng mổ để cứu sống bệnh nhân. Lúc đó, dường như Tết đến chỉ ở ngoài cánh cửa phòng mổ. Còn ở bên trong, các bác sĩ trực đang căng mình giành giật lại sự sống cho bệnh nhân.
Còn nếu không phải cấp cứu bệnh nhân, chúng tôi lại lặng lẽ đếm ngược thời gian khi kim đồng hồ điểm 12 tiếng, để chia sẻ những ước muốn trong năm mới của nhân viên y tế. Ước muốn đó nho nhỏ thôi, đó là sự bình an cho tất cả mọi người, không bệnh tật. Nhiều bệnh nhân đang nằm điều trị lúc đó dù đau đớn vẫn gắng gượng nở nụ cười, đáp lại lời chúc mừng năm mới.
Nguyện ước cho năm mới
- Vất vả là vậy, các bác sĩ mong mỏi điều gì?
- Dẫu có bao nhiêu năm đón giao thừa cùng bệnh nhân thì cảm giác đón năm mới đêm 30 Tết ở bệnh viện bao giờ cũng rất thiêng liêng. Quá nhiều lần phải đối mặt với lằn ranh giữa sự sống và các chết, mong muốn lớn nhất của chúng tôi là năm tới bác sĩ “nhàn” hơn, ít bệnh nhân hơn, nhưng chưa năm nào được như ý muốn.
Bệnh nhân cấp cứu vẫn dồn dập vào những ngày cuối năm tại Bệnh Viện E |
Có lẽ, trong các ca trực Tết, khi chứng kiến một bệnh nhân nào đó không thể vượt qua, tôi thấy trong lòng rất buồn. Tôi còn nhớ, Tết năm ngoái, khi một thanh niên còn quá trẻ, mới vừa 18 tuổi, bị tai nạn giao thông sau khi uống rượu dẫn đến chấn thương sọ não. Dù các bác sĩ đã nỗ lực cấp cứu nhưng vẫn không qua khỏi.
Vì thế, chúng tôi mong muốn mọi người cần hạn chế rượu bia ngày Tết và khi đã sử dụng bia rượu không nên tham gia giao thông để tránh những nguy hiểm cho bản thân cũng như người khác.
- Xin cảm ơn bác sĩ và chúc anh năm mới an khang, hạnh phúc!