Nguy cơ tai nạn giao thông từ những chiếc xe kín mít
Xe khách “kín như bưng”
Theo ghi nhận của phóng viên, thời điểm 17h30, ngày 15/8, loạt ba xe khách có biển số màu vàng (xe kinh doanh vận tải chở người)… dán kín đề can màu xanh - trắng từ đầu đến đuôi xe, thậm chí dán cả kính chắn gió hai bên và phía sau xe vô tư nối hàng đi trên phố Huỳnh Thúc Kháng (Đống Đa, Hà Nội).
Trên thân xe dán kín đề can có in logo, thương hiệu của đơn vị quảng cáo với những hình ảnh được chỉnh sửa kỹ lưỡng của các dự án bất động sản… Các hình ảnh trông đẹp, bắt mắt, thu hút sự chú ý của người đi đường.
Tương tự, ngày 16/8, một xe khách loại trên 40 chỗ dán kín mít đề can quảng cáo, hai bên xe còn treo cờ, di chuyển ở khu vực giáp ranh giữa quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng.
Chiếc xe kín đề can quảng cáo nối đuôi nhau trên phố Huỳnh Thúc Kháng |
Đáng chú ý hơn, sau chiếc xe này còn là một đoàn xe máy chở theo 2 người và một cờ quảng cáo phía sau lưu thông thành đoàn trên phố. Sự việc gây náo loạn trên đường, ảnh hưởng đến giao thông.
Chị Vân Hà, người làm việc ở một quán cà phê trên đường Huỳnh Thúc Kháng ngao ngán: “Gần đây cứ tầm giờ cao điểm buổi chiều là có ít nhất ba xe khách được dán kín như bưng di chuyển qua đoạn phố này. Xe cỡ lớn, lại di chuyển ở đường có dải phân cách trong khoảng thời gian đông người nên giao thông bị ảnh hưởng nghiêm trọng, xe máy chả còn đường mà đi nữa…”
Anh Nguyễn Kế, người tham gia giao thông qua đoạn đường trên cho hay: “Gặp đoàn xe dán kín mít này thì chỉ còn cách đi sau họ và có đủ thời gian xem hết hình ảnh cũng như những slogan của nhà quảng cáo, chứ chả có cách nào vượt qua khi đường phố bị lấn chiếm; Đã thế họ đi rất chậm, như để cho mọi người kịp ngắm nhìn nên đoàn người cứ nối nhau mà di chuyển một cách chậm chạp.
Bác Nguyễn Dũng ở Kim Mã thường di chuyển bằng xe đạp qua đoạn đường này cho rằng: “Những chiếc xe kiểu này khi tham gia giao thông khiến nhiều người bị thu hút, đang lái xe mà bị phân tán, thì dễ mất tập trung và có thể dẫn tới tai nạn giao thông…”.
Liên quan đến việc xe khách dán kín đề can quảng cáo, ngang nhiên diễu hành trên phố Hà Nội, cách đây 1 năm Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã có văn bản gửi các tỉnh, thành phố trong cả nước yêu cầu kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý nghiêm việc các xe khách dán kín đề can quảng cáo gây mất an toàn giao thông, vi phạm thiết kế, hình dáng và màu xe theo đăng kiểm, đăng ký và tiêu chuẩn nhà sản xuất.
Xem xét trách nhiệm của đơn vị để xảy ra sai phạm
Việc nhìn thấy các quảng cáo trên các phương tiện giao thông là một cách để đưa thông tin sản phẩm đến người dùng. Tuy nhiên, việc dán đề can quảng cáo trên xe phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam, tránh quảng cáo lòe loẹt, kín xe gây mất tập trung cho những người tham gia giao thông, dẫn đến tai nạn giao thông.
Liên quan đến việc các xe dán đề can kín như bưng nhưng vẫn vô tư diễu phố, luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh) thông tin, việc thông tin quảng cáo trên xe ôtô đã được quy định cụ thể trong Luật Quảng cáo.
Cụ thể, Luật Quảng cáo 2012 quy định việc quảng cáo trên các phương tiện giao thông đường bộ không cần phải thực hiện thủ tục để xin giấy phép quảng cáo, tuy nhiên phải tuân thủ các quy định của Luật này và pháp luật về giao thông.
Theo đó, không được thể hiện sản phẩm quảng cáo ở mặt trước, mặt sau và trên nóc của phương tiện giao thông. Sản phẩm quảng cáo không được vượt quá 50% diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo của phương tiện giao thông.
Ngoài ra, phải đảm bảo không ảnh hưởng đến an toàn phương tiện hay gây nguy cơ mất ATGT như: Che khuất hoàn toàn tầm nhìn kính xe, làm mất khả năng thoát hiểm qua cửa kính xe. Để ngăn chặn tình trạng này, khi đăng kiểm định kỳ xe ôtô tham gia giao thông, các trung tâm đăng kiểm sẽ đánh giá về thực tế cách thức thông tin quảng cáo trên phương tiện, nếu đánh giá không đảm bảo an toàn khi phương tiện lưu thông sẽ không cấp chứng nhận kiểm định.
Chiếc xe kín đề can quảng cáo đi lấn làn xe máy trên phố đông của Hà Nội |
Luật sư Bình cũng cho biết, theo khoản 2 Điều 55 Luật Giao thông đường bộ 2008, phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với cá nhân, từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với tổ chức là đối với hành vi tự ý thay đổi màu sơn của xe không đúng với màu sơn ghi trong Giấy đăng ký xe.
Nghị định 100 cũng quy định phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức đối với hành vi tự ý thay đổi nhãn hiệu, màu sơn của xe môtô, xe gắn máy và các loại xe tương tự không đúng với giấy đăng ký xe.
Tiếp đó, Điều 61 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo quy định: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi quảng cáo tại mặt trước, mặt sau và trên nóc của một phương tiện giao thông; quảng cáo vượt quá diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo của một phương tiện giao thông theo quy định. Buộc tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo.
Thực tế, lực lượng cảnh sát giao thông Công an TP Hà Nội cũng đã xử lý một số trường hợp vi phạm dạng này. Theo đó, lực lượng chức năng thu giữ thu giữ giấy phép lái xe, giấy chứng nhận kiểm định an toàn phương tiện giao thông, yêu cầu dỡ bỏ quảng cáo…
Song thiết nghĩ, để chấn chỉnh tình trạng này, ngoài việc xử lý đối với đơn vị quản lý, vận hành xe, cơ quan chức năng cũng cần xem xét xử lý trách nhiệm đối với đơn vị quảng cáo.