Nguy cơ sụp đổ một ngân hàng như SVB ở Việt Nam là rất thấp
Ngân hàng Nhà nước cấm các nhà băng thông tin sai sự thật về trái phiếu doanh nghiệp Gia tăng sức chống chịu và bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng |
Trong bài nghiên cứu vừa phát hành bởi chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital - ông Michael Kokalari cho rằng, sự sụp đổ của SVB không ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán cũng như nền kinh tế Việt Nam.
Đồng thời, những sự việc đã tác động đến SVB và một số ngân hàng khu vực khác của Mỹ sẽ không tạo ra rủi ro đáng kể đến khả năng sinh lời và/hoặc khả năng thanh toán của các ngân hàng tại Việt Nam.
Nhiều thông tin cho rằng các khoản lỗ tiềm ẩn trong danh mục đầu tư của SVB cùng với tiền gửi tại ngân hàng giảm đáng kể là những yếu tố chính dẫn đến tình trạng SVB nhanh chóng mất khả năng thanh toán.
Theo ông Michael, các ngân hàng Việt Nam cũng nắm giữ trái phiếu Chính phủ trên bảng cân đối kế toán (ngân hàng ở hầu hết các nước cũng vậy nhưng lưu ý rằng ở Việt Nam không có chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp) và giá trái phiếu Chính phủ Việt Nam kỳ hạn 10 năm đã giảm khoảng 15% kể từ giữa năm 2021 khi lợi suất tăng, mặc dù lợi suất đã đạt đỉnh.
Tuy nhiên, trái phiếu Chính phủ chỉ chiếm khoảng 6% tổng tài sản của các ngân hàng niêm yết và trái phiếu giữ đến ngày đáo hạn chiếm chưa đến 2% tổng tài sản. Con số này thấp hơn nhiều so với mức 5 - 10% điển hình của các ngân hàng Mỹ và thấp hơn nhiều so với mức khoảng 45% tài sản của SVB nằm ở trái phiếu giữ đến ngày đáo hạn trên bảng cân đối kế toán.
Trụ sở Ngân hàng Thung lũng Silicon, Mỹ. Ảnh: REUTERS |
Nói cách khác, trái phiếu Chính phủ Việt Nam tăng lợi suất có thể đã tạo ra khoản lỗ hơn 3 tỷ USD cho các ngân hàng niêm yết của Việt Nam, tương đương với hơn 5% tổng vốn chủ sở hữu cấp 1 của các ngân hàng này; đồng thời không có ngân hàng nào có tiềm ẩn một khoản lỗ lớn so với vốn chủ sở hữu của mình.
Chuyên gia của VinaCapital cũng cho rằng, mặc dù SVB được báo cáo có khoản lỗ tiềm ẩn khoảng 15 tỷ USD trong danh mục đầu tư (hơn nhiều so với 12 tỷ USD vốn chủ sở hữu) nhưng lý do chính khiến SVB sụp đổ là lượng tiền gửi giảm đáng kể, buộc ngân hàng này phải ghi nhận khoản lỗ trên danh mục đầu tư chứng khoán của mình. Tình huống này cũng khó xảy ra ở Việt Nam.
Cụ thể, lượng tiền gửi sụt giảm của SVB đã khiến ngân hàng này phải bán trái phiếu kho bạc và chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp để huy động tiền mặt trả cho người gửi tiền và điều này thể hiện thành các khoản lỗ tiềm ẩn trong danh mục đầu tư chứng khoán của họ.
Trong khi đó, Chính phủ Việt Nam đảm bảo rằng tiền gửi luôn được bảo vệ trong các cuộc khủng hoảng ngân hàng trước đây, mặc dù hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi chỉ là khoảng 5.000 USD.
Do đó, người gửi tiền ở Việt Nam được khuyến nghị không rút tiền đột ngột khi một ngân hàng tại Việt Nam gặp khó khăn bởi Chính phủ sẽ đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền trong trường hợp ngân hàng sụp đổ.
"Nguy cơ sụp đổ của một ngân hàng như SVB ở Việt Nam là rất thấp. Bởi lẽ những sự việc tác động lên SVB không có khả năng xảy ra (nghĩa là người gửi tiền không được khuyến khích rút tiền đột ngột từ ngân hàng khi có khủng hoảng) và các khoản lỗ tiềm ẩn trong danh mục đầu tư của các ngân hàng Việt Nam không đủ lớn để tác động đáng kể đến khả năng sinh lời và/hoặc khả năng thanh toán," ông Michael Kokalari nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, sự sụp đổ của SVB dường như không có ảnh hưởng đáng kể nào đến nền kinh tế Việt Nam, mặc dù Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với thặng dư thương mại tương đương khoảng 20% GDP.
Chuyên gia VinaCapital cho rằng, xuất khẩu sang Mỹ đã chậm lại trước khi SVB sụp đổ, chủ yếu là do hàng tồn kho của các nhà bán lẻ lớn và các công ty hàng tiêu dùng khác như Nike ở Mỹ đã tăng khoảng 20% vào năm ngoái.
Do đó, ông Michael không tin rằng sự sụp đổ của SVB sẽ làm cho xuất khẩu sang Mỹ tăng trưởng chậm thêm. Nhu cầu đối với các sản phẩm “Made in Vietnam” khó có thể phục hồi cho đến nửa cuối năm 2023, bất kể các diễn biến trong lĩnh vực ngân hàng ở Mỹ.
Theo ông Michael, phản ứng của Chính phủ Mỹ đối với sự sụp đổ của SVB đã khiến lãi suất của Mỹ giảm và hạ kỳ vọng tăng lãi suất, từ đó tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giảm 100 điểm cơ bản lãi suất điều hành ở Việt Nam từ ngày 15/3 vừa qua.
Mặt khác, việc lãi suất ở Mỹ/toàn cầu giảm và đồng USD yếu đi sẽ dẫn đến thanh khoản của các ngân hàng Việt Nam được cải thiện, cũng như lãi suất thấp hơn ở Việt Nam đã được thể hiện rõ thông qua việc giảm lãi suất điều hành tại Việt Nam.
Cuối cùng, Credit Suisse cũng đang phải đối mặt với các vấn đề thanh khoản nghiêm trọng. Vấn đề cũng sẽ được giải quyết bằng việc Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ cung cấp thanh khoản cho ngân hàng này và cũng gây áp lực khiến lãi suất toàn cầu giảm. Điều này sẽ mang lại nhiều thanh khoản hơn cho nền kinh tế toàn cầu cũng như gián tiếp mang lại lợi ích cho nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam.