Người già đổ bệnh vì nắng nóng, có ca phải thở máy
Dân Hà Nội tắm cùng chó cưng ở Hồ Tây |
Đối phó với nắng nóng: Cần bù nước cho cơ thể |
Dân Hà Nội đổ xô lên cầu Long Biên tránh nóng |
Hà Nội: Chen chân vào bóng mát bé nhỏ tránh nắng nóng đầu hè |
Ghi nhận khoảng một tuần trở lại đây thời tiết nắng nóng thất thường, Khoa Thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị (Hà Nội) đã tiếp nhận gần 40 bệnh nhân vào viện để điều trị với các bệnh lý như: tiền đình, đột quỵ não, viêm phổi, chóng mặt, đau đầu. Cùng với đó, nhiều bệnh nhân là người cao tuổi có các bệnh nền như: tăng huyết áp, đái tháo đường, suy tim, suy thận… cũng đã phải nhập viện để điều trị.
Trong số bệnh nhân vào viện để điều trị có 2 bệnh nhân là người cao tuổi, đang phải thở máy, 1 người tiên lượng bệnh nặng. Việc chăm sóc cho bệnh nhân phải thở máy, đặc biệt là người bệnh cao tuổi gặp nhiều khó khăn vì phải hút đờm, vỗ rung, theo dõi chỉ số, chụp tim phổi… cho người bệnh. Khi bệnh nhân thở máy nằm lâu 1 chỗ sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị loét, nhiễm trùng,... ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người bệnh.
ThS.BS Mai Đức Thảo – Trưởng Khoa Thần Kinh, Bệnh viện Hữu Nghị cho biết, trong thời tiết nắng nóng để chủ động phòng bệnh, người cao tuổi cần chủ động thăm khám đình kỳ, uống thuốc đúng liều lượng theo chỉ dẫn của bác sĩ. Cùng với đó, tránh tình trạng nằm điều hòa ra ngoài đột ngột, không để nhiệt độ quá lạnh khiến cơ thể bị choáng dẫn tới co thắt mạch, dễ xảy ra tai biến.
Cũng theo BS. Trần Quang Thắng - Trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, người cao tuổi là một trong những đối tượng bị tác động nhiều nhất do nắng nóng. Do người cao tuổi đã có sẵn bệnh nền nên kém thích nghi với sự thay đổi của thời tiết. Khi bị ảnh hưởng trực tiếp với nắng nóng, người cao tuổi dễ bị sốc nhiệt.
Với những người cao tuổi có sẵn bệnh đái tháo đường, tim mạch, tăng huyết áp, khi bị ảnh hưởng gián tiếp của nắng nóng dễ gây biến chứng. Do vậy, những ngày thời tiết nắng nóng, người cao tuổi cần uống nước thường xuyên, bổ sung hoa quả để đủ lượng vitamin, khoáng chất. Đặc biệt, cần tránh ra nắng trong khoảng từ 10h đến 16h, bởi đây là thời điểm nắng gắt, tia tử ngoại cao... - BS. Trần Quang Thắng khuyến cáo.
Các chuyên gia nhấn mạnh, thời tiết nắng nóng như hiện nay ảnh hưởng đến cơ chế điều hòa thân nhiệt của cơ thể, có thể làm cho nhiệt độ cơ thể tăng cao, con người sẽ rơi vào trạng thái chóng mặt, lơ mơ, rối loạn ý thức. Thân nhiệt tăng cao cũng ảnh hưởng lớn đến chức năng tim phổi, hệ thần kinh... của con người.
Cùng với đó, khi bệnh nhân tăng thân nhiệt, ra mồ hôi đầm đìa, cơ thể bị mất nước, kệt sức, cộng thêm bị say nóng do ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào đầu nếu không đội mũ hay đồ bảo hộ dễ khiến bệnh nhân bị tổn thương đa cơ quan, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Để bảo vệ sức khoẻ ngày nắng nóng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên ăn thức ăn, uống nước đã nấu chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Mỗi người cần uống đủ nước và tăng cường dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để đảm bảo đủ vitamin nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể.
Người dân tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối; thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
Các gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh. Người dân cũng cần thường xuyên thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng (bọ gậy); loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên, không cho muỗi đẻ trứng...