Người dân bức xúc tại buổi đối thoại với Nhà máy xi măng Sông Gianh
Quảng Bình: Nhà máy xi măng Sông Gianh còn hành dân đến bao giờ? |
Như Tuổi trẻ Thủ đô đã thông tin, vào khoảng hơn 20 giờ 30 phút, 26/5/2021, tại nhà máy xi măng Sông Gianh đã xảy ra sự cố. Một lượng lớn chất thải bụi đã xả thẳng ra ngoài môi trường gây hiện tượng bụi thải bao trùm một vùng lớn xung quanh, ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiều hộ dân ở thôn Cương Trung sát cạnh nhà máy. Ngay trong đêm, nhiều người dân thôn Cương Trung đã tụ tập phản đối việc nhà máy xi măng Sông Gianh gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và cuộc sống của họ. |
Ngày 3/6, sau gần 10 ngày xảy ra sự cố, đại diện Nhà máy xi măng Sông Gianh, chính quyền địa phương xã Tiến Hóa đã tổ chức đối thoại với nhân dân thôn Cương Trung.
Tại cuộc họp giữa nhân dân thôn Cương Trung với chính quyền địa phương và đại diện nhà máy xi măng Sông Gianh đã có đến 19 ý kiến phát biểu được đưa ra.
Các ý kiến đưa ra hầu như xoay quanh các vấn đề như: đền bù hỗ trợ 125 triệu đồng cho nhân dân là quá thấp; nhà máy cần khắc phục ngay việc xả thải tại cổng trên đồng thời phải có trách nhiệm xây dựng kế hoạch khảo sát để có phương án hỗ trợ hàng năm cho các hộ nằm trong khu vực bị ảnh hưởng; nhà máy phải kiểm tra và bảo trì thường xuyên máy móc, tránh xảy ra sự cố…
Tại cuộc đối thoại ông Hoàng Văn Thành - Trưởng Phòng hành chính nhà máy xi măng Sông Gianh, đại diện nhà máy xin lỗi nhân dân, mong nhân dân thông cảm bỏ qua. Phía nhà máy sẽ kiểm kê thiệt hại và và đưa ra mức đền bù phù hợp để người dân khắc phục hậu quả do sự cố vừa qua. Tại cuộc họp này ông Thành hứa sẽ xây dựng tường bao, hệ thống lưới chắn bụi tầm thấp phía tây nhà máy để tránh gió cuốn bụi vào khu đông dân cư. Ngoài ra các hệ thống phun sương tạo ẩm, tăng cường xe bồn tưới nước trên các tuyến đường ra vào nhà máy nằm gần nhà dân.
Hàng trăm người dân thôn Cương Trung bức xúc tại buổi đối thoại với nhà máy xi măng Sông Gianh. |
Bà Hoàng Thị Thủy - người dân thôn Cương Trung bức xúc: “May có sự cố này mà 17 năm dân chúng tôi mới được gặp để trình bày những bức xúc đến nhà máy, Đền bù, hỗ trợ 125 triệu đồng là quá thấp so, quá thiệt thòi với những gì người dân phải chịu cả trong nhà lẫn cây trồng vật nuôi. Đề nghị được hỗ trợ hàng năm cho việc trồng trọt và chăn nuôi, phải có biện pháp khắc phục triệt để tránh ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến dời sống của nhân dân”.
Tại cuộc đối thoại, để minh chứng cho việc ô nhiễm của nhà máy, bà Thủy đã mang đến hội trường một bao tải nhỏ lúa. Bà cho số lúa ấy vào chậu nước, ngay lập tức nước chuyển sang một màu đen kịt.
Bà Lê Thị Nhị cũng giận dữ khi nhà bị nứt nẻ do lượng lượng mìn nổ quá nhiều và sự cố đổ xăng dầu của nhà máy mà không có đền bù hỗ trợ gì. Ông Nguyễn Phú Toàn (chồng bà Nhị) cũng bức xúc không kém. Khi vợ đang phát biểu ý kiến, ông đã tha thiết mời anh em phóng viên mục sở thị ngôi nhà bị nứt do ảnh hưởng của việc nổ mìn.
Ông Nguyễn Phú Toàn chỉ vào vết nứt ở nhà mình do nổ mìn khai thác đá từ nhà máy |
Về vấn đề này, báo chí đã từng đăng bài Mỏ đá Lèn Bảng nổ mìn gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng hưởng người dân và Bộ Công thương đã vào cuộc.
Chị Nguyễn Thị Hiệp, đại diện gia đình sinh sống gần nhà máy có ý kiến: "Nhà tôi sinh sống gần nhà máy. Không chỉ ô nhiễm về môi trường gia đình tôi hàng ngày bị tiếng ồn nhà máy hoạt động, tiếng còi xe ra vào làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt riêng tư. Vậy tôi mong nhà máy và địa phương về kiểm tra và có phương án di dời".
Có những hộ dân chờ 17 năm mới được đối thoại để bày tỏ sự bức xúc. |
Tại cuộc tiếp dân này vẫn còn nhiều ý kiến về nhà máy gây ô nhiễm và ô nhiễm nghiêm trọng vào ban đêm. Việc nổ mìn mỏ đá gây tiếng động rung chuyển khiến người dân không yên tâm khi ra đồng để con nhỏ ở nhà một mình. Việc này các ngành chức năng nên kiểm tra thắt chặt việc nổ mìn khai thác đá.
Về những ý kiến của người dân ông Hoàng Văn Thành, Trưởng phòng hành chính sẽ báo cáo lại ban giám đốc tập đoàn. Ông Thành Hứa sẽ thực hiện một số ý kiến của người dân trong tháng 6 này.
Rất nhiều hộ dân sống cách nhà máy chỉ 200 - 300 mét, nhưng không hiểu sao gần 20 năm vẫn không được di dời. |
Kết luận cuộc họp ông Hoàng Trọng Tài - Chủ tịch xã Tiến Hóa nói: "Ô nhiễm tối 26/5 từ sự cố tại nhà máy xi măng Sông Gianh là ngoài ý muốn. Phía nhà máy và người dân đi đến thống nhất đền bù, hỗ trợ người dân Cương Trung là 125 triệu đồng. Vấn đề này phải thực hiện xong trong tháng 6 này. Ngoài ra nhà máy phải thường xuyên kiểm tra bảo trì bảo dưỡng máy móc, tránh xảy ra sự cố như vừa qua. Phần đường bê tông phía cổng trên, tường chắn bụi tầm thấp phải thực hiện trong năm 2021 như nhà máy đã hứa. Nhà máy phải tăng cường tưới nước, khắc phục nước thải và có trách nhiệm khảo sát các hộ dân ảnh hưởng để hỗ trợ thường xuyên".
Từ tháng 3/2017, Công ty TNHH SCG Xi măng Vật liệu xây dựng, công ty thành viên của Tập đoàn SCG (Thái Lan) đã thực hiện việc mua lại 100% vốn cổ phần (tương đương 156 triệu USD) từ các cổ đông VCM tại Xi măng Sông Gianh. Giá trị giao dịch này và khoảng 440 triệu USD, bao gồm nợ ròng và chi phí đầu tư cải tiến hiệu quả đối với tài sản mua lại. Từ khi nhà máy thuộc về ông chủ Thái Lan, về phía tập đoàn SCG đã đầu tư cải tiến nhiều công nghệ. Tuy nhiên những ảnh hưởng của nhày máy này với người dân xung quanh vẫn rất nặng nề. Đặc biệt, gần 20 kể từ ngày nhà máy này đi vào hoạt động, việc di dời những hộ dân sống gần nhà máy vẫn không được thực hiện. hàng chục hộ dân vẫn sống sát cạnh nhà máy với chỉ khoảng cách 200 đến 300 mét. Theo quy chuẩn xây dựng Việt Nam được ban hành theo quyết định số 682/ BXD - CSXD ngày 14/12/1996 của Bộ Xây dựng, hiện nay là văn bản quy phạm kỹ thuật đang có hiệu lực thi hành. Liên quan đến khoảng cách ly vệ sinh giữa công trình công nghiệp với khu dân cư theo mức độ độc hại, Quy chuẩn xây dựng Việt Nam đã quy định tại điều 4.11. Khoảng các ly vệ sinh giữa xí nghiệp, kho tang và khu dân dụng, theo đó, nhà máy sản xuất xi măng thuộc cấp độ độc hại I có dải cách ly tối thiểu là 1.000m. |